Theo ghi nhận của PV Báo Sức khỏe & Đời sống, tuyến phố Cầu Mới là đường 1 chiều, nơi có số lượng phương tiện lưu thông rất lớn (hầu như đông đúc, tấp nập người và xe ở mọi thời điểm trong ngày) nhưng bất chấp nhiều biển cấm, bảng hiệu được lắp đặt dọc tuyến phố đề rõ: "cấm họp chợ, cấm bán hàng rong", người dân vẫn "thản nhiên" tụ tập buôn bán đủ thứ hàng hóa từ sáng sớm đến đầu giờ chiều (đôi khi kéo dài đến chiều tối, trong khoảng 17 – 18 giờ chiều) mới "tan chợ".
Phố Cầu Mới có chiều dài gần 500m, mặt đường khá hẹp, chưa kể phần đường tiếp giáp với sông Tô Lịch đang được sử dụng để phục vụ mục đích thi công, xây dựng nên diện tích tuyến phố càng bị thu hẹp đáng kể.
Việc các "tiểu thương" tự ý lấn chiếm lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán hàng hóa khiến các phương tiện di chuyển qua đây gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là vào buổi sáng sớm, các gian hàng chiếm gần hết không gian của 1 làn đường kết hợp với số lượng phương tiện lưu thông qua khu vực này vào thời điểm đó là rất lớn đã gây ra tình trạng ùn tắc.
Tình trạng họp chợ tự phát tại phố Cầu Mới đã diễn ra từ lâu khiến người dân nhầm tưởng đây là khu vực được phép kinh doanh, buôn bán hàng hóa. Điều này dẫn đến tình trạng người mua tùy tiện dừng, đậu xe giữa đường để mua hàng gây khó khăn cho các phương tiện khác khi lưu thông qua khu vực này và cũng tạo nên hình ảnh vô cùng lộn xộn, nhếch nhác.
Ngoài vấn đề họp chợ ngay bên dưới biển cấm, phố Cầu Mới cũng được ghi nhận là khu vực thường xuyên xảy ra các vi phạm về an toàn giao thông đường bộ, điển hình là lỗi đi ngược chiều và không tuân thủ biển chỉ dẫn.
Theo quan sát của PV, mặc dù ngay phía đầu đường nơi tiếp giáp giữa đường Nguyễn Trãi và phố Cầu Mới đã có cắm một tấm biển cấm các phương tiện rẽ trái nhưng tấm biển này gần như không có tác dụng, người dân vẫn vô tư đi vào tuyến phố 1 chiều. Hầu hết người dân chọn lối đi tắt này là bởi "tiện đường ghé qua chợ xem hôm nay có gì mua không (?)".
Vào các khung giờ cao điểm hay khi người mua kẻ bán tấp nập, tuyến phố Cầu Mới tràn ngập tiếng còi xe, tiếng trao đổi, mua bán hàng hóa, mùi tanh của cá, mùi hôi thối của nước thải tràn ra đường, tiềm ẩn nguy cơ đến sức khỏe và khiến khung cảnh nơi đây trở nên vô cùng hỗn loạn.
Anh Lê Đức Long, một người dân sinh sống gần khu vực chợ tự phát phố Cầu Mới cho biết: "Lòng đường bị chiếm chỉ có 2 lí do, 1 là người bán nhờn luật, 2 là chính quyền, lực lượng chức năng xử lý chưa tới".
"Văn hóa chiếm lòng đường để kinh doanh buôn bán đã trở thành thói quen xấu khó bỏ... Nhưng không thể vì thế mà làm ngơ, phải bằng mọi cách để lòng đường thông thoáng vốn như bản chất của nó, là nơi cho phương tiện dễ dàng lưu thông", anh Long bày tỏ quan điểm.
Theo tìm hiểu của PV, Công an phường Thịnh Quang và Công an phường Ngã Tư Sở (Đống Đa) tuần tra, nhắc nhở người dân trong thời điểm từ 7 đến 8 giờ sáng. Việc này chỉ đem lại hiệu quả tức thời vì sau khi lực lượng chức năng rời đi, tiểu thương lại quay trở lại buôn bán như thường.
Điều đáng chú ý là việc tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn lấn chiếm và dẹp hàng quán diễn ra từ ngày này sang ngày khác nhưng không thực sự có hiệu quả. Hiệu lực của những tấm biển cấm họp chợ, cấm bán hàng rong dường như chỉ có tác dụng khi lực lượng chức năng có mặt.
Trong quá trình PV tác nghiệp khi công an khu vực đến dẹp chợ tự phát, nhiều tiểu thương tỏ thái độ thản nhiên, nhiều người đã nói trước mặt lực lượng chức năng với đại ý: "Các anh đến thì bọn tôi đi, các anh đi thì bọn tôi quay lại".
Nhận được thông tin phản ánh của PV Báo Sức khỏe & Đời sống, đại úy Đoàn Ngọc Việt - Phó trưởng Công an phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) cho biết: "Các tiểu thương sử dụng chủ yếu là xe thồ, xe hàng rong nên rất khó giải quyết triệt để vấn đề. Tình trạng cán bộ đến dẹp thì họ đi, mình đi thì họ trở lại (mặc dù số lượng trở lại là không nhiều) nhưng như vậy cũng gây khó dễ không nhỏ, chưa kể khi bị xử phạt lại lấy lí do mưu sinh, cơm áo gạo tiền".
Theo đại diện Công an phường Ngã Tư Sở, thời gian tới sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng của những phường khác để xử lý vi phạm lấn chiếm lòng đường, dẹp nạn họp chợ tự phát được hiệu quả hơn. Những trường hợp vi phạm cũng sẽ bị xử phạt chứ không dừng lại ở việc nhắc nhở như trước.