200m vỉa hè, 3 đơn vị được cấp pháp khai thác
Theo ghi nhận của PV báo Sức khỏe và Đời sống, tại các tuyến phố Triệu Quốc Đạt, Quán Sứ, Phủ Doãn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), gần như toàn bộ vỉa hè đều đã bị trưng dụng để trông giữ xe. Như phố Phủ Doãn đoạn qua Bệnh viện Việt Đức, mặc dù chỉ mấy trăm mét nhưng có đến 3 công ty cắm biển trông giữ xe có thu phí và giá vé thì mỗi nơi một kiểu.
Ngay trước Bệnh viện Phụ sản Trung ương (trên vỉa hè phố Triệu Quốc Đạt), có tấm biển cho biết đơn vị khai thác là Công ty TNHH Thương mai Dịch vụ Tuyết Tùng. Theo nội dung trên tấm biển thì: "Điểm trông giữ xe số 1 Triệu Quốc Đạt - Giấy phép số 07/GP - UBND quận Hoàn Kiếm từ ngày 31/6/2018 đến ngày 30/12/2020, diện tích 300 m2".
Trên tấm bảng "to tướng" đã hết phép này, còn niêm yết cả bảng giá dịch vụ trông giữ xe. Cụ thể: Ban ngày (từ 6h đến 18h) giá trông giữ xe đạp là 3.000 đồng/lượt, xe máy 5.000 đồng/1 lượt. Ban đêm (từ 18h đến 6h sáng hôm sau) giá xe đạp là 5.000 đồng, xe máy 8.000 đồng 1 lượt. Giá gửi ngày đêm với 2 phương tiện trên lần lượt là 7.000 đồng và 12.000 đồng.
Công ty này ghi rõ mức giá trên là thu theo Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 của UBND TP Hà Nội. "Nếu nhân viên thu quá giá quy định và có điều gì thắc mắc đề nghị quý khách gọi đường dây nóng 24/24... để giải quyết". Thế nhưng nội dung quan trọng nhất là số điện thoại đường dây nóng thì đã bị... xóa mất.
Sau khi chúng tôi gửi xe, nhân viên trông giữ tại đây tiến hành xé vé và bảo đưa 10.000 đồng. Bất thường ở chỗ, giá được in trên tấm vé chỉ có 5.000 đồng/1 lượt.
Theo ghi nhận, bất cứ người dân nào gửi xe tại đây đều bị thu mức giá 10.000 đồng 1 lượt. Chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút, có đến hàng chục lượt xe vào gửi với cùng mức thu như vậy.
Anh B.V.H thường xuyên đưa vợ đi khám thai tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mỗi lần đến đây anh đều gửi xe tại cổng bệnh viện. Anh cho biết lần nào cũng bị nhân viên thu 10.000 đồng. Mặc dù biết giá in trên vé chỉ 5.000 đồng, tuy nhiên do số tiền chênh lệch không lớn và không muốn đôi co ầm ĩ nên anh H thường im lặng cho qua.
Phía bên kia đường, vỉa hè cũng bị "trưng dụng" làm nơi trông giữ xe ô tô, có đặt biển Công ty CP 901. Trung bình giá gửi xe ô tô tại đây khoảng 50.000 đồng/1 giờ.
Cách đó chỉ chừng hơn trăm mét, vỉa hè phố Phủ Doãn đoạn dọc 2 bên cổng Bệnh viện Việt Đức, cũng là nơi "tọa lạc" của những điểm trông giữ xe có thu phí. Chỉ 1 đoạn vỉa hè ngắn chưa đầy 200m mà có đến 3 đơn vị cắm biển trông xe gồm: Công ty CP 901, Công ty TNHH TM-DV Tùng Linh và Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội.
Cũng trong vai một người dân vào gửi xe tại điểm trông giữ của Công ty TNHH TM-DV Tùng Linh, phóng viên cũng bị nhân viên tại đây thu 10.000 đồng trong khi giá trên vé xe chỉ có 5.000 đồng.
Qua khảo sát, Công ty TNHH TM-DV Tùng Linh còn khai thác 1 điểm trông giữ xe tại vỉa hè phố Quán Sứ đoạn cổng Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương.
Không chỉ thu giá "gấp đôi" so với niêm yết, các điểm trông giữ xe của các Công ty CP 901, Công ty TNHH TM-DV Tùng Linh, Công ty TNHH Thương mai Dịch vụ Tuyết Tùng còn chiếm trọn toàn bộ diện tích vỉa hè và không hề để khoảng trống dành cho người đi bộ. Muốn đi qua đây, thì chỉ có cách đi xuống lòng đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Nhiều người dân bức xúc cho biết, hành vi "móc túi" người gửi xe, mà chủ yếu là những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, đã diễn ra nhiều năm nay, nhiều cơ quan báo chí cũng đã vào cuộc phản ánh, thế nhưng đến nay nhưng điểm trông giữ này vẫn ung dung tồn tại.
Với số tiền chênh lệch mỗi lượt gửi xe tuy không lớn, nhưng với hàng nghìn, hạng vạn lượt gửi xe, thì số tiền chênh kia sẽ rơi vào túi ai, tiền thuế được quản lý như thế nào là câu hỏi chưa lời giải đáp?
Hà Nội có vi phạm việc quản lý tài sản công?
Theo Điều 80, Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017, vỉa hè là tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và là tải sản công do nhà nước quản lý. Các Điều 82, 83, 84 Luật Quản lý sử dụng tài sản công cũng quy định việc cho thuê quyền khai thác và chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
Khoản 6 Điều 13 Nghị định 33/2019 của Chính phủ quy định về việc cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: "Căn cứ Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức đấu giá để lựa chọn doanh nghiệp thuê quyền khai thác tài sản theo quy định của pháp luật về đấu giá và ký Hợp đồng cho thuê quyền khai thác tài sản theo quy định của pháp luật".
Doanh nghiệp tham gia đấu giá phải đáp ứng điều kiện về năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật chuyên ngành giao thông đường bộ và pháp luật có liên quan".
Như vậy, có thể hiểu việc sử dụng vỉa hè (tài sản công) vào mục đích kinh doanh có thu phí phải thông qua đấu giá quyền khai thác.
Trở lại với câu chuyện các điểm trông giữ xe trên đại bàn quận Hoàn Kiếm, câu hỏi đặt ra là các Công ty CP 901, Công ty TNHH TM-DV Tùng Linh, Công ty TNHH Thương mai Dịch vụ Tuyết Tùng đã thông qua đấu giá để khai thác quyền trông giữ xe hay chưa? Và quy trình đấu giá nêu trên được diễn ra như thế nào?
PV đã liên hệ với UBND quận Hoàn Kiến để làm rõ thông tin và có buổi làm việc với đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm. Nội dung sẽ được gửi đến bạn đọc trong các bài viết tiếp theo.
Xem thêm video đang được quan tâm
Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Vai trò của các đột biến đối với sức mạnh của Omicron | SKĐS