Theo BHXH TP. Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, toàn TP có 1.612.225 người tham gia BHXH; 6.429.824 người tham gia BHYT. BHXH TP. Hà Nội đang quản lý 68.329 đơn vị, trong đó 10.662 doanh nghiệp mới tham gia BHXH, BHYT. Hiện tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn đạt 84,9% dân số; dự kiến hết năm 2018 hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT được Thủ tướng Chính phủ, UBND TP giao là 85,3%. Theo BHXH TP. Hà Nội, tính đến ngày 16/9/2018, tổng thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp là hơn 25.063 tỷ đồng.
Về giải quyết chế độ BHXH đảm bảo đúng đối tượng, đúng mức hưởng theo quy định của pháp luật. 9 tháng đầu năm thực hiện giải quyết chế độ cho 674.709 lượt người thụ hưởng. Trong đó, hưởng hàng tháng là 10.786 đối tượng, hưởng chế độ BHXH một lần là 26.442 đối tượng, giải quyết chế độ ngắn hạn cho 386.367 lượt người, trợ cấp thất nghiệp cho 161.114 lượt người.
“Để đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT, BHXH, cơ quan BHXH TP. Hà Nội đã ký hợp đồng khám chữa bệnh với 197 cơ sở y tế, trong đó 160 cơ sở y tế công lập, 37 cơ sở y tế tư nhân. Tính đến hết tháng 9/2018, đã đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh BHYT cho 7.939.067 lượt người với tổng chi phí là 12.189 tỷ đồng. Trong đó, có 20 bệnh nhân có chi phí khám chữa bệnh được Quỹ BHYT thanh toán trên 170 triệu đồng với tổng số tiền 10,49 tỷ đồng, bệnh nhân cao nhất là 1,48 tỷ đồng”, ông Nguyễn Đức Hòa thông tin.
Liên quan đến công tác thanh, kiểm tra, thu nợ BHXH, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, các đơn vị chức năng đã gửi văn bản đôn đốc thu nợ đến 21.408 đơn vị nợ BHXH, các đơn vị đóng 560 tỷ đồng; Thanh tra TP gửi văn bản đôn đốc đến 582 đơn vị nợ BHXH, thu hồi được 59,2/208,4 tỷ đồng.
Giám đốc BHXH TP. Hà Nội cho biết thêm, về việc tham gia bảo hiểm tự nguyện, đến nay, TP có khoảng 21.000 lượt tham gia BHXH. Theo biểu đồ, năm nay so với năm trước, tỷ lệ này có tăng, tuy nhiên năm nay tăng thấp.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Đức Hòa cũng thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, tồn tại trong việc thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn. Cụ thể, tỷ lệ nợ đóng BHXH của Hà Nội hiện vẫn cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước. Nguyên nhân do nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động còn hạn chế, tính tuân thủ pháp luật chưa cao, một số doanh nghiệp cố tình chây ỳ, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng nên buộc phải nợ các loại bảo hiểm.
“Để tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2018, trong những tháng cuối năm 2018, BHXH TP. Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp, tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp chưa tham gia”, ông Nguyễn Đức Hòa nói.
Ngoài ra, BHXH TP. Hà Nội cũng tập trung thực hiện các giải pháp giảm nợ đọng BHXH, phấn đấu năm 2018 giảm tỷ lệ nợ đọng xuống 3%. Trong đó, sẽ chủ động gửi thông báo kế hoạch kiểm tra, thanh tra đến các đơn vị, doanh nghiệp nợ trước khi tiến hành thanh tra. Đồng thời, sẽ yêu cầu cán bộ trực tiếp đôn đốc thu BHXH, BHYT tại các doanh nghiệp nợ, không để phát sinh nợ mới; Tích cực phối hợp với các sở, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra đôn đốc thu nợ BHXH, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật để bảo đảm quyền lợi của người lao động...