Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, ngày 21/4 tới, lãnh đạo ngành GD-ĐT thủ đô sẽ họp báo để công khai thông tin cho báo chí và người dân quan tâm được biết.
Một trong những thông tin mà những ngày qua được các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm là việc trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam không tổ chức thi các môn văn hóa mà sẽ tập trung phát hiện năng lực theo các dạng thông minh bằng các bài test (kiểm tra), trong khi đó bài test không đo lường khối lượng kiến thức, mà tập trung vào việc đánh giá năng lực sử dụng, vận dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống, trong môi trường tự nhiên, xã hội. Bài test trong vòng 45 phút, dưới dạng viết. Nội dung test được xây dựng trên cơ sở của lý thuyết đa trí tuệ.
Với phương thức đánh giá này, nhiều bậc phụ huynh lo lắng sẽ tạo áp lực cho học trò, thậm chí làm cho trẻ lệch lạc.
Trước sự băn khoăn này, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam chia sẻ: Các bậc phụ huynh không cần phải lo lắng. Chúng ta đừng có áp đặt những bài test mẫu hiện nay sẽ được nhà trường sử dụng. Chúng ta đánh giá không theo khuôn mẫu của quốc tế mà sẽ có sự thay đổi để phù hợp, không gây áp lực với học sinh của Việt Nam.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng khẳng định, các bài test năng lực hoặc đo chỉ số IQ, EQ không giống hoàn toàn phương thức đánh giá của nước ngoài mà có sự điều chỉnh phù hợp với học sinh. Đánh giá chủ yếu dựa trên những gì trẻ được học, vui chơi ở bậc tiểu học, phụ huynh không nên tự tạo áp lực lên các con và chính mình.
Để có phương án tuyển sinh khả thi, hiệu quả, an toàn trên toàn thành phố, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ mời các nhà khoa học, các nhà giáo, quản lý giáo dục đánh giá cũng như dư luận xã hội đóng góp ý kiến.
Ngày mai (16/4), Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường THCS chốt phương án tuyển sinh vào lớp 6 để báo cáo lên các cấp có thẩm quyền xem xét.
Nguyễn Hùng