Theo thống kê của Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, 9 tháng đầu năm 2014, Hà Nội xảy ra 126 vụ cháy, nổ (trong đó 24 vụ cháy) làm 18 người thiệt mạng, 14 người bị thương, thiệt hại ước tính trên 50 tỷ đồng. Nguyên nhân cháy nổ chủ yếu là chập điện với 54 vụ, rò rỉ khí gas 3 vụ, hàn cắt 2 vụ, sơ suất khi sử dụng lửa 15 vụ, thắp hương thờ cúng 2 vụ…Riêng tại nội thành Hà Nội, số vụ cháy xảy ra chiếm tỷ lệ 57%; ngoại thành chiếm 43%; chủ yếu tập trung vào 2 đối tượng lớn là nhà dân (44%); xưởng sản xuất, nhà kho (24%)...
1 tuần, 4 vụ cháy
Vụ cháy lớn xảy ra vào khoảng 4 giờ 30 chiều 15/11, tại quán Karaoke Sao Xanh số 185 đường Hồ Tùng Mậu. Khói nghi ngút bốc lên từ tầng 3 toà nhà, sau đó cháy bùng lên tới tầng thượng. Nhiều nhân chứng cho biết, họ nghe thấy những tiếng nổ lớn. Lửa cháy khiến nhiều khách trong quán khu vực tầng 4, 5 hoảng loạn, phải trèo từ mái nhà (tầng 5) sang nhà bên cạnh để thoát thân. Khách ở tầng 3, tầng 4 chạy xuống tầng 1 thoát ra ngoài. Các phòng nơi vụ cháy xảy ra có nhiều vật liệu dễ cháy như ghế sofa, trần thạch cao, mút xốp... nên khi lửa bùng phát đã lan ra rất nhanh. Nhiều khách bị ngạt nhưng rất may được mọi người dìu ra ngoài. Khoảng nửa tiếng sau, lực lượng cứu hoả đã có mặt kịp thời dập tắt đám cháy. Đến 17h15, ngọn lửa đã được khống chế. Vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người, nhưng khiến giao thông tắc nghẽn cả tuyến đường Hồ Tùng Mậu.
Mới đây, vào khoảng 12 giờ ngày 11/11, tại tầng 6 quán karaoke Olala, số 26A1 đường Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, bất ngờ phát hỏa. Rất may vào thời điểm này quán karaoke chưa đến giờ hoạt động nên không có thiệt hại về người. Toàn bộ nhân viên của quán đã được sơ tán. Đám cháy nhanh chóng được lực lượng phòng cháy chữa cháy khống chế, dập tắt.
Cũng vào khoảng 15 giờ 30 phút cùng ngày, tại cửa hàng khung nhôm thép ở số 371, phố Đê La Thành, Hà Nội, đã xảy ra cháy. Ngọn lửa thiêu rụi hoàn toàn tầng 2 của cửa hàng với nhiều vật liệu, hàng hóa, tài sản. Rất may, lửa không lan sang các cửa hàng kế bên.
Một vụ cháy khác xảy ra vào khoảng 9 giờ ngày 12/11, lửa bùng phát ở tầng 3 của quán cà phê Upstairs, số 1 Nguyễn Quý Đức, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Vào thời điểm ngọn lửa bùng phát, quán này có nhiều người đang uống cà phê. Chỉ trong thời gian ngắn, lửa nhanh chóng lan rộng, cột khói bốc cao khiến người dân xung quanh hoảng loạn. Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội đã gấp rút điều 10 xe cứu hỏa cùng các phương tiện chuyên dụng đến hiện trường; đồng thời giải tán đám đông hàng trăm người hiếu kỳ. Đến 10 giờ cùng ngày, đám cháy cơ bản đã được khống chế.
Liên quan đến các vụ cháy xảy ra trên địa bàn Hà Nội, tính riêng trong tháng 10/2014, đã xảy ra 3 vụ cháy lớn. Vụ cháy lớn nhất phải kể đến là vụ cháy tại KCN Quang Minh hôm 18/10. Tiếp theo là vụ cháy xảy ra lúc 22 giờ 20 ngày 28/10 tại Lô 5E, khu đô thị Nam Trung Yên (gần tòa nhà Keangnam). Vụ cháy thứ 3 xảy ra vào khoảng 14 giờ 5 chiều 30/10, tại xưởng gỗ gần công ty lâm sản Giáp Bát, thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Rất may các vụ cháy lớn này không có thiệt hại về người.
Nguyên nhân vì sao?
Theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, nguyên nhân để xảy ra tất cả các vụ cháy thì rất nhiều nhưng trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do con người. Theo thống kê của Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, nguyên nhân của các vụ cháy được xác định có tới 43% liên quan đến sự cố về điện, do sơ xuất bất cẩn 16%. Ngoài ra các nguyên nhân về vận hành máy móc sai quy trình, rò khí gas... Mặt khác, người dân vẫn có thói quen sử dụng nguồn lửa không đảm bảo quy định, đốt vàng mã… Chính vì vậy mà nguy cơ cháy nổ rất cao.
Điều đáng lưu ý là, trên thực tế, hầu hết các vụ cháy xảy ra gần đây đều phải mất nhiều thời gian mới dập được. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do thời tiết hanh khô, gió mạnh thì nguyên nhân chủ quan là tại các khu vực bị cháy đều thiếu nguồn nước chữa cháy. Hiện, nguồn nước phục vụ chữa cháy trên địa bàn TP Hà Nội mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ. Theo quy định, cứ 150m đường phố phải có một trụ nước chữa cháy, tức là Hà Nội cần tới 6.000 trụ nước chữa cháy nhưng hiện mới có khoảng 1.000 trụ.
Trước thực trạng đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết: Dự kiến trong năm 2015, Hà Nội sẽ lắp đặt xong 5.000 trụ nước chữa cháy trên các tuyến phố. Tuy nhiên, bên cạnh cơ sở hạ tầng tốt, đảm bảo thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là ý thức, kiến thức của mỗi người dân về PCCC.
Nhằm hạn chế cháy nổ và tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC, Mới đây, Sở Cảnh sát PCCC đã triển khai kế hoạch kiểm tra, an toàn PCCC tại các cơ sở kinh doanh, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị cơ quan… các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, đồng thời nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về PCCC và thực hiện các giải pháp, biện pháp đảm bảo an toàn PCCC.
Trần Lâm
của các cơ sở trên địa bàn TP. Hà Nội.