Hà Nội

Hà Nội: Cảnh báo tình trạng người bệnh test nhanh dương tính tự đến cơ sở điều trị tầng 2 - 3

06-12-2021 15:48 | Y tế
google news

SKĐS - Đại đa số bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nội không triệu chứng, triệu chứng nhẹ. Điều đáng nói, đã xảy ra tình trạng người dân tự test nhanh dương tính tự di chuyển tới cơ sở điều trị tầng 2-3, thay vì thông báo chính quyền địa phương.

Test nhanh dương tính đến ngay bệnh viện điều trị tầng 2-3

Hà Nội phân các tầng điều trị F0 với tầng một là tuyến y tế cơ sở, trạm y tế lưu động và tại nhà; tầng 2 gồm 19 bệnh viện đa khoa cấp huyện, do thành phố phụ trách; tầng 3 là các bệnh viện tuyến thành phố, hạng I và tuyến Trung ương. 

Thành phố xây dựng kịch bản ứng phó 10.000, 40.000 và 100.000 ca nhiễm, đồng thời đã có hướng dẫn cho F0 thể nhẹ và không triệu chứng điều trị tại nhà với những trường hợp đủ điều kiện.

Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện đánh giá, phân tầng, điều phối, tiếp nhận người bệnh COVID-19 căn cứ vào các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế và hướng dẫn phân loại mức độ lâm sàng, phân tầng điều trị của Sở Y tế.

Tuy nhiên, những ngày gần đây phát sinh một thực tế, đó là tình trạng người dân tự mua, tự test nhanh có kết quả dương tính lập tức tự ý di chuyển tới các bệnh viện tầng 2-3, như Bệnh viện Thanh Nhàn, thay vì thông báo cho chính quyền địa phương để quản lý cách ly/xét nghiệm khẳng định/điều trị. 

Trao đổi với PV Báo Sức khoẻ & Đời sống ngày 6/12, BSCKII Nguyễn Thu Hường - Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch COVID-19, Bệnh viện Thanh Nhàn - cho hay điều này rất nguy hiểm và đòi hỏi ý thức khai báo của người dân cũng như sự sát sao kiểm soát của chính quyền cơ sở.

"Hôm qua chúng tôi tiếp nhận tới khoảng 20 trường hợp như thế. Việc bệnh nhân test nhanh dương tính (khi có thể không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, có thể điều trị tại nhà/trạm y tế lưu động....) tự đến các cơ sở y tế được phân chia để tiếp nhận bệnh nhân tầng 2-3 sẽ khiến bệnh nhân tầng 2-3 bị hạn chế cơ hội được cứu sống, không những thế còn có nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng" - BS Hường cho hay.

 Gần 500 bệnh nhân điều trị tại trạm y tế lưu động  

Tính đến hết ngày 5/12, Hà Nội đang điều trị cho 5.510 bệnh nhân COVID-19 tại các tầng. Trong đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận điều trị 65 ca, Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Hoàng Mai) điều trị 114 ca. 

16 bệnh viện thuộc Hà Nội gồm: Bệnh viện Đa khoa Đức Giang có 142 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị; Bệnh viện Thanh Nhàn có 106 bệnh nhân; Bệnh viện Đa khoa Hà Đông có 109 ca; Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây có 60 ca; Bệnh viện Bắc Thăng Long có 55; Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm có 33; Bệnh viện Đa khoa Mê Linh có 144; Bệnh viện Tâm thần Hà Nội có 8...

Ngoài ra, Cơ sở điều trị KTX Phenikaa đang có 547 bệnh nhân; Cơ sở điều trị Đền Lừ III có 882 bệnh nhân; Cơ sở điều trị Thượng Thanh có 798; Cơ sở điều trị Pháp Vân - Tứ Hiệp có 1.287.

Đang có 474 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các trạm Y tế lưu động thuộc 8 huyện ngoại thành và 2 quận (Thanh Xuân, Long Biên) của Hà Nội. 

Hà Nội đã điều trị khỏi cho gần 7.600 bệnh nhân. Số bệnh nhân chuyển tầng điều trị là 137 người, 49 bệnh nhân COVID-19 có địa chỉ ở Hà Nội đã tử vong.

Về tình hình tiêm vaccine, Hà Nội đã tiêm được hơn 12,23 triệu mũi vaccine, hơn 6,16 triệu người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm vaccine (đạt gần 95%), trong đó hơn 5,54 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi (đạt gần 85%). Từ 23/11 đến nay, gần 74% trẻ từ 12-17 tuổi ở Hà Nội đã tiêm vaccine, trong đó 94% trẻ từ 15-17 tuổi đã tiêm. 

Chưa đến 1% bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nội chuyển nặng và nguy kịch

Hà Nội là một trong những địa phương có tỷ lệ bao phủ vaccine (cả 1 mũi và 2 mũi) cao nhất cả nước. Chính quyền Hà Nội nhận định số ca bệnh nặng ở tầng 3 (cơ sở y tế điều trị các ca nặng, nguy kịch) chỉ chiếm dưới 0,8% tổng số bệnh nhân. Điều này cho thấy hiệu quả đáng kể của vaccine đối với việc hạn chế khả năng tăng nặng, tử vong của bệnh nhân COVID-19. 

25112021-hanoi-phanluong-benhnhan-covid-19-3.jpeg

Ảnh minh hoạ: TTXVN

BSCKII Nguyễn Thu Hường cũng cho biết  thêm, mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận từ 20 - 30 ca, chủ yếu là tầng 2 và 3. Khoảng 15% bệnh nhân ở phân tầng 3.

Các ca nặng này chủ yếu là người cao tuổi (có ca trên 90 tuổi), một số ca phải thở máy, mắc COVID-19 trên nền tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, chưa tiêm vaccine. Hiện không có bệnh nhân chạy ECMO. 

"Việc một số bệnh nhân diễn biến nặng không tiêm vaccine một phần do người nhà chủ quan, cho rằng người cao tuổi, bị tai biến nằm một chỗ, không đi đâu nên không cần tiêm. Trong khi đó, bệnh nhân cao tuổi lại tiếp xúc với con cháu hàng ngày. Khi con cháu mắc COVID-19 sẽ lây nhiễm cho người cao tuổi. Mặt khác, những bệnh nhân tử vong đều thuộc tầng 3, khi chuyển từ tầng dưới lên thì tiên lượng đã rất nặng" - BS Hường chia sẻ.

Tương tự tại Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Hoàng Mai), bệnh nhân nặng chiếm tỷ lệ 10% tổng số bệnh nhân đang điều trị tại đây.  

Mặc dù tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng tại Hà Nội đang không cao, tuy nhiên, việc số lượng bệnh nhân ngày càng đông cũng tạo ra áp lực không nhỏ cho các bệnh viện và đội ngũ cán bộ y tế. 

Vì vậy, theo các chuyên gia, hiện dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và sẽ kéo dài, bên cạnh việc đẩy mạnh tăng tỷ lệ bao phủ vaccine, ý thức phòng dịch của người dân đóng vai trò quan trọng. 

25112021-hanoi-phanluong-benhnhan-covid-19.png


Hà Nội thêm 462 ca mắc COVID-19 mới, 189 ca cộng đồng Hà Nội thêm 462 ca mắc COVID-19 mới, 189 ca cộng đồng

SKĐS - Đây là ngày thứ 6 liên tiếp số ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày của Hà Nội lên hơn 400. Quận Đống Đa tiếp tục là nơi ghi nhận nhiều ca nhất với 88 người phát hiện dương tính.


Võ Thu
Ý kiến của bạn