Hà Nội

Hà Nội căng thẳng dịch COVID-19, cần mua thuốc gì để dự phòng?

04-01-2022 17:25 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Khi dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan, thì tâm lý của nhiều người dân tìm mua và trữ sẵn một số thuốc để dự phòng tại nhà. Nhưng mua thuốc nào và sử dụng sao cho đúng là điều mà người dân cần biết.

1. Không cần thiết phải trữ thuốc kháng virus điều trị COVID-19

Hiện nay, trên các trang mạng thấy quảng cáo rầm rộ, bán thuốc kháng virus điều trị COVID-19. Tuy nhiên, các thuốc kháng virus hiện nay như: Molnupiravir, favipiravir, remdesivir... mới chỉ được Bộ Y tế  thử nghiệm và sử dụng có kiểm soát bởi nhân viên y tế.

Trong đó remdesivir được sử dụng tại bệnh viện, ở một số trường hợp bệnh nhân nặng. Molnupiravir và favipiravir được sử dụng tại nhà cho bệnh nhân nhẹ và vừa. Tuy nhiên do thuốc hiện chưa được bán rộng rãi tại các nhà thuốc nên rất khó mua và bị thổi giá lên rất đắt (thị trường hàng xách tay). Nếu cố gắng tìm mua thì rất có thể mua phải hàng giả hoặc gây tiêu cực trong quản lý thuốc. 

Trong mùa dịch COVID-19, cần mua thuốc gì để dự phòng? - Ảnh 1.

Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng tại bệnh viện.

Hơn nữa, một điều quan trọng mà chúng ta cần ghi nhớ là: Cho dù nhiễm COVID-19 nhưng không có triệu chứng thì không cần dùng thuốc, kể cả thuốc kháng virus và các thuốc điều trị triệu chứng khác. Bởi với những người không có triệu chứng, hoặc do sức đề kháng rất tốt, hoặc do đã tiêm vaccine... thì việc uống thuốc là không cần thiết mà chỉ tốn thêm tiền và rất có thể gặp phải tác dụng phụ của thuốc gây ra.

Do đó chúng ta không nhất thiết phải lùng mua bằng được các thuốc này để dự trữ.

2. Các thuốc nên có trong tủ thuốc tại nhà

Việc dự phòng là để có sẵn thuốc trong nhà, khi không may nhiễm bệnh phải cách ly không đi mua thuốc được. Còn việc uống thuốc như thế nào, cần phải xin ý kiến của bác sĩ.

 Trong mỗi gia đình chỉ cần dự phòng sẵn các loại thuốc cơ bản sau đây, hãy hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng. 

2. 1. Kháng sinh:

Mua sẵn một trong các thuốc sau: Amoxicilin/axit clavulanic hoặc cefuroxim, cefixim...

Số lượng thuốc dùng trong 5 ngày.

Các thuốc này đều có dạng bào chế cũng như hàm lượng cho người lớn và hàm lượng cho trẻ em.

Các thuốc kháng sinh này chỉ dùng khi bị nhiễm khuẩn, không tự ý dùng mà cần só sự tư vấn của bác sĩ. 

2.2 Thuốc chống viêm:

Nên mua một trong các thuốc: Dexamethason/Betamethason, methylprednisolone, hoặc prednisolon... Mua loại hành lượng dùng cho người lớn và hàm lượng dùng cho trẻ em.

Trường hợp bệnh nhân có bệnh lý cần sử dụng thuốc này từ trước thì vẫn sử dụng theo đơn. Trường hợp mắc COVID-19,  nếu bệnh nhân vẫn được điều trị tại nhà thì cần dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

2. 3. Thuốc chống đông máu:

Mua một trong các loại thuốc sau: Aspirin (ưu tiên mua loại này); rivaroxaban,  apixaban...

Thuốc được sử dụng để dự phòng huyết khối, do đó không tùy ý sử dụng, mà chỉ mua thuốc để dự phòng. Vì thế trong khi dịch, việc khám bệnh trực tiếp không được thuận lợi như ngày thường, bệnh nhân cần chú ý liên hệ ngay với bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường để được tư vấn dùng thuốc an toàn.

2.4. Thuốc giảm đau hạ sốt:

Có thể mua dự phòng pParacetamol hoặc/và ibuprofen. Đây là hai thuốc hạ sốt thông dụng.

Các thuốc giảm đau hạ sốt chỉ sử dụng khi sốt cao trên 38,5 độ C hoặc/và đau đầu, đau cơ (triệu chứng của COVID-19).

2.5. Thuốc chống dị ứng:

Gồm cả nhóm chống viêm (trong phần thuốc số 2) và một trong các thuốc dưới đây, ưu tiên thứ tự: Desloratadin (dạng bào chế cho trẻ em có dạng hỗn dịch), loratadine, hoặc fexofenadin...

Nhóm thuốc này rất quan trọng vì góp phần điều trị phản vệ mức độ nhẹ, ngăn phản vệ chuyển nặng, nên thuốc luôn phải có sẵn trong nhà để sử dụng ngay khi có dấu hiệu dị ứng, phản vệ với bất kỳ nguyên nhân gì.

2. 6. Thuốc dự phòng và điều trị loét dạ dày, thực quản:

Do các tác dụng phụ từ thuốc điều trị COVID-19 (các thuốc chống viêm, chống đông) cùng với tâm lý căng thẳng, stress, đói... sẽ làm gia tăng nguy cơ loét dạ dày. Do đó cần mua các thuốc để dự phòng:  Esomeprazole hoặc pantoprazole hoặc dexlansoprazole...

Khi có triệu chứng đau âm ỉ nóng rát thượng vị, đặc biệt khi đói, về đêm, ho dai dẳng không tìm thấy tổn thương hô hấp, ợ hơi, ợ chua... thì có thể dùng thuốc này. 

Nếu đau kéo dài, dùng thuốc 7-10 ngày không đỡ, nên khám tiêu hóa và nội soi ngay khi có thể để điều trị nguyên nhân, có thể phải sử dụng kháng sinh nếu có vi khuẩn HP.

2.7. Thuốc giảm ho:

Ho là phản xạ có lợi, giúp tống đờm rãi, dị vật ra khỏi cơ thể. Đây là phản ứng quan trọng góp phần rút ngắn thời gian điều trị, cải thiện tiên lượng bệnh. Do vậy nếu ho ở mức độ vừa phải, chúng ta không dùng các thuốc giảm ho mà cần điều trị nguyên nhân: Kháng sinh, chống viêm, chống dị ứng... Khi giảm viêm nhiễm, giảm phản ứng co thắt tại chỗ, ho sẽ tự giảm hoặc hết.

Trong mùa dịch COVID-19, cần mua thuốc gì để dự phòng? - Ảnh 3.

Trong mỗi gia đình đều cần chuẩn bị sẵn một lượng thuốc vừa đủ, tránh gây lãng phí.

Nếu ho quá nhiều gây tổn thương niêm mạc hô hấp, gây phản ứng co thắt nguy hiểm và mất sức, cân nhắc sử dụng một trong các thuốc sau: Dextromethorphan, alimemazin...

Với trẻ em có dạng bào chế hỗn dịch, khi cho trẻ uống thuốc cần đong bằng dụng cụ đong thuốc đi kèm.

Thuốc có tác dụng an thần, không được lái xe, điều khiển máy móc sau khi dùng thuốc.

2.8. Thuốc tăng cường miễn dịch:

Tùy theo độ tuổi hoặc ở một số trường hợp bị suy giảm miễn dịch tiến triển, như: Bệnh nhân HIV/AIDS, xơ gan, đái tháo đường, ung thư, nhiễm khuẩn nặng, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài... sẽ cần bổ sung các thuốc tăng đáp ứng miễn dịch.

Tuy nhiên các biện pháp bổ sung này cần có thời gian để cải thiện được đáp ứng cho cơ thể. Do vậy, bệnh nhân cần sử dụng sớm, thường xuyên, hằng ngày, trước khi nhiễm bệnh.

Một số thuốc phổ biến hiện nay, như: Thymodulin, vitamin 3B, vitamin C, vitamin D, kẽm... có thể uống thêm theo liều khuyến cáo và cần được tư vấn của thầy thuốc trước khi sử dụng. 

2.9. Thuốc điều trị bệnh nền:

Khi nhiễm virus, điều trị COVID -19... có thể sẽ làm thay đổi huyết áp, rối loạn glucose máu, tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim, bùng phát đợt cấp bệnh phổi mãn, hen phế quản... Đây là những nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh, do vậy trong bất cứ tình huống nào, luôn phải nhớ dùng thuốc để kiểm soát bệnh nền thật tốt.

- Bệnh nhân bị suy tim, tăng huyết áp, loạn nhịp... phải chuẩn bị sẵn ít nhất 2 tháng thuốc cùng máy đo huyết áp. Hằng ngày tự đo tại nhà.

- Bệnh nhân đái tháo đường cần chuẩn bị đủ 2 tháng thuốc cùng máy đo đường huyết, que thử đường huyết đủ dùng trong 2 tháng.

- Bệnh hen phế quản, bệnh phổi mạn tính cần đủ thuốc cắt cơn (bình xịt), corticoid...

Danh mục các thuốc này không chỉ cần trong tình huống dịch bệnh bùng phát, y tế quá tải, hệ thống cung ứng thuốc đổ vỡ, mà hoàn toàn có thể dự phòng để để điều trị các bệnh lý thường gặp hàng ngày.

Tuy nhiên, đừng vì lo sợ dịch bệnh mà mua thuốc quá nhiều. Bởi dịch có kéo dài đến mấy rồi cũng qua đi. Nếu ai cũng mua nhiều thuốc thì không chỉ tốn kém (trong khi rất ít khả năng cần sử dụng đến) mà còn gây ra tình trạng khan hiếm thuốc. Nếu không may người bệnh cần sử dụng thuốc thật lại không mua được thuốc. Chưa kể đến nếu thuốc không sử dụng đến, để quá hạn buộc phải tiêu hủy, còn gây hại cho môi trường.

Mời độc giả xem thêm video dưới đây:

Omicron tàng hình

BS.Nguyễn Tiến Dũng
Ý kiến của bạn