Hà Nội 'căng sức' không để dịch chồng dịch

23-07-2024 11:39 | Y tế

SKĐS - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội vừa thông tin, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng trong thời gian tới, bệnh tay chân miệng, ho gà tiếp tục xuất hiện rải rác các ca bệnh.

Tuần qua, Hà Nội tiếp tục ghi nhận 118 trường hợp mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân phân bố tại 21 quận, huyện của thành phố.

Một số huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết như: Đan Phượng, Hà Đông, Phúc Thọ, Quốc Oai, Cầu Giấy, Thạch Thất, Hoàng Mai. Cộng dồn năm 2024, ghi nhận 1.283 trường hợp, không có ca tử vong.

Trong tuần, Hà Nội ghi nhận 9 ổ dịch sốt xuất huyết tại các đơn vị: Đan Phượng, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Quốc Oai, Phúc Thọ. Cộng dồn năm 2024 ghi nhận 39 ổ dịch, hiện còn 20 ổ dịch đang hoạt động.

Tuần qua, Hà Nội ghi nhận 29 ca mắc tay chân miệng, không có ca tử vong, giảm 2 ca so với tuần trước. Từ đầu năm đến nay, ghi nhận 1.682 ca mắc tay chân miệng, không có ca tử vong. Trong tuần không ghi nhận ổ dịch, cộng dồn năm 2024 ghi nhận 39 ổ dịch đều đã kết thúc hoạt động.

Bệnh ho gà trong tuần ghi nhận 20 trường hợp mắc, không ghi nhận ca tử vong. Bệnh nhân ghi nhận rải rác tại 15/30 quận, huyện, trong đó có 14 trường hợp là trẻ dưới 5 tháng tuổi, chiếm 70%. Từ đầu năm, ghi nhận 193 trường hợp mắc tại 29 quận, huyện, thị xã;  không có ca tử vong.

Hà Nội cũng đã ghi nhận 1 ca mắc liên cầu lợn tại Vật Lại, Ba Vì. Các dịch bệnh khác như sởi, viêm não Nhật Bản, não mô cầu, rubella… không ghi nhận trong tuần.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã, đang phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện hoạt động giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch, giám sát khu vực ổ dịch đang hoạt động tại Đan Phượng, Thạch Thất, Hoài Đức, Quốc Oai.

Theo nhận định, đánh giá của CDC Hà Nội, dự báo dịch sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng trong thời gian tới, tay chân miệng ghi nhận rải rác ca bệnh; ho gà tiếp tục xuất hiện rải rác các ca bệnh, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ.

Đối với bệnh bạch hầu, ổ dịch tại Nghệ An và Bắc Giang đã được kiểm soát; nguy cơ dịch bạch hầu lây lan trên địa bàn thành phố thấp do tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng bạch hầu trong 5 năm gần đây đều đạt trên ngưỡng bảo vệ đối với bệnh bạch hầu.

Thời gian tới, CDC Hà Nội tiếp tục phối hợp với các đơn vị giám sát khu vực ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động, khu vực nguy cơ tại: Phương Đình huyện Đan Phượng; Trung Hòa quận Cầu Giấy; Liên Hiệp  huyện Phúc Thọ; Tả Thanh Oai huyện Thanh Trì.

Các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xā tiếp tục tổ chức đợt cao điểm ra quân tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và truyền thông về phòng chống sốt xuất huyết theo chỉ đạo của UBND thành phố; tǎng cường công tác giám sát phát hiện bệnh nhân tại cơ sở y tế được phân cấp; trên hệ thống phần mềm của Bộ Y tế và tại cộng đồng; tổ chức điều tra, khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có ca bệnh, ổ dịch, không để ổ dịch diễn biến kéo dài.

Đồng thời, các quận, huyện cần tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống một số dịch bệnh như sốt xuất huyết, ho gà, sởi, viêm não Nhật Bản, tay chân miệng..., với các bệnh có vaccine khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Số ca tay chân miệng, ho gà, sốt xuất huyết ở Hà Nội đều tăng so với cùng kỳ Số ca tay chân miệng, ho gà, sốt xuất huyết ở Hà Nội đều tăng so với cùng kỳ

SKĐS - Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà, viêm não Nhật Bản tăng so cùng kỳ năm 2023.


Kim Chung
Ý kiến của bạn