Hà Nội

Hà Nội cần giám sát chặt ổ dịch sốt xuất huyết, chú trọng đánh giá nguy cơ tăng nặng của bệnh nhân

03-11-2023 20:34 | Y tế

SKĐS - Trước tình hình ca mắc sốt xuất huyết Hà Nội vẫn có chiều hướng gia tăng, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, ngày 3/11, đoàn công tác do GS.TS Phan Trọng Lân – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội.

Chủ động hóa chất, vật tư, dịch truyền điều trị sốt xuất huyết

Đoàn công tác đã đến kiểm tra thực tiễn tại Bệnh viện Thanh Nhàn – một trong những cơ sở y tế được phân công là tuyến cuối của Hà Nội trong thu dung, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.

Báo cáo của đại diện lãnh đạo Bệnh viện Thanh Nhàn tại buổi làm việc cho hay, từ tháng 7/2023 – 1/11/2023, tại đây đã tiếp nhận 4.758 bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám, điều trị; riêng chỉ trong tháng 10 đã có hơn 2.200 bệnh nhân. 

Số bệnh nhân sốt xuất huyết nặng chiếm từ 7-10%, chỉ có 1 trường hợp chuyển viện. Bệnh nhân phải truyền tiểu cầu cũng tăng cao nhất trong tháng 10 với hơn 200 đơn vị tiểu cầu.

Hà Nội cần giám sát chặt ổ dịch sốt xuất huyết, chú trọng đánh giá nguy cơ tăng nặng của bệnh nhân

- Ảnh 1.

GS.TS Phan Trọng Lân kiểm tra thực tiễn việc triển khai phòng chống sốt xuất huyết tại một ổ dịch trên phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.

Để chủ động trong điều trị sốt xuất huyết, Bệnh viện thành lập đơn nguyên bệnh truyền nhiễm với 65 giường bệnh, cùng đó 65 giường bệnh của khu vực bệnh nghề nghiệp được huy động để điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.

"Đến sáng 3/11, Bệnh viện Thanh Nhàn đang thu dung, theo dõi, điều trị 400 bệnh nhân sốt xuất huyết, chủ yếu là các trường hợp có dấu hiệu cảnh báo, bệnh nhân nhi chiếm 33%; một số trường hợp bệnh nhân có bệnh nền như suy gan, tiểu đường… hiện đang nằm rải rác tại một số khoa, phòng điều trị chuyên khoa"- BSCK II Nguyễn Thị Lan Hương – Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn thông tin và cho biết thêm, hiện thuốc, dung dịch cao phân tử, vật tư y tế, máu và chế phẩm máu cho điều trị sốt xuất huyết vẫn đảm bảo.

Đoàn công tác cũng đã kiểm tra thực tiễn việc triển khai phòng chống sốt xuất huyết tại một ổ dịch trên phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. Qua kiểm tra, các chuyên gia của Bộ Y tế nhận thấy rằng người dân đã có ý thức phòng bệnh sốt xuất huyết là cần phải diệt muỗi, bọ gậy.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những ổ bọ gậy mà người dân không ngờ đến như các hộp nhựa treo cây cảnh ở bờ tường, cổng, lọ đựng hoa trong nhà hoặc những vũng nước nhỏ đọng nước trong sân nhà, sân thượng, vỏ cơm hộp, lon bia, vỏ lốp xe hỏng…

Do đó, GS.TS Phan Trọng Lân đề nghị trong công tác truyền thông phòng chống sốt xuất huyết, Hà Nội tiếp tục nhấn mạnh việc người dân cần loại bỏ các môi trường có khả năng trở thành nguồn sinh lăng quăng, bọ gậy như đã kể trên.

Không quá tải giường bệnh trong điều trị sốt xuất huyết

Hà Nội cần giám sát chặt ổ dịch sốt xuất huyết, chú trọng đánh giá nguy cơ tăng nặng của bệnh nhân

- Ảnh 2.

Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế làm việc tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra Bộ Y tế tại UBND Quận Hai Bà Trưng về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn cho thấy, tính đến ngày 31/10, toàn Thành phố đã ghi nhận 25.893 trường hợp mắc tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 577/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 99,6% số xã, phường, thị trấn). Toàn thành phố đã ghi nhận 1.520 ổ dịch, hiện còn 233 ổ dịch đang hoạt động.

Bệnh nhân có xu hướng tăng từ tuần 28 và tăng nhanh từ tuần 35, trung bình 5 tuần gần đây ghi nhận hơn 2.500 trường hợp; số mắc tăng so với cùng kỳ 2022 (9.033).

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 4 trường hợp tử vong (giảm 12 trường hợp so với cùng kỳ), trong đó có 2 ca tử vong là người cao tuổi, có bệnh lý nền kèm theo. Tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội là 0,01%, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020 Chính phủ giao (dưới 0,09%).

Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, tổng bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế là 2.869 người bệnh/4.200 giường kế hoạch phục vụ điều trị sốt xuất huyết. Ngay từ đầu mùa dịch, Hà Nội đã chủ động lên kế hoạch phân tầng điều trị và phân công 40 bệnh viện trên địa bàn đảm nhiệm; đồng thời đảm bảo đủ nhu cầu thuốc, hóa chất, vật tư, dịch truyền phục vụ điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.

Bệnh nhân sốt xuất huyết của Hà Nội nằm rải rác ở các cơ sở y tế tuyến quận huyện, khi nặng mới chuyển về bệnh viện Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Đống Đa, Đức Giang. Số bệnh nhân chuyển lên bệnh viện tuyến trung ương rất ít.

Hà Nội khẳng định chưa có việc quá tải trong điều trị sốt xuất huyết, có thể cục bộ từng khoa, phòng trong 1 thời điểm ngắn bệnh nhân nhập viện, sau đó sẽ được điều phối ngay để đảm bảo điều trị cho người bệnh.

Hà Nội cần giám sát chặt ổ dịch sốt xuất huyết, chú trọng đánh giá nguy cơ tăng nặng của bệnh nhân

- Ảnh 3.

Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế và đại diện Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Giám sát chặt chẽ ổ dịch, lập nhóm chủ chốt trong điều trị sốt xuất huyết

Phát biểu tại buổi làm việc, trưởng đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đánh giá cao ngành y tế Hà Nội và quận Hai Bà Trưng trong phòng chống dịch bệnh nói chung, sốt xuất huyết nói riêng.

Tuy nhiên đoàn kiểm tra của Bộ Y tế cho rằng tại Hà Nội dịch sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng do năm nay mùa mưa đến sớm, nắng mưa thất thường, mùa hè kéo dài do có 2 tháng nhuận.

Ngoài ra còn các yếu tố nguy cơ như tốc độ đô thị hóa gia tăng, đa dạng hóa các ổ bọ gậy nguồn đặc biệt tại các khu vực nhà trọ, lán trại, khu xây dựng, khu đất xen kẹt, khu vực công cộng đông dân cư và các ổ bọ gậy ngay trong hộ gia đình không được xử lý, việc di dời dân cư và hiện tượng El Nino cũng tác động động đến việc gia tăng quần thể muỗi truyền bệnh. Qua kết quả giám sát, chỉ số giám sát côn trùng tại Hà Nội còn cao, ngoài ra còn đồng thời lưu hành cả 2 loài Aedes agypti và Aedes albopictus.

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, việc phòng chống sốt xuất huyết đang đối mặt với những khó khăn chung kể cả trên phạm vi toàn cầu và các tỉnh, thành phố trên cả nước, đòi hỏi các hoạt động phòng chống phải được triển khai kiên trì, liên tục và quyết liệt nhất là trong những đợt cao điểm của bệnh dịch sốt xuất huyết để khống chế số mắc và tử vong.

Do đó, đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP Hà Nội và các cấp đẩy mạnh giám sát sớm các trường hợp mắc bệnh, tăng cường truyền thông phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn, xử lý ngay và triệt để ổ dịch. Xác định các điểm nóng, khu phố có ổ dịch, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết để tập trung triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt lưu ý hơn 230 ổ dịch đang hoạt động, Hà Nội cần phải giám sát chặt chẽ, nhất là những nơi có các ổ dịch kéo dài.

Tham mưu chính quyền các cấp huy động các ban, ngành, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội cùng tham gia vào cuộc triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy thường xuyên tới tận xã, phường, kêu gọi người dân tự triển khai diệt bọ gậy/lăng quăng ngay tại hộ gia đình mỗi tuần 10 phút bằng cách tự kiểm tra trong và ngoài nhà phát hiện những ổ đọng nước có bọ gậy, những bình hoa, cây cảnh có chứa nước, những vật dụng phế thải có khả năng chứa nước đọng,… là những nơi muỗi hay đẻ trứng và sinh bọ gậy.

Hà Nội cần giám sát chặt ổ dịch sốt xuất huyết, chú trọng đánh giá nguy cơ tăng nặng của bệnh nhân

- Ảnh 4.

Tại buổi làm việc, Cục trưởng Phan Trọng Lân đề nghị trong công tác phòng chống dịch, Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để khi chống dịch đảm bảo yếu tố càng phát hiện sớm thì càng khoanh vùng nhanh, giảm tối đa nguồn lực phải chi cho phòng chống dịch.

Liên quan đến truyền thông, đoàn kiểm tra lưu ý, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân cách tự xử lý các dụng cụ chứa nước, chủ động diệt muỗi, lăng quăng và khi có các triệu chứng giống sốt xuất huyết phải đến ngay cơ sở khám chữa bệnh để được tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị.

Trong công tác điều trị, đại diện Lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh tham gia đoàn công tác lưu ý các cơ sở điều trị cần tuân thủ các hướng dẫn điều trị Bộ Y tế đã ban hành; chú trọng đánh giá nguy cơ tăng nặng của bệnh nhân, lưu ý người cao tuổi, bệnh nền; gắn bảng màu (ví như màu cam, đỏ…) đối với những trường hợp có nguy cơ tăng nặng để theo dõi và phát hiện diễn biến sức khỏe kịp thời.

Cùng đó, Hà Nội cần thành lập nhóm chủ chốt trong điều trị sốt xuất huyết, kết nối với các bệnh viện tuyến trung ương để sẵn sàng cùng nhau phối hợp hội chẩn điều trị khi cần.

Triển khai cảnh báo sớm để kiểm soát hiệu quả dịch sốt xuất huyết ở 13 tỉnh, thànhTriển khai cảnh báo sớm để kiểm soát hiệu quả dịch sốt xuất huyết ở 13 tỉnh, thành

SKĐS - Tại Việt Nam, sốt xuất huyết Dengue hiện đang là vấn đề y tế công cộng rất đáng quan tâm với số ca mắc sốt xuất huyết Dengue hàng năm từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn trường hợp trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có số ca mắc cao trong cả nước.

Bài và ảnh Thái Bình
Ý kiến của bạn