Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vừa ban hành Báo cáo số 316/BC-SNN về diễn biến và kết quả công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn thành phố.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong ngày 21/6, bệnh DTLCP tiếp tục phát sinh tại 285 hộ chăn nuôi thuộc 18 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh, tiêu hủy 7.920 con lợn. Lũy kế đến nay, bệnh DTLCP trên địa bàn thành phố đã xảy ra tại 24.327 hộ chăn nuôi (chiếm 30,1% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) ở 2.189 thôn, tổ dân phố của 442 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã (Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn, Quốc Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Trì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hà Đông, Ứng Hòa, Mê Linh, Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Tây Hồ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Sơn Tây, Nam Từ Liêm); làm mắc bệnh và tiêu hủy 414.013 con lợn (chiếm 22,1 % tổng đàn lợn). Tổng số lợn nái mắc bệnh, tiêu hủy là 53.965 con, chiếm 13% tổng số lợn mắc bệnh, tiêu hủy.
Bệnh DTLCP tiếp tục phát sinh tại 285 hộ chăn nuôi thuộc 18 quận, huyện, thị xã của Hà Nội. Ảnh minh họa.
Ngoài các đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc đại trà, đến nay, thành phố và chính quyền địa phương đã cấp bổ sung 202 tấn hóa chất và 6.721 tấn vôi bột để khử trùng, tiêu độc ổ dịch và nơi nguy cơ cao. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ bệnh dịch đến từng hộ chăn nuôi; phát hiện và xử lý sớm, triệt để ngay từ giờ đầu, hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống, xử lý bệnh theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tích cực phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các lò giết mổ, buôn bán, kinh doanh, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trên địa bàn. Tiếp tục duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông ra vào thành phố. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Phối hợp các cơ quan thông tin truyền thông của Trung ương và thành phố hướng dẫn cụ thể về chuyên môn, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh; tuyên truyền để người tiêu dùng không “quay lưng” lại với thịt lợn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cũng đã thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để các cơ quan, người dân nắm bắt tình hình, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, như: Dại, cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng theo quy định.