BSCKI. Đỗ Hữu Nghị, trực cấp cứu tại Khoa Cấp cứu, BVĐK Hà Đông cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận một trường hợp trẻ 4 tuổi bị bỏng sâu độ 4 rất nguy kịch.
Theo lời kể của gia đình, cháu bé bị bỏng nước sôi trước đó 9 ngày. Do hoàn cảnh bố mẹ đi làm ăn xa trong miền Nam, cháu sống cùng ông bà nên thay vì đi viện điều trị, ông bà đã tự ý lấy lá đắp lên vết bỏng chữa cho cháu. Đến hôm qua 22/11, thấy cháu đi ngoài phân đen, da tái nhợt, sốt cao gia đình mới cho đi viện cấp cứu.
BS. Nghị cho biết: “Cháu bé bị bỏng phần nửa dưới lưng, mông phải, đùi, cẳng chân phải. Vùng da đắp lá đã có dấu hiệu biến chứng viêm, loét, hoại tử. Do bệnh nhân nhập viện muộn nên các bác sĩ cấp cứu chỉ tiến hành sơ cứu ban đầu, cho dùng hạ sốt, truyền dịch, bù nước điện giải; sau đó chuyển đến cơ sở chuyên khoa bỏng để điều trị”.
Cháu bé bị bỏng hết sức thương tâm.
BS. Nghị khuyến cáo, việc tự ý đắp lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc để chữa bỏng là điều phản khoa học. Bởi lẽ, vết bỏng cần phải được làm sạch và vô trùng tối đa chỗ tổn thương bỏng nên việc đắp lá rất dễ gây nhiễm trùng. Ngoài nhiễm trùng tại chỗ còn có biến chứng sốc do đau, sốc do mất dịch, rối loạn nước điện giải, thậm chí nặng có thể dẫn đến tử vong.
Điều đáng nói là mặc dù đã được các bác sĩ và các phương tiện truyền thông cảnh báo rất nhiều về việc tuyệt đối không được tự ý chữa bệnh tại nhà nhưng vẫn còn không ít người dân vẫn tự ý chữa trị, chỉ đến khi bệnh quá nặng mới chịu đưa đi viện.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị bỏng cần ngay lập tức làm mát tổn thương bỏng để giúp làm dịu cảm giác đau, tưới nước mát (không phải nước lạnh) lên vết bỏng từ 10-15 phút hoặc cho tới khi đỡ đau. Hoặc ngâm vết bỏng trong nước mát hay dùng gạc lạnh làm mát bết bỏng. Vết bỏng được làm mát sẽ đỡ phù nề do da được hạ nhiệt, giảm độ sâu của bỏng. Chú ý không chườm đá lạnh lên vết bỏng. Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để để được sơ cứu và điều trị kịp thời.