Chiều 19/7, TS.BS Lê Việt Khánh - Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, BV Việt Đức cho biết, bệnh nhi nhập viện sáng 14/7/2018 trong tình trạng mạch không, huyết áp không, da dẻ tái nhợt, bị biến chứng nặng nề của sốc mất máu. Bé gái bị vết thương ở vùng thái dương phải, lóc da vùng chẩm, lộ tổ chức não, chảy máu rất nhiều.
Người nhà bệnh nhi cho biết, mẹ bé phát hiện cháu khi đang bị chó cắn, ngay lập tức đã lao vào cứu cháu bé và cũng bị chó cắn vài nhát vào tay. Được biết giống chó cắn bé là loại chó Ngao Tây Tạng, nặng 40kg.
Quả hoảng hốt, gia đình đã đưa cháu vào thẳng bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Các bác sĩ đã nhanh chóng hồi sức cấp cứu ngay tại chỗ, truyền dịch, bù dịch cho bệnh nhi.
“Do bệnh nhân còn nhỏ lại mất máu nhiều, tĩnh mạch xẹp, chúng tôi phải mở tĩnh mạch truyền dịch, bù dịch, đồng thời ép tim, dùng thuốc trợ tim, phối hợp cầm máu. Tuy nhiên sau 2 tiếng tích cực cứu chữa vẫn không có kết quả, gia đình xin đưa cháu về nhà”- TS. Khánh cho biết thêm.
TS.BS Lê Việt Khánh.
Các bác sĩ cho biết, trong quá trình điều trị đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị chó cắn thương tâm. Chính vì vậy, TS. Khánh khuyến cáo, gia đình cần hết sức chú ý trông chừng trẻ, không được lơ là, chủ quan để trẻ chơi gần chó. Khi bị chó mèo cắn chảy máu cần sơ cứu ban đầu bằng cách sát trùng, rửa sạch vết thương, dùng băng gạc sạch băng bó cầm máu trong trường hợp chảy máu, rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
Những gia đình có nuôi chó cần nuôi nhốt kỹ, rọ mõm để tránh gây hại đáng tiếc cho mọi người. Cần tiêm phòng dại đầy đủ cho chó nuôi, trong trường hợp bị chó cắn cần tiêm phòng đầy đủ cho người.
1. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
2. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
3. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
4. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:
5. Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch -đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Dại khi bị chó, mèo cắn.
6. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.
7. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
8. Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh Dại.
9. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh Dại.