Trẻ nhỏ: Nạn nhân của cả thang máy và thang cuốn
Tối ngày 15/8, Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội) tiếp nhận một bệnh nhân tên L.D.B.S sinh năm 2009, trú tại Ngọc Thụy – Long Biên bị vết thương bàn tay phải. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc được, vết thương mất da mặt gan bày tay, đốt II ngón tay 3,4 bàn tay phải, vết thương sạch không có dị vật. Ngay sau đó bệnh nhân được tiêm tê, rửa sạch vết thương. Chụp Xquang chưa thấy đường gãy xương điển hình trên phim chụp.
Bệnh nhi được chuyển lên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện để điều trị.Theo chia sẻ của bệnh nhân, tối ngày 15/8 khi đang chơi đùa cùng các bạn tại sảnh trung tâm thương mại gần thang máy của tòa nhà do mải chơi xô nhau nên cháu chẳng may ngã vào cửa thang máy đang đóng do không kịp rút tay lại nên tay cháu kẹt vào cửa tháng máy. Cháu rút ra thì máu đã chảy rất nhiều, cháu sợ quá nên chạy về luôn.
Ngón tay bị thương tổn của cháu bé đã được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đức Giang xử trí
BS Hoàng Phương Lan – Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ- Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết: Sau khi làm sạch vết thương, bàn tay của bệnh nhân sẽ được điều trị theo 2 bước đầu tiên phẫu thuật cắt lọc da, sau đó sẽ dùng phương pháp bảo tồn cánh tay.
Theo các bác sĩ do bàn tay thường là bẩn, cho nên phải chuẩn bị kỹ càng khi rửa vết thương bàn tay. Đối với các vết thương rộng, giập nát nhiều, chuẩn bị bàn tay trước khi mổ phải coi như là một thì của thủ thuật, nghĩa là gây tê hay gây mê cho bệnh nhân, chuẩn bị vô khuẩn, rửa vết thương bằng nước vô khuẩn và xà phòng, rửa bằng đầu xăng để làm tan dầu mỡ (vết thương do tai nạn máy giập).
Sau khi rửa sạch vết thương, phẫu thuật viên thay lại áo mổ rồi mới khử khuẩn vết thương để mổ. Ở ngón tay, gan tay, phải cắt lọc rất tiết kiệm. Cần ghép da để che các đầu ngón tay nếu mất da (vì là vùng tiếp xúc thường xuyên), nếu không sau này sẹo co, cứng kích thích đau buốt, không sử dụng dược.
Những tai nạn đáng tiếc do thang máy gây ra cho trẻ không phải là hiếm gặp, cách đay vài tháng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, TP.Hồ Chí Minh đã phẫu thuật vết thương dập nát cổ bàn tay phải cho bệnh nhi V.N.T.P (17 tháng tuổi) bị thang máy ở sân bay Tân Sơn Nhất cuốn. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng dập nát cổ bàn tay phải, mô mềm bàn tay, gãy xương bàn tay ngón 3, 4, 5; đứt gân duỗi ngón 4, 5; đứt cung động mạch gan tay nông, dập cung động mạch gan tay sâu, dập khủy tay giữa trụ và cơ gian cốt.
Trước đó, trong lúc sử dụng thang cuốn với chị mình, tại siêu thị của tỉnh Đăk Lăk, bé trai 2 tuổi bị mất thăng bằng nên té ngã xuống thang. Sau đó, bé trai này tiếp tục bị cuốn vào khe thang máy gây chấn thương vùng mông, chân.
Lời khuyên của bác sĩ
Theo BS Hoàng Phương Lan: Không chỉ đối với thang cuốn, mà thang máy cũng chứa đựng nhiều nguy cơ đối với tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh tuyệt đối không để trẻ đứng ngoài bìa thang, thang cuốn thường có khe hở ở hai bìa thang, chân của trẻ khá nhỏ, nếu không may chạm vào phần khe hở này, trẻ sẽ gặp tai nạn ngay lập tức. Để trẻ đứng ở vị trí giữa cha mẹ, hay những người đi cùng, khi thang di chuyển, người lớn cũng cần kiểm soát trẻ, không để trẻ chạy nhảy cho đến khi tất cả đến nơi an toàn.
Bàn tay thương tổn nghiêm trọng của cháu bé 17 tháng tuổi khi bị kẹt thang cuốn tại sân bay Tân Sơn Nhất
Ở nơi nào có thiết bị này, phụ huynh cũng phải cách ly con mình càng xa khu vực có thang máy, thang cuốn càng tốt. Đặc biệt là trẻ từ 5 tuổi trở xuống, đây là độ tuổi trẻ tò mò và thích khám phá. Thang cuốn lại liên tục chuyển động sẽ thu hút sự chú ý của chúng. Trẻ em rất nhanh, chỉ 30 giây người lớn không quan sát trẻ, tai nạn có thể xảy ra ngay.
Trẻ từ 6 tuổi trở lên, khi đi thang cuốn nên có người lớn đi cùng, độ tuổi này trẻ thích nghịch, chơi đùa và… không đứng yên được.
Nếu không may xảy ra tai nạn, người đi cùng và những người xung quanh phải thật bình tĩnh, phải tắt thang cuốn ngay. Trường hợp không biết nguồn tắt ở đâu, người phát hiện ngay lập tức liên lạc với bảo vệ, quản lý tại khu vực này.