Hà Nội: Bắt muỗi xét nghiệm tìm cá thể muỗi nhiễm vi rút Zika

02-11-2016 14:53 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội ngày 1/11 đã phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương tổ chức hoạt động bắt muỗi xét nghiệm tìm cá thể muỗi nhiễm vi rút Zika nhằm chủ giám sát, phát hiện sớm mầm bệnh.

Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội ngày 1/11 đã phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương tổ chức hoạt động bắt muỗi xét nghiệm tìm cá thể muỗi nhiễm vi rút Zika nhằm chủ giám sát, phát hiện sớm mầm bệnh. Hoạt động này được thực hiện tại phường Láng Thượng (quận Đống Đa), phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) và xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) nhằm bắt được nhiều muỗi nhất để các chuyên gia xét nghiệm tìm cá thể muỗi nhiễm vi rút Zika.

Theo các chuyên gia, loại muỗi truyền vi rút Zika chính là muỗi lây bệnh sốt xuất huyết. Đặc điểm loại muỗi này là có màu đen, thân và chân có những đốm trắng nên được gọi là muỗi vằn. Khi muỗi đã nhiễm vi rút, nó có thể truyền bệnh. Vì vậy, chỉ một con mang mầm bệnh có thể truyền cho nhiều người. Muỗi vằn chủ yếu đẻ trứng ở các ổ nước sạch trong nhà hoặc gần nhà, khu xây dựng như: Ống máng, lọ hoa, đồ vỏ hộp, hốc cây, kẽ lá, vũng nước dưới đất, trong vườn, dụng cụ chứa nước có nhiều lá cây…

Do vậy, người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát muỗi và phòng, tránh muỗi đốt, diệt loăng quăng, bọ gậy đã được Bộ Y tế khuyến cáo để chủ động phòng bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết.

Tại Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện thành phố đã giám sát, phát hiện 55 trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc virus Zika, lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính. Theo Sở Y tế, trung bình 1 ngày có khoảng 50-60 chuyến bay quốc tế đến với khoảng 7.000-8.000 hành khách nhập cảnh vào Hà Nội qua sân bay quốc tế Nội Bài. Để chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Zika, sân bay Nội Bài đã triển khai 2 máy đo thân nhiệt nhằm phát hiện sớm hành khách có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm Zika.

Về dịch bệnh do vi rút Zika, đến thời điểm này, tại Việt Nam đã ghi nhận 23 trường hợp nhiễm vi rút Zika, trong đó có 17 trường hợp ở TP Hồ Chí Minh. Các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Dương, Long An, Trà Vinh, Đắk Lắk mỗi tỉnh có 1 trường hợp nhiễm virus Zika.

Cán bộ y tế bắt muỗi để xét nghiệm tìm vi rút Zika

Liên quan đến dịch bệnh do vi rút Zika, TS Trần Đắc Phu bày tỏ quan ngại, dịch bệnh Zika bùng phát, lo nhất là các thai phụ. Các bà mẹ không nên hoang mang nhưng phải biết cách chủ động phòng bệnh. Các biện pháp diệt bọ gậy, lăng quăng vẫn được đẩy mạnh nhưng không thể đảm bảo không có con muỗi nào, vì thế quan trọng nhất vẫn là phòng bệnh cá nhân: mặc áo dài tay, xoa kem chống muỗi, ngủ màn ngay cả vào ban ngày… Tuy nhiên, TS Phu cũng trấn an người dân không phải trường hợp thai phụ nào nhiễm Zika cũng gây ra hội chứng đầu nhỏ cho thai nhi. Tỷ lệ bà mẹ mang thai mắc Zika có con mắc hội chứng này rất thấp, 1-10% sinh con mắc dị tật chứng đầu nhỏ.

Các chuyên gia cho biết thêm, vi rút Zika chỉ gây nguy hiểm đối với các bà mẹ mang thai trong 3 tháng đầu. Từ tuần thứ 14 trở đi, nếu thai phụ có nhiễm Zika cũng không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của thai nhi, nhất là trí tuệ. Điều đáng lo ngại là việc phát hiện thai nhi bị dị tật đầu nhỏ thường ở giai đoạn rất muộn và không có biện pháp can thiệp điều trị nào ngoài đình chỉ thai nghén.

Để có thể giúp chẩn đoán sớm biến chứng đầu nhỏ ở thai nhi, điều quan trọng là các thai phụ cần đi khám đúng theo lịch hẹn đã quy định, đặc biệt là từ tuần 16 đến tuần thứ 22 để đo cấu trúc hệ thần kinh.

Các địa chỉ xét nghiệm chẩn đoán vi rút Zika ở Việt Nam gồm: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh; Viện Pasteur Nha Trang; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh

Thái Bình
Ý kiến của bạn