Hà Nội ban hành Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân thủ đô

22-07-2021 08:04 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống COVID-19 cho người dân ở thủ đô, trong đó nêu rõ về thời gian tiêm, kế hoạch phân bổ vắc xin, hình thức, địa điểm tổ chức cũng như việc bố trí nhân lực tại các điểm tiêm...

Theo số liệu của Cục thống kê Hà Nội cho thấy, dân số Hà Nội đến ngày 31/12/2020 có 8.317.640 người và 605.698 người ngoại tỉnh lưu trú trên địa bàn. Tỷ lệ người dân trong độ tuổi từ 18-65 tuổi - là độ tuổi có chỉ định tiêm vắc xin AstraZeneca theo hướng dẫn của nhà sản xuất (độ tuổi trên 65 tuổi thận trọng khi chỉ định tiêm) chiếm 62,3%, tuy nhiên theo thống kê nhanh từ các đợt tiêm vắc xin AstraZeneca vừa qua, tỷ lệ tiêm đạt khoảng 70% (có 30% đối tượng có chống chỉ định tiêm hoặc không đến tiêm).

Về thời gian tiêm, kế hoạch nêu, trong năm 2021, triển khai chiến dịch ngay khi tiếp nhận vắc xin đảm bảo đúng tiến độ yêu cầu. Thời gian cụ thể theo các đợt phân bố vắc xin của Bộ Y tế và nguồn cung ứng vắc xin (nhập khẩu và sản xuất trong nước) của thành phố Hà Nội.

Sàng lọc trước tiêm vắc xin

Khi nguồn vắc xin chưa đủ sẽ phân bổ số lượng vắc xin cho các quận, huyện, thị xã theo thứ tự ưu tiên: có ca F0 mới, có nhiều khu công nghiệp, có mật độ dân cư cao, có nhiều địa điểm thường tập trung đông người, nhiều ngành nghề dịch vụ, nhiều trường học, giáp ranh các tỉnh có dịch bệnh diễn biến phức tạp, cửa ngõ giao thông đi lại, có khu cách ly tập trung.... Khi có đủ vắc xin sẽ triển khai đồng loạt trên toàn thành phố.

Ngoài ra căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh thực tế tại thời điểm triển khai chiến dịch sẽ có điều chỉnh, ưu tiên cụ thể cho từng địa phương nhằm đảm bảo tối ưu nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh với nguyên tắc: Ưu tiên tiêm trước cho các nhóm đối tượng ở các quận, huyện đang có dịch (theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ).

Kế hoạch cũng đề cập nguyên tắc tiêm mũi 1 bằng loại vắc xin nào thì tiêm trả mũi 2 bằng loại vắc xin đó. Với người được tiêm mũi 1 bằng vắc xin của AstraZeneca, có thể tiêm mũi 2 bằng vắc xin của Pfizer, khoảng cách từ 8 - 12 tuần sau tiêm mũi 1.

Vắc xin có hạn sử dụng ngắn cấp phát trước."Để tránh thắc mắc, khiếu nại, đảm bảo công bằng, minh bạch trong phân bổ vắc xin cho các quận, huyện, thị xã sẽ tăng cường công tác truyền thông tới các cấp chính quyền và người dân để đồng thuận theo chủ trương của thành phố", văn bản nêu.

Theo kế hoạch, thành phố sẽ phân bố chỉ 1 loại vắc xin tại cùng thời điểm; các đơn vị triển khai tiêm hết loại vắc xin này mới chuyển sang loại vắc xin khác, nhưng phải dự trù đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vắc xin cùng loại cho 1 người và tại mỗi điểm tiêm chủng chỉ tiêm 1 loại vắc xin ở cùng 1 thời điểm để tránh người dân thắc mắc."Các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm phân bổ vắc xin cho các điểm tiêm theo số lượng đối tượng đăng ký và theo đúng nhóm đối tượng đã được hướng dẫn", kế hoạch nêu.

Các quận, huyện thị xã chịu trách nhiệm phân bổ vắc xin cho các điểm theo số lượng, đối tượng đăng ký và theo đúng nhóm đối tượng đã được hướng dẫn.

Hình thức tổ chức và bố trí nhân lực cho điểm tiêm chủng như sau: tổ chức tại các điểm tiêm chủng cố định như trạm y tế, bệnh viện, cơ sở tiêm chủng dịch vụ, phòng khám đa khoa cả trong và ngoài công lập. Thiết lập các điểm tiêm chủng lưu động để triển khai tiêm chủng với số lượng lớn như thực hiện tiêm cho công nhân tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực có nhiều cơ quan, đơn vị, trường đại học, cao đẳng hoặc khu vực đô thị có mật độ dân cư lớn trong khi các điểm tiêm cố định không đáp ứng được yêu cầu (diện tích không đảm bảo cho giãn cách với số lượng người đông trong cùng một thời điểm).

Điểm tiêm chủng lưu động bố trí ở các trường học cơ quan, công sở, khu công nghiệp, xí nghiệp, nhà văn hóa, nhà thi đấu thể thao… có thể triển khai nhiều dây truyền tiêm.

Việc bố trí nhân lực với 1 dây truyền tiêm như sau:

- Tại điểm tiêm chủng cố định: Một dây chuyền tiêm cần tối thiểu 03 nhân viên chuyên ngành y, trong đó có ít nhất 01 nhân viên chuyên môn từ y sỹ trở lên. Nhân viên trực tiếp thực hiện khám sàng lọc, tư vấn, theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm chủng có trình độ chuyên môn từ y sỹ trở lên; nhân viên thực hành tiêm chủng có trình độ từ trung cấp Y hoặc trung cấp điều dưỡng - hộ sinh trở lên; nhân viên y tế tham gia hoạt động tiêm chủng phải được tập huấn chuyên môn về tiêm chủng và tập huấn về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Tại điểm tiêm chủng lưu động: Một dây truyền tiêm cần tối thiểu 02 nhân viên chuyên ngành y, trong đó nhân viên trực tiếp thực hiện khám sàng lọc, tư vấn, theo dõi và xử trí phản ứng sau tiêm chủng có trình độ chuyên môn từ y sỹ trở lên; nhân viên thực hành tiêm chủng có trình độ từ trung cấp Y hoặc trung cấp điều dưỡng - hộ sinh trở lên; nhân viên y tế tham gia hoạt động tiêm chủng phải được tập huấn chuyên môn về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.


Hải Yến
Ý kiến của bạn