Nhiều di tích đền chùa... dán “thông báo” đóng cửa
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội về việc đóng cửa các di tích đền chùa, danh thắng để tập trung cho công tác phòng chống dịch, ngày 16/2, các di tích đền, chùa... trên địa bàn Hà Nội đều đồng loạt dán thông báo đóng cửa tạm dừng phục vụ.
Theo ghi nhận của phóng viên tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám sau những ngày đầu Xuân Tân Sửu tiếp đón nhiều lượt khách đến tham quan và thực hành các hoạt động nghi lễ, tín ngưỡng, thì từ 0h ngày 16/2 đã nghiêm túc thực hiện việc dừng hoạt động. Trước cổng di tích có dán thông báo: “Thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội về công tác phòng, chống dịch COVID -19, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám tạm dừng hoạt động đón khách tham quan di tích kể từ ngày 16/2/2021. Thời gian mở cửa sẽ được thông báo sau. Rất mong quý khách thông cảm”.
Nhiều người dân khi tìm đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào sáng 16/2 đọc thông báo đóng cửa di tích đã bày tỏ sự ủng hộ trước chủ trương của TP. Hà Nội. Anh Nguyễn Ngọc P. (phố Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng) cho biết, vài năm trở lại đây, Tết nào gia đình cũng đưa các cháu đến di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám để thưởng lãm không khí đầu Xuân và xin chữ các ông đồ. Năm nay do dịch bệnh nên không thể xin chữ các ông đồ... Tuy nhiên, tôi đã giải thích để các cháu không buồn và rất ủng hộ trước tinh thần nghiêm túc phòng, chống dịch tại di tích.
Tại Đền Ngọc Sơn, Ban quản lý (BQL) Di tích cũng dán thông báo: Do tình hình dịch COVID -19 diễn biến phức tạp, BQL Di tích danh thắng Hà Nội tạm thời đóng cửa Di tích quốc gia đặc biệt đền Ngọc Sơn để vệ sinh khử khuẩn phòng dịch. Thời gian từ 0h ngày 16/2/2021 (tức ngày 5 tháng Giêng năm Tân Sửu) cho đến khi có thông báo trở lại.
Tương tự, các di tích đông khách trên địa bàn Hà Nội những ngày đầu năm như Đình Kim Ngân, Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ... đều thông báo tạm dừng mở cửa.
Người dân thực hiện đúng cự ly giãn cách, vái vọng từ ngoài cổng chùa Quán Sứ.
Và các lễ hội cũng... ảm đạm, vắng bóng thưa người
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID -19, Hà Nội không chỉ tạm dừng hoạt động các di tích đền, chùa mà nhiều lễ hội hành hương đầu Xuân Tân Sửu cũng diễn ra trong bối cảnh ảm đạm, vắng bóng thưa người như lễ hội Gò Đống Đa, lễ hội chùa Hương, Hội Gióng đền Sóc...
Do các quy định mới về phòng chống dịch COVID -19 của TP.Hà Nội nên Lễ hội Kỷ niệm 232 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2021) vào ngày mùng 5 Tết Tân Sửu (16/2) vừa qua đã không diễn ra nhộn nhịp, tưng bừng như mọi năm mà thay vào đó là bầu không khí vắng lặng khác thường.
Trong ngày Lễ hội, khuôn viên khu di tích không có nhiều người ra vào dù các pano, áp phích vẫn được trang trí vào dịp lễ hội. Tại 2 cổng chính dẫn vào khu di tích Gò Đống Đa đều có lực lượng chức năng chốt chặn, có 2 điểm kiểm tra y tế đặt ở 2 lối vào Gò và tại đây các nhân viên sẽ đo thân nhiệt những người làm nhiệm vụ, đồng thời nhắc nhở đeo khẩu trang và xịt sát khuẩn tay. Cửa đóng hoàn toàn, người dân không có nhiệm vụ miễn ra vào nhưng bên trong khu di tích, quận Đống Đa vẫn tổ chức dâng hương vua Quang Trung, nhưng với quy mô nhỏ, có đầy đủ lễ vật dâng lên, hương khói nghi ngút tại ban thờ ở chân tượng đài vua Quang Trung - Nguyễn Huệ...
Tương tự, lần đầu tiên trong lịch sử, khu thắng cảnh chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) do dịch COVID-19 cũng dừng tổ chức Lễ khai hội và suối Yến không một bóng người... Hai bên bờ suối Yến, hàng trăm chiếc thuyền nằm “phơi bụng” vì không có khách. Chùa Thiên Trù, nơi được chọn để tổ chức lễ khai hội hàng năm cũng đóng kín cửa, trong khi bên trong đền Trình cũng chỉ có vài người lớn tuổi túc trực để thắp hương và làm lễ...
Trên trục đường chính dẫn vào chùa Hương, gần 200 người được bố trí tại các chốt nhưng không phải để hướng dẫn du khách vào tham quan, mà là để yêu cầu mọi người quay về. Những ai cố tình vi phạm “thông chốt” sẽ bị xử nghiêm, như ngày 16/2, lực lượng chức năng đã xử phạt hai người dân địa phương khi cố tình đưa khách tham quan chùa Hương bất chấp lệnh cấm.
Được biết, hàng năm, lễ hội chùa Hương diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 13/2 đến hết ngày 5/5. Mỗi mùa lễ hội, chùa Hương đón hàng triệu lượt khách, doanh thu ước tính hàng trăm tỷ đồng. Đây được xem là một trong những nguồn thu chính của huyện Mỹ Đức. Năm ngoái, chùa Hương cũng phải dừng đón khách do COVID-19, nhưng là khi lễ khai hội đã diễn ra suôn sẻ.