UBND TP Hà Nội mới đây thông tin, theo báo cáo sơ bộ của các đơn vị trong ngành Y tế Thủ đô, năm 2021, toàn ngành có 532 người xin nghỉ việc và 82 người xin chuyển công tác; từ tháng 1 đến 30/4/2022, có 226 người nghỉ việc và 17 người xin chuyển công tác.
Tổng cộng, từ đầu năm 2021 đến ngày 30/4 năm nay, Thủ đô có gần 860 cán bộ y tế nghỉ việc, chuyển công tác.
Lý giải cho việc hàng trăm nhân viên y tế nghỉ việc, UBND TP cho rằng hiện số lượng nhân viên y tế của Hà Nội còn thiếu. Các nhân viên y tế phải làm việc kiêm nhiệm, thực hiện nhiều nhiệm vụ, phải làm thêm ngoài giờ, không kể ngày, đêm.
Trong khi đó, chế độ đãi ngộ và mức thu nhập cho nhân viên y tế còn hạn chế so với các doanh nghiệp, đơn vị y tế ngoài công lập hoặc cơ sở y tế thuộc các Bộ, ngành. Hệ quả, nhiều nhân viên y tế Hà Nội đã xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác về những đơn vị có mức thu nhập cao hơn.
UBND TP Hà Nội đánh giá, trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại hoặc xuất hiện chủng virus COVID-19 mới có khả năng lây lan, nguy hiểm thì thảm họa xảy ra rất khó lường. Nếu không có chế độ hỗ trợ các y, bác sĩ và nhân viên y tế của TP Hà Nội kịp thời, sẽ không bảo đảm nhân lực để phòng chống dịch.
Liên quan tới vấn đề chế độ hỗ trợ này, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản trình UBND TP, báo cáo Thường trực HĐND TP về việc đề nghị xây dựng, ban hành Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ cho các y, bác sĩ và nhân viên y tế của thành phố theo trình tự, thủ tục rút gọn (Tờ trình số 2284/TTr-SYT ngày 24-5-2022; Công văn số 2369/SYT- KHTC ngày 28-5-2022).
UBND TP Hà Nội cho rằng một chế độ đãi ngộ thỏa đáng kịp thời là rất cần thiết cũng là việc cần sớm giải quyết để tri ân, ghi nhận, khích lệ, động viên đối với những đóng góp to lớn của lực lượng y tế.
Tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc không chỉ xảy ra với hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội hay TP HCM mà còn tại nhiều tỉnh, thành khác.
Tại Đồng Nai, bác sĩ Lê Quang Trung - Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế - cho hay, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, 231 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên tại các cơ sở y tế công lập từ tỉnh đến xã nghỉ việc. Số lượng này cao hơn nhiều so với các năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập thấp và môi trường làm việc áp lực.
Nhiều bệnh viện "than thở" không thể thành lập được khoa, phòng vì thiếu điều dưỡng. Trong 3 năm gần đây, Đồng Nai phải đối mặt với tình trạng bác sĩ xin nghỉ cao hơn số nhận vào, ông Trung nói. Những bác sĩ nghỉ việc lại là những người có kinh nghiệm, chứng chỉ hành nghề.
Riêng tại BVĐK Thống Nhất (Đồng Nai), từ tháng 1/2021 đến nay, toàn bệnh viện có 114 viên chức, người lao động (trong đó có 34 bác sĩ, 42 điều dưỡng, 38 nhân viên) thôi việc, bỏ việc. Hiện tại có 10 bác sĩ, điều dưỡng, cử nhân đang xin nghỉ việc nhưng bệnh viện chưa giải quyết. Ngoài ra, có 13 người khác đang xin nghỉ không lương; 6 người xin chuyển công tác.
Tại Gia Lai, Sở Y tế cho hay trong năm 2021, toàn ngành có 110 trường hợp là bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc. Trong đó riêng bác sĩ là 70 trường hợp. Cụ thể có 38 bác sĩ thôi việc, 12 bác sĩ nghỉ hưu, 10 bác sĩ bị kỷ luật buộc thôi việc và 1 trường hợp thuộc diện tinh giản biên chế.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, thêm 23 trường hợp nghỉ việc trong đó có 6 bác sĩ với những lý do tương tự.
Nguyên nhân bác sĩ, cán bộ y tế xin nghỉ việc chủ yếu là do áp lực công việc cao, trong khi đó chế độ đãi ngộ thấp.