Tuy nhiên, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng nhanh trong 3 tuần gần đây. Một số xã ghi nhận nhiều bệnh nhân và có ổ dịch có diễn biến phức tạp như: Tam Hiệp - Phúc Thọ (182 ca), Khánh Hà - Thường Tín (48 ca), Thanh Thùy - Thanh Oai (44 ca).
Bên cạnh đó, bệnh tay chân miệng cũng ghi nhân 201 trường hợp mắc. Bệnh nhân bắt đầu gia tăng nhanh trong 2 tuần gần đây, đồng thời đã ghi nhận các ổ dịch tại các trường mầm non và tại các khu chung cư.
Bệnh sởi có 15 trường hợp mắc bệnh, hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ (10 trường hợp chiếm 67%).
Trong 6 tháng năm 2020, Hà Nội có 121 trường hợp mắc COVID-19. Tính đến nay, tất cả các trường hợp mắc bệnh đều đã được công bố khỏi bệnh, trong đó 96/121 trường hợp đã được ra viện.
Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố cơ bản đang được kiểm soát tốt, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19. Tuy vậy, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ 2 là hoàn toàn có thể xảy ra. Trong bối cảnh nhà nước từng bước mở cửa, giao thương trở lại với quốc tế để phát triển kinh tế xã hội sẽ là thách thức lớn trong công tác phòng chống dịch.
Hà Nội chủ động ứng phó với nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết
Đối với các dịch bệnh lưu hành khác như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà, viêm não Nhật Bản... mặc dù ghi nhận số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng lại đang có xu hướng gia tăng nhanh trong những tuần gần đây tạo điều kiện thuận lợi để bùng phát dịch trên địa bàn thành phố. Vì vậy, nếu không có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể với ngành y tế để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch một cách chủ động.
Chính vì vậy, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm y tế các quận, huyện tiếp tục thực hiện quản lý tốt người nhập cảnh để phòng chống dịch COVID-19 xâm nhập đặc biệt là những người là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp nhập cảnh để làm việc. Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan như công an, người dân, ban ngành đoàn thể để rà soát phát hiện và tổ chức cách ly kịp thời người nhập cảnh trái phép không khai báo, không được cách ly sau khi nhập cảnh.
Quyết liệt triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết; thực hiện triệt để các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy với mục tiêu tất cả các hộ gia đình, khu công cộng, cơ quan, xí nghiệp, trường học được kiểm tra vệ sinh môi trường định kỳ thường xuyên. Đặc biệt là tại khu vực có bệnh nhân, thực hiện phương châm vào từng ngõ, gõ từng nhà, lực lượng cộng tác viên, đội xung kích sẽ kiểm tra từng hộ gia đình để hướng dẫn, giám sát hoạt động diệt bọ gậy.
Thực hiện duy trì tiêm chủng hàng tuần tại trạm y tế xã, phường, thị trấn để tăng cường cơ hội tiêm chủng cho trẻ, hạn chế việc tiêm muộn, hoãn tiêm. Phối hợp với ngành giáo dục tổ chức tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong trường học đặc biệt là công tác phòng chống bệnh tay chân miệng tại các trường mầm non mẫu giáo.
Nói về nguy cơ của dịch SXH năm nay các chuyên gia phân tích, dù cao điểm của dịch đã rơi vào các năm 2017 và 2019, song năm 2020 người dân không được phép chủ quan.
Cũng theo chuyên gia , trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ đang mang thai cần phải nâng cao cảnh giác trong mùa dịch SXH, bởi đây là những đối tượng dễ bị tổn thương. Cụ thể, Bệnh SXH gây giảm thể tích tuần hoàn nên trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm. Trong khi đó, người cao tuổi thường mắc các bệnh nền như đái tháo đường, bệnh về gan, thận đều là những nguyên nhân khiến SXH diễn biến nặng hơn nếu mắc phải.
Với phụ nữ mang thai, dù chưa ghi nhận trường hợp virus Dengue gây nên dị tật thai nhi nhưng khi mắc SXH có thể dẫn đến trường hợp sẩy thai. Vậy nên khi mắc bệnh mà có các triệu chứng như chảy máu, nôn ra máu; đi ngoài phân đen; đau bụng dữ dội; lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật; xanh tím, tay và chân lạnh; khó thở cần đến ngay bệnh viện gần nhất vì đó là những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.