Hà Nội: 500 doanh nghiệp nợ đọng BHXH, gần 13.700 người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi

04-11-2019 09:35 | Xã hội
google news

SKĐS - BHXH thành phố Hà Nội vừa công khai tên 500 doanh nghiệp nợ đọng BHXH từ 6 - 24 tháng với số nợ lên tới gần 280 tỷ đồng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của 13.660 lao động.

Theo BHXH thành phố Hà Nội, tính đến hết tháng 9/2019, tổng số nợ BHXH phải tính lãi trên địa bàn thành phố là 1.989,4 tỷ đồng, chỉ tính riêng tổng số nợ BHXH lớn của 500 đơn vị sử dụng lao động từ 6 - 24 tháng đã lên tới gần 280 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp nợ BHXH lớn như: Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garmant (Khu công nghiệp Quang Minh) nợ trên 21,09 tỷ đồng - 18 tháng; Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghiệp cao Minh Quân (Nhà hàng O2 - KĐT Văn Khê) nợ 16,4 tỷ đồng - 19 tháng; Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 4 (Tòa nhà ICON 4 - 243A Đê La Thành) nợ 6,8 tỷ đồng...

Hiện Hà Nội còn 500 doanh nghiệp nợ đọng BHXH.

Hiện Hà Nội còn 500 doanh nghiệp nợ đọng BHXH.

Về nguyên nhân của tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, BHXH thành phố Hà Nội cho hay, có nhiều nguyên như doanh nghiệp gặp khó khăn khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán, bị phong toả hoá đơn; dừng hoạt động, giải thể... Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận, trả lương thưởng cho người lao động bình thường nhưng vẫn tìm cách đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng của người lao động để sử dụng vào mục đích khác; một số người lao động chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi chính đáng của mình nên đã thoả thuận với chủ doanh nghiệp trốn đóng BHXH hoặc chỉ đăng ký đóng BHXH mang tính “đối phó”... Chính vì vậy, nhiều người lao động sau đó phải chịu thiệt thòi vì không được giải quyết các quyền lợi về BHXH như: Trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, không được hưởng lương hưu... khiến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.

Trước những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp như trên, BHXH thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT; chỉ đạo BHXH các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu nợ... với quyết tâm giảm tỷ lệ nợ BHXH xuống còn dưới 2% so với số phải thu trong năm 2019, qua đó góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Theo ông Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, tỷ lệ nợ BHXH vẫn cao, trong đó có nguyên nhân tổ chức Công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH chưa hiệu quả. Công tác này đang rất vướng bởi theo Điều 14 Luật BHXH quy định “Tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động”. Nhưng theo Luật Tố tụng dân sự, khi tổ chức công đoàn khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH thì phải có sự ủy quyền của người lao động cho Công đoàn và thực hiện theo thủ tục tố tụng tranh chấp lao động của từng cá nhân. Ví dụ, doanh nghiệp có 1.000 lao động thì phải có 1.000 chữ ký của người lao động ủy quyền cho Công đoàn khởi kiện. Quy định này khó khả thi, khó thực hiện.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tổng số tiền hiện còn phải thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (không bao gồm ngân sách nhà nước, Vinashin, Vinaline) đến 30/9/2019 là 14.876 tỷ đồng (chiếm 4,1% số phải thu). Cả nước còn 32.205 đơn vị nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp từ 3 - 6 tháng với số tiền 987 tỷ đồng (tăng 118 đơn vị với số tiền 48 tỷ đồng so với tháng 8); 12.849 đơn vị với 745 tỷ đồng (giảm 13 đơn vị và số tiền nợ tăng 41 tỷ đồng) nợ từ 6 - 12 tháng và 14.982 đơn vị với số tiền 2.931 tỷ đồng (giảm 1.299 đơn vị và số tiền giảm 39 tỷ đồng) nợ trên 12 tháng. Tình hình nợ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của nhiều doanh nghiệp vẫn diễn biến phức tạp.


Hoàng Minh
Ý kiến của bạn