Hà Nội

Hà Nội: 2-3 ngày mới có kết quả xét nghiệm, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp

14-05-2019 21:52 | Thời sự
google news

SKĐS - Đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên gần 8000 hộ chăn nuôi, chiếm gần 10% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội. Theo Chi cục Thú y và chăn nuôi, thời gian xét nghiệm dịch tả lợn mất từ 2-3 ngày mới có kết quả khiến việc phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh lây lan không hiệu quả.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi cho biết, tính đến ngày 13/5, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 7.760 hộ chăn nuôi, chiếm 9,62% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi/1.206 thôn, tổ dân phố/346 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện; làm mắc bệnh và tiêu hủy 120.782 con, chiếm 6,45% tổng đàn, với trọng lượng 8.165.079kg.

Đến nay,  dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng ngày càng lây lan nhanh, ở phạm vi rộng và các quy mô chăn nuôi lớn hơn, kể cả ở một số hộ có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học tốt hơn.

Từ đầu tháng 5 đến nay, dịch bệnh tiếp tục có chiều hướng phát sinh mạnh và ở các quy mô chăn nuôi lớn hơn. Trong giai đoạn này dịch bệnh đã phát sinh thêm 4.201 hộ, 541 thôn, 106 xã, bình quân số lượng lợn phải tiêu hủy là 5.204 con/ngày với trọng lượng 357.178kg. Đến nay có 23/7.760 hộ chăn nuôi có số lượng lợn phải tiêu hủy từ 200 con trở lên. Hiện có phường Ngọc Thụy, quận Long Biên dịch bệnh qua trên 30 ngày không phát sinh, số lợn mắc bệnh và tiêu hủy tại ổ dịch cũ này là 44 con. Một số địa phương dịch đã qua 30 ngày nhưng đã phát sinh trở lại.

Từ đầu tháng 5 đến nay, dịch bệnh tiếp tục có chiều hướng phát sinh mạnh và ở các quy mô chăn nuôi lớn

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, thời gian qua ngành nông nghiệp đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và các quận, huyện kịp thời tham mưu UBND thành phố triển khai về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Kết hợp các ngành liên quan đi kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại các quận, huyện, thị xã cũng như các chốt kiểm dịch, cơ sở chăn nuôi giết mổ, vận chuyển lưu thông lợn và sản phẩm từ lợn trên địa bàn thành phố.

Tổ chức có hiệu quả, đúng yêu cầu kỹ thuật các đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường trên toàn thành phố... Đồng thời kịp thời hướng dẫn các quận, huyện, thị xã vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức phòng, chống dịch bệnh như tăng cường quản lý thức ăn dư thừa, hướng dẫn hộ nhỏ lẻ chủ động phun phòng ngay từ hộ gia đình, phương án tiêu hủy tại chỗ...

Chưa có phương án tiêu hủy lợn mắc bệnh, nguy cơ dịch bùng phát và kéo dài

Công  tác phòng chống dịch còn gặp rất nhiều khó khăn do thành phố Hà Nội có tổng đàn lợn đứng tốp đầu cả nước nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong dân còn chiếm tỷ lệ cao. Nhu cầu sử dụng thực phẩm có nguồn gốc động vật của người dân Thủ đô cao trong khi thành phố mới tự cung tự cấp được 60%, số còn lại phải nhập ngoại tỉnh hoặc nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc sử dụng thức ăn tận dụng, dư thừa từ nhà hàng, bếp ăn tập thể, khách sạn còn phổ biến.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi

Công tác xét nghiệm, trả lời kết quả xét nghiệm còn mất nhiều thời gian (2-3 ngày mới có kết quả) đã gây khó khăn trong việc quản lý, tiêu hủy lợn ốm, chết và tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Việc tiêu hủy số lượng lớn lợn gặp khó khăn trong bố trí quỹ đất, quản lý hố chôn và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sinh thái. Một số nơi chưa chuẩn bị tốt phương án tiêu hủy nên khi dịch xảy ra gặp rất nhiều khó khăn khi chọn vị trí, địa điểm tiêu hủy. Việc không tiêu hủy lợn ngay để kéo dài nảy sinh việc lây lan dịch bệnh tại khu vực.

Mặt khác, việc các hộ chăn nuôi lớn, áp dụng đầy đủ quy trình an toàn sinh học hiện nay đến kỳ xuất bán không xuất bán được lợn nếu chỉ cho tiêu thụ trên địa bàn cấp xã, huyện. Việc lợn đến kỳ xuất bán không tiêu thụ được phát sinh hệ lụy làm lây lan dịch bệnh và gây tâm lý hoang mang cho người chăn nuôi.

Hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy

Theo dự báo, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi còn nhiều diễn biến phức tạp, kéo dài. Vì vậy, ông Nguyễn Ngọc Sơn mong muốn thời gian tới, nhà nước cần có chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức, triển khai phòng chống dịch bệnh; kiểm soát kinh doanh, vận chuyển, giết mổ lợn và sản phẩm của lợn phù hợp thực tế. Phát động phong trào hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn khỏe mạnh của nhân dân, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không “quay lưng lại” với thịt lợn, tiếp tục tiêu thụ, sử dụng thịt lợn an toàn để tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi, hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Phối hợp với các tổ chức trong, ngoài nước và nhà khoa học đánh giá trực trạng diễn biến dịch bệnh, nguy cơ và mức độ ô nhiễm khi tiêu hủy số lượng lớn lợn bệnh để hướng dẫn địa phương các giải pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp hiệu quả hơn; đặc biệt là việc xử lý, tiêu hủy lợn mắc bệnh đảm bảo ngăn chặn được virus phát sinh, phát tán không gây ô nhiễm môi trường sinh thái.

Đối với các địa phương cần huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc quyết liệt; chỉ đạo, tổ chức, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Bố trí địa điểm tiêu hủy lợn, sản phẩm của lợn tiêu hủy do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng quy định. Huy động các lực lượng của địa phương để tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết kịp thời, triệt để. Kịp thời hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy.


Hải Yến
Ý kiến của bạn