Hà Nội: 17,6% dân cư sẽ chịu tác động của điều chỉnh giá viện phí từ 1/8/2017

03-07-2017 21:59 | Xã hội
google news

SKĐS - Bắt đầu từ 1/8/2017, TP Hà Nội sẽ thực hiện việc điều chỉnh giá viện phí theo Thông tư 02/2017/TT- BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngày 30/6, UBND TP Hà Nội đã có văn bản trình HĐND Thành phố về việc quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế (BHYT) đối với các cơ sở khám chữa bệnh của thành phố Hà Nội.

Mức giá được ban hành theo Thông tư 02/2017/TT- BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế sẽ thay thế mức giá quy định tại Nghị quyết số 13/2013/NQ-HĐND ngày 17/3/2013 của HĐND TP và Quyết định số 30/2014/QĐ-UBND ngày 31/7/2014 của UBND TP về việc điều chỉnh, bổ sung giá một số dịch vụ y tế đối với cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước thuộc thành phố Hà Nội.

Thông tư 02/2017/TT- BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2017. Đã có 50 bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc Bộ Y tế và thuộc các bộ ngành điều chỉnh tăng giá. Đối với Hà Nội, khi được HĐND Thành phố thông qua mức giá khám khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT thì theo lộ trình các cơ sở y tế của Thành phố sẽ thực hiện điều chỉnh giá bắt đầu từ 1/8. Mức giá này gồm các chi phí trực tiếp (thuốc men, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao…), chi phí tiền lương.

Ảnh minh họa: Internet.

Theo thống kê, tại Hà Nội có 82,4% dân số đã có thẻ BHYT bao gồm người già, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo và cận nghèo, chính sách xã hội. Số còn lại là 17,6% dân số có mức sống ổn định nhưng chưa tham gia BHYT sẽ là đối tượng chịu tác động của việc điều chỉnh giá viện phí lần này.

Tuy nhiên, theo nhận định của thành phố, con số 17,6% người dân chưa tham gia BHYT không phải là con số quá cao nên việc tăng giá dịch vụ y tế có thể kiểm soát được, không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng của toàn Thành phố cũng như không tạo nên sự biến động quá lớn về thị trường giá cả.

Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, việc quy định mức giá khám chữa bệnh cho đối tượng không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT, Bộ Y tế cũng như thành phố Hà Nội hướng tới sự bình đẳng về giá, không phân biệt về giá khám chữa bệnh giữa người có BHYT và người không có thẻ BHYT trong cùng một cơ sở y tế. Việc điều chỉnh giá cũng giúp các cơ sở y tế có điều kiện tăng chất lượng dịch vụ do đảm bảo các yếu tố cấu thành giá dịch vụ: thuốc, hóa chất, vật tư y tế được tính đúng tính đủ. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý khám chữa bệnh thống nhất một danh mục, một giá. Mặt khác, việc tăng giá lần này cũng phần nào tác động đến ý thức tham gia BHYT của người dân, thúc đẩy người dân mua BHYT, tăng độ bao phủ và tiến tới BHYT toàn dân.


Minh Trí
Ý kiến của bạn