Về diễn biến và kết quả công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong ngày 17/6, bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh tại 326 hộ chăn nuôi thuộc 16 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh, tiêu hủy 7.583 con lợn với trọng lượng 506.741kg.
Đến nay, đã có 17 xã, phường thuộc 10 quận, huyện dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh, gồm: Phường Gia Thụy (quận Long Biên), phường Tứ Liên (quận Tây Hồ), phường Thanh Trì và Định Công (quận Hoàng Mai), phường La Khê và Phúc La (quận Hà Đông), phường Cổ Nhuế 2, Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm), phường Xuân Phương, Phương Canh (quận Nam Từ Liêm), xã Kim Lan, Ninh Hiệp, thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm), xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì), xã Kim An (huyện Thanh Oai), xã Dị Nậu (huyện Thạch Thất), thị trấn Phú Minh (huyện Phú Xuyên).
Kiểm tra tiêu huỷ lợn mắc dịch tả lợn châu Phi
Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Thành phố vẫn có diễn biến phức tạp, chiều hướng lây lan nhanh, ở phạm vi rộng, ở các quy mô chăn nuôi lớn hơn và có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học tốt hơn. Vì vậy, các cấp, các ngành Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: Tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống theo đúng Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi và chỉ đạo của trung ương, thành phố.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, bệnh bịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn Hà Nội, bắt đầu từ ngày 24/2/2019 tại hộ chăn nuôi lợn rừng thuộc phường Ngọc Thụy (quận Long Biên).
Thành phố Hà Nội có tổng đàn lợn lớn (đứng thứ 2 sau tỉnh Đồng Nai) với 1,87 triệu con, tuy nhiên chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong dân còn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 60%); Địa giới hành chính giáp với nhiều tỉnh, địa bàn rộng, có nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm cả về đường không, đường bộ, đường thủy nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm quá lớn, cùng với đó việc giết mổ nhỏ lẻ, tận dụng trong khu dân cư còn chiếm tỷ lệ cao (với 259 cơ sở) nên việc quản lý hoạt động kinh doanh, buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật gặp nhiều khó khăn.
Hiện tại với số dân sống và làm việc tại Hà Nội khoảng trên 10 triệu dân, nhu cầu sử dụng thực phẩm có nguồn gốc động vật của người dân thủ đô cao (khoảng 800 – 900 tấn/ngày) trong khi thành phố mới tự cung cấp được 60%, số còn lại phải nhập từ ngoại tỉnh hoặc nhập khẩu. Việc sử dụng thức ăn tận dụng, dư thừa từ nhà hàng, bếp ăn tập thể, khách sạn còn phổ biến đối với nhiều hộ chăn nuôi nhỏ, tận dụng.
Người, phương tiện vận chuyển ra, vào trại chưa áp dụng đầy đủ quy trình vệ sinh phòng bệnh và an toàn sinh học; đặc biệt lực lượng trực tiếp tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức về vệ sinh phòng bệnh, hơn nữa khi tiêu hủy ở những đàn lợn lớn trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt (nắng, nóng, mưa, đêm tối ...) khâu phòng hộ bị lơi lỏng.
Ngoài ra, dịch bệnh lây lan nhanh, ở phạm vi rộng là do đường lây truyền của vi rút dịch tả lợn châu Phi rất phức tạp, nhất là trong điều kiện mật độ chăn nuôi cao, nhỏ lẻ, vệ sinh thú y và an toàn sinh học không tốt; việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh vẫn còn xảy ra.
Bên cạnh dó do không có quy định về kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật nội tỉnh, nên việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc vận chuyển lưu thông động vật, sản phẩm động vật ở các địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh; các tổ chức, cá nhân dễ dàng hợp thức hóa nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật.