1. Cuộc đối đầu lịch sử
Gần nửa thế kỷ, nhớ lại chiến dịch Phòng không - Không quân đập tan cuộc tập kích chiến lược của máy bay B52 Mỹ cuối năm 1972, đánh dấu đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam. Chiến thắng đó chính là biểu tượng sinh động của trí tuệ, tài thao lược của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Xác chiếc máy bay rơi xuống hồ Hữu Tiệp, làng Ngọc Hà, Hà Nội. Ảnh: Tuấn Linh
Những ngày giữa tháng chạp năm 1972, tình hình diễn biến rất khẩn trương, sôi động. Ngày 13 tháng 12 với thái độ trịch thượng, ngoan cố, lật lọng của Chính phủ Mỹ và theo lộ trình được vạch ra trước Hội nghị Paris, Ngoại trưởng Mỹ Kít-xinh-giơ ngạo mạn, đơn phương tuyên bố đình chỉ vô thời hạn Hội nghị Paris về Việt Nam.
Tiếp đó, ngày 17 tháng 12, Tổng thống Mỹ Ních-xơn ban bố lệnh tiến công bằng không quân vào Hà Nội và Hải Phòng. Chiến dịch mang tên “Lai nơ bếch cơ II”.
Về phía ta, ngay từ năm 1962, khi giao nhiệm vụ cho Tư lệnh quân chủng Phòng không – Không quân Phùng Thế Tài, Bác Hồ đã lưu ý nghiên cứu đánh máy bay B52, mặc dù thời điểm này máy bay B52 chưa xuất hiện trên chiến trường miền Nam. Đến năm 1965, khi Mỹ đưa quân vào miền Nam tiến hành “Chiến tranh cục bộ” thì B52 xuất hiện trên chiến trường. Suốt những năm 1967 - 1971, ta đưa lực lượng tên lửa MiG - 21 vào Nam Quân khu 4 và chiến trường Trị Thiên nhằm rút kinh nghiệm về tổ chức lực lượng chiến thuật, chống gây nhiễu đối với B52. Do đó, vào đầu năm 1972, ta đã lên kế hoạch đánh máy bay B52 của Mỹ nên hết sức chủ động. Quân chủng Phòng không - Không quân được lệnh của Bộ chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu toàn bộ, phòng ngừa B52 đánh từ Thanh Hóa (vĩ tuyến 20) trở ra, đặc biệt là Hà Nội. Vì vậy, Thủ đô Hà Nội theo kế hoạch được lệnh sơ tán khẩn cấp 50 vạn dân tới vùng an toàn.
Sáng ngày 18 tháng 12 năm 1972, Bộ Tổng tham mưu điện cho các đơn vị: Cần đề phòng địch dùng B52 đánh phá các mục tiêu trọng điểm... Cùng ngày, Văn phòng Phủ Thủ tướng cũng điện cho các bộ, ngành và một số địa phương: “Địch có thể ném bom Hà Nội – Hải Phòng, cần thực hiện tốt kế hoạch sơ tán nhân dân của thành phố”.
19 giờ 10 phút ngày 18 tháng 12, các đài rađa cảnh giới của binh chủng rađa báo cáo về Sở chỉ huy trung tâm: B52 đang bay vào hướng Hà Nội. Đến 19 giờ 15 phút, biên đội MiG - 21được lệnh cất cánh đón đánh các tốp máy bay chiến thuật Mỹ (F4, F8, F111, A6, A7) cùng lúc ở Tam Đảo, Việt Trì, các đài quan sát dồn dập báo về Sở chỉ huy trung tâm: Máy bay F111 ném bom sân bay Nội Bài, Kép. Lập tức, Thượng tướng Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng ra lệnh cho kíp trực ban tác chiến Bộ Tổng tham mưu thông báo các đơn vị. Còi báo động từ trụ sở Quốc hội, Nhà hát Lớn, các nhà máy, ga Hàng Cỏ và nhiều nơi cả nội và ngoại thành vang lên khẩn thiết.
19 giờ 20 phút ngày 18 tháng 12 năm 1972, nhiều tốp máy bay B52 (mỗi tốp 3 chiếc, lần lượt dội bom xuống khu vực sân bay Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm, tiếng nổ rền vang, khói lửa mịt mù báo hiệu cuộc đụng đầu lịch sử giữa các lực lượng phòng không ba thứ quân bảo vệ Hà Nội với các “siêu pháo đài bay B52” những con “ngáo ộp Mỹ” bắt đầu.
Vào lúc 20 giờ 18 phút ngày 18 tháng 12 năm 1972, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa phòng không 261 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng chỉ huy phóng 2 quả đạn hạ ngay 1 máy bay B52-G rơi xuống cánh đồng Phù Lỗ tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là chiếc máy bay B52 đầu tiên và hiện đại nhất bị bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội. Thi đua với Tiểu đoàn 59, Tiểu đoàn 77 Trung đoàn tên lửa 257 vào 4 giờ sáng ngày 19 tháng 12 phóng 1 quả tên lửa bắn rơi tại chỗ 1 máy bay B52-D làm nức lòng quân dân Thủ đô Hà Nội và cả nước.
Ngớt tiếng bom đạn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đến một số đơn vị Phòng không – Không quân và khu vực Đông Anh, Yên Viên nơi vừa bị B52 của Mỹ ném bom tàn phá khu dân cư, Đại tướng động viên thăm hỏi bộ đội sẻ chia những đau thương mất mát với nhân dân Thủ đô.
Căm phẫn trước hành động bạo ngược của Mỹ, nhiều nước trên thế giới và các phong trào yêu chuộng hòa bình ra tuyên bố, mít-tinh, biểu tình hoặc điện tới Tổng thống Mỹ yêu cầu chấm dứt hành động dùng máy bay B52 rải bom phá hoại thủ đô Hà Nội, giết những người dân vô tội. Trong hồi ký của mình, Kít-xinh-giơ phải cay cú thừa nhận rằng: “Nước Mỹ đã nhanh chóng bị chìm ngập trong làn sóng thịnh nộ đang dâng lên trước cuộc ném bom được tiếp tục từ ngày 18 tháng 12 kéo dài 12 ngày. Tôi nhận được những bức thư lời lẽ gay gắt không tưởng tượng được của những người trước kia đã từng là bạn bè, của những công dân đầy giận dữ. Những lời lẽ buộc tội như “phi đạo đức”, “lừa bịp” tung ra bừa bãi, “dã man” là một tính từ khác được người ta ưa dùng. Có vẻ như người ta cho rằng điều tất nhiên là Bắc Việt Nam không có tội tình gì cả và chúng tôi thì đang lao vào con đường tiêu diệt dân thường”.
Trong thư của 41 thủ lĩnh tôn giáo Mỹ gửi Tổng thống Mỹ Ních-xơn: “Việc Ních-xơn ra lệnh ném bom hủy diệt ở miền Bắc Việt Nam là “phản bội nhiệm vụ hòa bình”, “là những người Mỹ, chúng tôi từ chối không phục tùng tính chất tất yếu của sự điên rồ này”.
Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ đã phớt lờ dư luận, không chấp nhận thất bại, tiếp tục con đường phiêu lưu quân sự, tập trung lớn lực lượng máy bay B52, xuất phát từ đảo Guam, Hawai, sân bay Cò Rạt, U-ta-pao Thái Lan và các loại máy bay chiến thuật F111, F4, F105, A6, A7 cất cánh chủ yếu từ tàu sân bay hạm đội 7 Mỹ, tăng cường độ tần suất ném bom nhằm hủy diệt một số trọng điểm sân bay, kho tàng, trận địa pháo, tên lửa, nhà máy điện, xăng dầu, cầu đường ở Hà Nội và các địa phương khác nhằm bẻ gãy ý chí quật cường của quân và dân miền Bắc Việt Nam.
Sau 7 ngày chiến đấu ngoan cường dũng cảm (từ 18 đến 25 tháng 12) vượt lên trên những đau thương, mất mát, bộ đội tên lửa, phòng không hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ cùng bộ đội rađa, không quân và các lực lượng phòng không ba thứ quân đã bắn rơi 53 máy bay Mỹ, có 18 B52, 5 F111. Trong đó, quân chủng Phòng không – Không quân bắn rơi 31 chiếc (tên lửa bắn rơi 23 chiếc có 17 chiếc B52, không quân bắn rơi 1 F4, pháo phòng không bắn rơi 7 chiếc) lực lượng phòng không địa phương, dân quân tự vệ bắn rơi 22 chiếc, trong đó có 4 chiếc F111 và pháo phòng không 100 bắn rơi 1 chiếc B52.
Từ 0 giờ ngày 25 tháng 12, không quân Mỹ ngừng ném bom miền Bắc nhân dịp lễ Noel. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định: địch sẽ đánh phá trở lại Hà Nội ác liệt hơn, quân và dân Thủ đô Hà Nội cần gấp rút chuẩn bị tốt lực lượng đánh địch trong những ngày tới.
Các đơn vị Phòng không – Không quân được lệnh tất cả bộ đội, vũ khí, khí tài tên lửa phải sẵn sàng chiến đấu 100%.
22 giờ 40 phút ngày 26 tháng 12, máy bay B52 ồ ạt đến ném bom rải thảm dữ dội vào tất cả các mục tiêu nội ngoại thành Hà Nội, tiếng nổ rền vang liên tiếp, khói bụi mịt mờ. Hai khu phố Khâm Thiên và Hai Bà Trưng bị tàn phá nặng nề, hàng trăm người dân vô tội bị vùi lấp trong các đống gạch, đá đổ nát, cảnh tượng vô cùng đau thương.
Với lòng căm thù giặc Mỹ ngút trời, từ các trận địa lực lượng phòng không 3 thứ quân Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đã đánh một trận tiêu diệt lớn, bắn rơi 8 máy bay B52, riêng Hà Nội bắn rơi 5 chiếc, có 4 chiếc rơi tại chỗ và 10 máy bay chiến thuật khác. Đây là trận đánh then chốt quyết định chiến dịch, bắn rơi nhiều máy bay chiến lược B52 nhất trong 9 ngày qua. Trận đánh làm suy sụp tinh thần và ý chí của cả Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và các giặc lái Mỹ.
Trận đánh ngày và đêm 28 tháng 12, quân dân miền Bắc bắn rơi 3 máy bay Mỹ trong đó có 2 chiếc B52, 1 RA5C và đến ngày 29/12 Tiểu đoàn tên lửa 79 bảo vệ Thủ đô đã bắn rơi 1 máy bay B52, 1 máy bay F4. Đây là trận đánh kết thúc chiến dịch 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” bảo vệ Thủ đô Hà Nội cuối tháng Chạp năm 1972.
2. MiG-21 không chiến B52
Trong hồ sơ của chiếc MiG - 21 -f86 có ghi (hiện đang lưu giữ cùng chiếc máy bay MiG - 21 - f86 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam) vào lúc 22 giờ 20 phút ngày 27/12, Phạm Tuân được lệnh lái máy bay MiG - 21- f86 cất cánh từ sân bay Yên Bái được sở chỉ huy và rađa dẫn đường trực tiếp bảo đảm, vượt qua hàng rào bảo vệ của máy bay F4 tiến về hướng đội hình B54. Đến bầu trời khu vực Mộc Châu – Sơn La, anh tiếp cận được mục tiêu, ấn nút hai quả tên lửa. Một chùm lửa bốc cháy trùm lên chiếc B52. Đây là chiến công đầu tiên của bộ đội Không quân bắn rơi máy bay B52 trong chiến dịch 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”. Khoảng 1 giờ sau, chiến công của Phạm Tuân, 2 tiểu đoàn tên lửa 71, 72 bằng 2 quả đạn tên lửa theo phương pháp bắn chính xác vào giữa nền giải nhiễu đậm, chiếc B52 chưa kịp cắt bom đã bị trúng đạn bốc cháy rơi xuống làng Ngọc Hà, đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Đây là chiếc máy bay duy nhất chưa kịp cắt bom đã bị bắn rơi, nâng tổng số trong ngày và đến ngày 27/12, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 14 máy bay trong đó có 5 B52 (2B52 rơi tại chỗ, 4 F4, 2 A7, 1 A6, 1 máy bay lên thẳng HH-53) đến cứu phi công.
Sau chiến công bắn rơi máy bay B52 của Phạm Tuân, phi công MiG-21 Vũ Xuân Thiều - một chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết gốc Hà Nội được lệnh đêm 28/12/1972, được lệnh xuất kích từ sân bay Sao Vàng. Được Sở chỉ huy Thọ Xuân dẫn đường, anh bí mật bay tiếp cận đằng sau đội hình máy bay B52. Đến vùng trời Sơn La, Vũ Xuân Thiều gặp địch, khoảng cách giữa máy bay anh và máy bay B52 đã quá gần. Không thể vượt qua rồi mới vòng lại công kích, như vậy, bọn địch sẽ phát hiện, sẽ kịp đối phó. Vũ Xuân Thiều nhằm chiếc B52 ấn nút phóng liền 2 quả tên lửa. Do bắn ở cự ly quá gần nên khi bắn tên lửa nổ trúng mục tiêu, quầng lửa bùng lên dữ dội, không đủ thời gian để ngoặt gấp, tránh chiếc B52 đang bốc cháy, theo đà máy bay Vũ Xuân Thiều lao vào đám cháy và anh đã anh dũng hy sinh. Thi thể anh được nhân dân và chính quyền tỉnh Sơn La chôn cất và báo về Quân chủng Phòng không – Không quân.
Hai phi công Phạm Tuân và Vũ Xuân Thiều với trí tuệ, quyết tâm, bản lĩnh chiến đấu và kỹ thuật, chiến thuật tuyệt vời đã tiêu diệt được hai pháo đài bay B52 của Mỹ, góp phần làm nên chiến thần kỳ cùng quân dân miền Bắc đánh bại cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm cuối năm 1972 của Mỹ.
Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng kéo dài 12 ngày, đêm đã thất bại nhục nhã.
Thiếu tướng Lê Mã Lương
Trong 12 ngày đêm “Ðiện Biên Phủ trên không” quân và dân miền Bắc Việt Nam đã bắn rơi 81 máy bay các loại trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111 và 42 máy bay chiến thuật khác. Ðây được coi là một mốc son chói lọi, một biểu tượng nổi bật của trí tuệ, tài thao lược của các tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ quân đội, đánh dấu sự trưởng thành phát triển vượt bậc của quân đội Việt Nam. Cuộc đối đầu lịch sử này làm sụp đổ “thần tượng không lực Hoa Kỳ”, một thất bại chiến lược toàn diện về quân sự và chính trị Mỹ, mở ra thế và lực mới cho thắng lợi Việt Nam tại Hội nghị Paris tháng 1/1973. |