Theo ghi nhận của PV Báo Sức khoẻ & Đời sống trong nhiều ngày giữa tháng 8/2021, tại khu vực Công ty Cổ phần xi măng VICEM Bút Sơn (đóng tại xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) luôn đông đúc xe đầu kéo chở xi măng rời đóng kiện đi ra từ nhà máy.
Những phương tiện này mang logo Quang Khải của Công ty TNHH Quang Khải sau đó di chuyển qua Quốc lộ 21 và đường Phủ Lý - Kiện Khê để đến Cảng Bút Sơn (phường Châu Sơn, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam).
Những chiếc xe tải nói trên không chỉ có dấu hiệu quá tải trọng mà còn ngang nhiên di chuyển ngược chiều tại nút giao nhau giữa Quốc lộ 21 và đường Phủ Lý - Kiện Khê, bất chấp các phương tiện khác đang lưu thông.
Tình trạng này không chỉ xem thường pháp luật mà còn là hành vi uy hiếp nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng giao thông.
Trong khi đó, theo người dân sống ven đường, họ đã chứng kiến cảnh này suốt nhiều năm qua. Khói bụi mù mịt từ sáng đến đêm, ảnh hưởng đến sức khoẻ bà con. Đặc biệt, mỗi khi thấy những chiếc xe tải chở xi măng rời đi "ngông ngênh" trên đường là người tham gia giao thông, nhất là học sinh sợ hãi, dạt sang hai bên đường để tránh.
Điều đáng nói, trong nhiều ngày phóng viên ghi nhận, những chiếc xe tải này ngang nhiên vi phạm giao thông mà không gặp phải sự kiểm tra bất cứ lực lượng nào từ CSGT, TTGT đến các đơn vị quản lý của Công ty Cổ phần xi măng VICEM Bút Sơn.
Trao đổi với PV Báo Sức khoẻ & Đời sống, ông Khổng Bình Nguyên, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nam (người được uỷ quyền phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí) cho biết: "Phương tiện lưu thông ngoài đường thì trách nhiệm của Công an còn Thanh tra Giao thông chỉ kiểm tra khu vực trong mỏ và Cảng".
Trong khi đó, sau khi tiếp nhận phản ánh, Trung tá Đỗ Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng CSGT - Công an tỉnh Hà Nam khẳng định sẽ chỉ đạo lực lượng kiểm tra và ngăn chặn.
Liên quan đến tình trạng xe quá khổ, quá tải hoạt động ngày đêm trên tuyến tỉnh lộ ĐT 494C, tuyến QL21 và tuyến đường tránh TP. Phủ Lý, nhất là đoạn từ nhà máy xi măng VICEM Bút Sơn đến Cảng Bút Sơn, ngày 27/5/2019, Thanh tra Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Thanh tra Sở GTVT tỉnh Hà Nam tổ chức kiểm tra, xử lý theo quy định; Khi phát hiện vi phạm về tải trọng phương tiện, vi phạm về kích thước thùng chở hàng của xe ô tô tải tự đổ, ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính đối với lái xe thì tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện và người bốc xếp hàng hóa theo đúng quy định…
Ngoài ra, Thanh tra Bộ GTVT yêu cầu Sở này tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT về việc tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ tại các đầu mối bốc xếp hàng hóa.
Tuy nhiên sau hơn 2 năm, tình trạng này không được cải thiện mà có dấu hiệu phức tạp hơn. Hoạt động chở xi măng quá tải ngày càng gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân khu vực.
Trước đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ về kiểm soát tải trọng xe, đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sá, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Tổng công ty Công nghiệp Xi măng yêu cầu thực hiện nghiêm việc kiểm soát tải trọng hàng hoá từ kho bãi.
Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị trong ngành phải thực hiện nghiêm túc quy định của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành đối với việc xếp dỡ và vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ; Phối hợp thực hiện với đơn vị của ngành GTVT nghiêm túc triển khai các quy định về tải trọng phương tiện trong quá trình vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng.
Để tăng cường thực hiện các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện, chấm dứt tình trạng phương tiện quá tải tham gia giao thông, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 32 chỉ đạo Bộ GTVT, Bộ Công an các đơn vị, địa phương, tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, xử lý các xe quá tải trên các tuyến giao thông.
Chỉ thị cũng nêu rõ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng phương tiện chở quá tải tham gia giao thông trên địa bàn.
Báo Sức khoẻ & Đời sống sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.