Hà Nam: Giáp Tết nỗi lo an toàn thực phẩm vùng quê

08-01-2009 12:10 | Thời sự
google news

Cách trung tâm Hà Nội gần 100 km, nhưng trên địa bàn tỉnh Hà Nam, tình trạng vi phạm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh

Cách trung tâm Hà Nội gần 100 km, nhưng trên địa bàn tỉnh Hà Nam, tình trạng vi phạm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đang diễn ra rất phức tạp. Trong khi đó, người dân còn chủ quan với việc mua, bán, sử dụng thực phẩm. Việc xuất hiện ca nhiễm cúm A H5N1 trên người ở Thanh Hoá mới đây, đang là hồi chuông cảnh báo khi Tết và rét đậm, rét hại đang đến.

 Lựa chọn thực phẩm an toàn, một trong những vấn đề người dân cần quan tâm.
 
Hiện nay, những mặt hàng chế biến sẵn được tiêu thụ nhiều nhất trong dịp Tết như bánh, mứt, kẹo, hạt dưa, hạt bí... được bày bán tràn lan ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Theo chủ các cửa hàng, người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm bánh kẹo, bọc gói nhỏ, đủ màu sắc, kiểu dáng được bán lẻ hoặc bán theo cân. Tuy nhiên, trên thực tế, các sản phẩm này thường không rõ nguồn gốc hoặc chỉ là sản phẩm không rõ nhãn mác, nơi sản xuất. Các loại mứt Tết được bày bán trong các túi ni lông mà không có lấy một dòng địa chỉ hay hạn sử dụng. Ngoài những sạp hàng cố định còn có rất nhiều sạp hàng được mở tranh thủ theo mùa, sản phẩm không được đóng gói, bao bì. Ngoài ra, nguy cơ mất ATVSTP nhiều nhất trong dịp này còn là tại các chợ thực phẩm. Tại chợ Phủ Lý (huyện Phủ Lý), chợ Quế (huyện Kim Bảng)... hàng thực phẩm chín, thực phẩm sống bày bán liền nhau không che đậy. Các loại thịt gia súc, gia cầm, nội tạng, trứng... không rõ nguồn gốc và chưa qua kiểm dịch được bày bán ngang nhiên. Điều đáng lo ngại hơn nữa là ở các khu chợ này còn có mùi tanh hôi nồng nặc do người dân giết gà, vịt và mổ cá tại chỗ, đổ nước tràn ra lênh láng trên đường và đổ thẳng xuống ao, hồ bên cạnh. Đó là điều kiện cho ruồi, nhặng phát triển mạnh, dễ dàng mang các mầm bệnh truyền nhiễm cho khách mua thực phẩm.

Tình trạng vi phạm ATVSTP còn diễn ra đặc biệt nghiêm trọng ở những cơ sở nấu rượu thủ công phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán. Như làng Bèo (xã Tiên Ngoại, huyện Duy Tiên) là một làng nấu rượu truyền thống có tiếng ở địa phương, nhưng toàn bộ rượu của làng này đều được nấu theo phương pháp thủ công, chưa chuẩn hóa về chất lượng. Nhiều hộ nấu rượu sử dụng các dụng cụ rất mất vệ sinh, thùng ủ men thì máng thành ngấn vì lâu không rửa, bể nước làm đông rượu thì đen kịt vì lâu không thay nước, còn cơm để nấu rượu thì được trải phơi trên nong nia, thậm chí ngay trên nền sân gạch, ruồi nhặng mặc sức bâu đầy.

Trước thực tế trên, Hà Nam đã có nhiều biện pháp để cải thiện tình hình, trong đó đặc biệt trú trọng công tác thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Nam có tới hàng nghìn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Càng đến dịp Tết Nguyên đán thì tình hình vi phạm ATVSTP càng có chiều hướng gia tăng. Trong khi các cơ quan chức năng chỉ quản lý được những cơ sở lớn và trọng điểm, còn lực lượng thanh tra chuyên trách quá mỏng nên công tác thanh, kiểm tra cũng chủ yếu tập trung vào các cơ sở lớn, có đăng ký với cơ quan quản lý. Còn thực tế, các cơ sở nhỏ lẻ "ăn theo" mùa Tết xuất hiện rất nhiều nhưng rất khó quản lý.

Bài và ảnh: Nguyễn Chính


Ý kiến của bạn