Hạ huyết áp tư thế đứng (HHATTĐ) là một thể của huyết áp thấp, xảy ra khi bạn đứng lên từ tư thế ngồi hoặc nằm. Người bệnh thấy chóng mặt hoặc choáng váng, thậm chí có thể mờ mắt. HHATTĐ thường là nhẹ, kéo dài vài giây đến vài phút sau khi đứng. Tuy nhiên, nếu kéo dài có thể là một dấu hiệu của nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Vì vậy hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn thường xuyên cảm thấy lâng lâng khi đứng lên. Thậm chí gặp bác sĩ sớm ngay, nếu bạn bị mất ý thức trong giây lát khi đứng lên.
HHATTĐ nhẹ thường không cần điều trị. Nhiều người có thể chỉ thấy chóng mặt hoặc choáng váng khi đứng lên và thường không gây ra vấn đề gì. Trường hợp nặng, việc điều trị thường phụ thuộc vào nguyên nhân.
Biểu hiện của HHATTĐ và nguyên nhân
Triệu chứng phổ biến nhất của HHATTĐ bao gồm: Cảm thấy đầu óc quay cuồng hay chóng mặt khi đứng lên sau khi ngồi hoặc nhìn mờ; yếu người; ngất xỉu; nhầm lẫn; buồn nôn... Những dấu hiệu này thường xảy ra ngay sau khi đứng lên và thường chỉ kéo dài vài giây.
Nguyên nhân: Khi bạn đứng lên, tác động lực hấp dẫn đưa máu về vùng chân, gây giảm huyết áp vì có ít máu lưu thông trở lại tim. HHATTĐ có thể bị gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
Mất nước: Sốt, nôn mửa, không uống đủ nước, tiêu chảy nặng và tập thể dục ra mồ hôi quá nhiều, tất cả đều có thể dẫn đến mất nước. Mất nước nhẹ có thể gây ra các triệu chứng của HHATTĐ, như yếu ớt, chóng mặt và mệt mỏi; Vấn đề tim mạch: một số bệnh tim mạch có thể dẫn đến huyết áp thấp bao gồm nhịp tim chậm, bệnh van tim, nhồi máu cơ tim và suy tim.
Vấn đề nội tiết: Bệnh lý tuyến giáp, suy thượng thận, hạ đường máu và trong một số trường hợp bệnh đái tháo đường.
Rối loạn hệ thần kinh: Một số rối loạn hệ thần kinh như bệnh Parkinson, mất trí nhớ, bệnh chuyển hóa amyloidosis có thể phá vỡ hệ thống điều hòa huyết áp bình thường của cơ thể.
Sau khi ăn: Một số người gặp hạ huyết áp sau bữa ăn. Tình trạng này là phổ biến hơn ở người lớn tuổi.
Ai có nguy cơ bị HHATTĐ?
Tuổi tác: HHATTĐ phổ biến ở những người tuổi từ 65 trở lên;
Thuốc: Những người dùng thuốc điều trị tăng huyết áp hoặc bệnh tim, như thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn alpha, chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi, ức chế men chuyển. Hoặc đang dùng thuốc điều trị bệnh Parkinson, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc giãn cơ, thuốc điều trị rối loạn cương dương và các chất ma túy.
Người mắc một số bệnh về tim, như bệnh về van tim, nhồi máu cơ tim và suy tim và bệnh Parkinson.
Tiếp xúc với nhiệt: Ở môi trường nóng làm đổ mồ hôi và có thể gây mất nước, giảm huyết áp và kích hoạt hạ huyết áp tư thế đứng.
Nghỉ ngơi tại giường: Người phải nằm trên giường một thời gian dài vì bệnh có thể yếu người. Khi cố gắng đứng lên, rất dễ bị HHATTĐ.
Mang thai: Do hệ thống tuần hoàn mở rộng nhanh chóng trong khi mang thai, huyết áp sẽ giảm và sẽ bình thường trở lại sau khi sinh.
Uống rượu có thể làm tăng nguy cơ HHATTĐ.
Khi bị HHATTĐ, người bệnh thấy chóng mặt hoặc choáng váng, thậm chí có thể mờ mắt.
Biến chứng có thể gặp do HHATTĐ
HHATTĐ thường nhẹ, chỉ hơi phiền toái và ít biến chứng. Một số trường hợp có thể nghiêm trọng, nhất là ở người lớn tuổi, bao gồm:
Ngã: Ngã té do ngất xỉu là một biến chứng thường gặp ở những người HHATTĐ.
Đột quỵ: Những biến động của huyết áp khi đứng và ngồi do HHATTĐ có thể gây nguy cơ đột quỵ do giảm cung cấp máu cho não.
Bệnh tim mạch: HHATTĐ có thể gây nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các biến chứng như đau ngực, suy tim hoặc rối loạn nhịp tim.
Phòng ngừa HHATTĐ
Để quản lý hoặc ngăn ngừa HHATTĐ, cần:
Tăng muối trong chế độ ăn uống: Phải được thực hiện sau khi thảo luận với bác sĩ. Quá nhiều muối có thể làm tăng huyết áp.
Ăn nhiều bữa nhỏ: Nếu huyết áp của bạn giảm xuống sau khi ăn, có thể chia làm nhiều bữa nhỏ.
Uống nhiều nước: Cơ thể đủ nước giúp ngăn ngừa các triệu chứng của huyết áp thấp, nên uống 6-8 ly nước lọc mỗi ngày. Nhưng tránh hoặc hạn chế uống rượu, vì rượu có thể làm trầm trọng hạ huyết áp tư thế đứng.
Tập thể dục: Tập thể dục cơ bắp chân. Khi ra khỏi giường, ngồi trên mép giường khoảng một phút trước khi đứng. Tập thể dục thường xuyên có thể giảm các triệu chứng của hạ HHATTĐ.
Tránh uốn cong thắt lưng: Nếu cần lấy một cái gì đó trên sàn nhà, nên ngồi xổm để lấy đồ vật, không nên uốn cong lưng để lấy.
Mang vó nén có thể giúp giảm các triệu chứng của HHATTĐ.
Đứng dậy từ từ để giảm chóng mặt và choáng váng do HHATTĐ, nên chuyển từ nằm sang đứng một cách từ từ. Buổi sáng khi thức dậy, hít thở sâu một vài phút sau đó từ từ ngồi dậy trước khi đứng.
Nâng cao đầu khi ngủ giúp chống lại các tác động của lực hấp dẫn.
Di chuyển đôi chân trong khi đang đứng: Nếu bắt đầu có các triệu chứng trong khi đứng, đặt một chân trên một mỏm đá hoặc ghế. Vận động đôi chân giúp máu chảy từ đôi chân về tim.
Việc điều trị HHATTĐ phụ thuộc vào nguyên nhân. Bác sĩ sẽ giải quyết các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như mất nước hoặc suy tim. Đối với HHATTĐ nhẹ, một trong những phương pháp điều trị đơn giản nhất là ngồi hoặc nằm xuống ngay sau khi cảm thấy đầu óc quay cuồng khi đứng và triệu chứng của HHATTĐ thường biến mất. Nếu huyết áp thấp là do thuốc, cần thay đổi liều hoặc ngừng hoàn toàn thuốc đang dùng.
Người bệnh cần uống đủ nước; uống ít hoặc không uống rượu; tránh đi bộ trong thời tiết nóng; nâng cao đầu giường; đứng lên từ từ. Nếu không bị tăng huyết áp, nên tăng lượng muối trong chế độ ăn. Dùng vó nén có thể giúp giảm ứ trệ máu ở chân và giảm các triệu chứng của HHATTĐ. Một số loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị HHATTĐ, như fludrocortisones, midodrine nhưng cần thực hiện theo y lệnh của bác sĩ.