Hà Nội

Hạ huyết áp tư thế đứng - khi nào cần dùng thuốc?

29-01-2020 09:33 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Hạ huyết áp tư thế đứng là một thể của huyết áp thấp, xảy ra khi bạn đứng lên từ tư thế ngồi hoặc nằm.

Nếu hạ huyết áp tư thế đứng xảy ra thường xuyên, huyết áp giảm đáng kể, kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống thì cần được điều trị thích hợp.

Huyết áp thấp là khi trị số huyết áp tâm thu dưới 90mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương dưới 60mmHg (huyết áp trung bình là 120/80 mmHg). Hạ huyết áp tư thế đứng ở những người khỏe mạnh mà không có các triệu chứng không mong muốn hoặc không có tổn thương thực thể các cơ quan thì không cần điều trị. Tuy nhiên, những người có huyết áp giảm đáng kể và kéo dài so với bình thường nên cần được đánh giá đầy đủ ngay cả khi không có triệu chứng, và can thiệp với các cách khác nhau. Nhiều nghiên cứu cho thấy hạ huyết áp tư thế đứng có thể cải thiện bằng cách thay đổi lối sống hoặc sử dụng thuốc điều trị.

Triệu chứng phổ biến nhất của hạ huyết áp tư thế đứng bao gồm: Cảm thấy đầu óc quay cuồng hay chóng mặt khi đứng lên sau khi ngồi hoặc nhìn mờ; yếu người; ngất xỉu; nhầm lẫn; buồn nôn... Những dấu hiệu này thường xảy ra ngay sau khi đứng lên và thường chỉ kéo dài vài giây.

Nếu hạ huyết áp tư thế nhiều và kéo dài, cần được điều trị để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm (ảnh minh họa).

Nếu hạ huyết áp tư thế nhiều và kéo dài, cần được điều trị để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm (ảnh minh họa).

Những ai dễ bị hạ huyết áp tư thế đứng?

Hạ huyết áp tư thế đứng phổ biến ở những người tuổi từ 65 trở lên; những người dùng thuốc điều trị tăng huyết áp hoặc bệnh tim, như thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn alpha, chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi, ức chế men chuyển hoặc đang dùng thuốc điều trị bệnh Parkinson, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc giãn cơ, thuốc điều trị rối loạn cương dương và các chất ma túy dễ bị hạ huyết áp tư thế đứng; người mắc một số bệnh về tim, như bệnh về van tim, nhồi máu cơ tim và suy tim và bệnh Parkinson cũng dễ bị hạ huyết áp tư thế đứng; người thường xuyên tiếp xúc với nhiệt: Ở môi trường nóng làm đổ mồ hôi và có thể gây mất nước, giảm huyết áp và kích hoạt hạ huyết áp tư thế đứng; người phải nằm trên giường một thời gian dài vì bệnh có thể yếu người, khi cố gắng đứng lên, rất dễ bị hạ huyết áp tư thế đứng...

Và thuốc điều trị

Có nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị chứng huyết áp thấp gặp trong hạ huyết áp tư thế đứng dựa trên nguyên nhân gây bệnh:

Fludrocortisone: Loại thuốc thuộc nhóm corticosteroid này hữu ích trong việc hạ huyết áp tư thế đứng nhờ vào việc kiểm soát lượng natri và chất lỏng trong cơ thể. Fludrocortisone cũng được xem như là thuốc điều trị cho huyết áp thấp do mất nước, do có tác dụng làm tăng thể tích máu nên giúp tăng huyết áp.

Thuốc có tác dụng làm tăng hấp thu natri ở ống lượn xa, có thể tăng nhạy cảm của mạch máu với catecholamine. Tuy nhiên khi dùng thuốc này người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ: Tăng huyết áp khi nằm, phù mắt cá, giảm kali, nhức đầu, suy tim hiếm khi xảy ra. Nếu gặp bất cứ triệu chứng nào bất thường trong quá trình dùng thuốc người bệnh cần kịp thời thông báo với bác sĩ điều trị cho minh. Khi sử dụng fludrocortisone kéo dài, người bệnh có thể cần bổ sung kali.

Midodrine: Thuốc duy nhất được Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA) công nhận. Thuốc thường được coi là một loại thuốc điều trị huyết áp thấp cho những người bị tụt huyết áp tư thế mạn tính. Midodrine hoạt động bằng cách hạn chế khả năng giãn của các mạch máu, do đó làm tăng huyết áp. Tác dụng phụ có thể gặp khi dùng midodrine là phản ứng nổi da gà, ngứa, tăng huyết áp khi nằm, nhịp tim chậm, rối loạn tiêu hóa, bí tiểu. Người bệnh cần lưu ý: Không uống thuốc trong khoảng 4 giờ trước khi nằm.

Pyridostigmine: Được sử dụng để cải thiện sức mạnh cơ ở bệnh nhân bị bệnh nhược cơ. Thuốc có tác dụng ức chế acetylcholinesterase, tăng dẫn truyền thần kinh ở hạch giao cảm. Pyridostigmine hoạt động bằng cách ngăn chặn sự phá vỡ chất tự nhiên acetylcholine trong cơ thể (acetylcholine là cần thiết cho chức năng co bóp cơ bình thường). Do đó, pyridostigmine giúp làm giảm sự mệt mỏi, là triệu chứng phổ biến nhất của chứng huyết áp thấp. Khi dùng pyridostigmine người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ như: Tăng tiết nước bọt, tăng nhu động, buồn nôn, nôn và co thắt dạ dày. Nếu có các triệu chứng này người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để bác sĩ có hướng xử trí phù hợp trong từng trường hợp cụ thể.

Các thuốc điều trị chứng huyết áp thấp trong hạ huyết áp tư thế đứng cần được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tim mạch và được theo dõi chặt chẽ trong quá trình sử dụng để tránh các biến cố có thể xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng hoặc tăng giảm liều một cách tùy tiện gây nguy hiểm tới sức khỏe.


BS. Thanh Hải
Ý kiến của bạn