Hà Nội

Hạ huyết áp hiệu quả nhờ thực phẩm

31-12-2014 15:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Bệnh nhân cao huyết áp cần duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh vừa giúp hạ huyết áp một cách tự nhiên lại an toàn.

Bệnh nhân cao huyết áp cần duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh vừa giúp hạ huyết áp một cách tự nhiên lại an toàn.

Các loại đậu: Tất cả loại đậu đều rất tốt cho hệ tim mạch. Nên sử dụng chúng trong bữa ăn hằng ngày vì chỉ cần nửa chén đậu đũa là đã cung cấp gần 600 mg kali. Đậu que, đậu Hà Lan cũng có công dụng tương tự.

Rau cần: Có tác dụng trấn tĩnh và bảo vệ huyết quản, hạ thấp huyết áp và mức cholesterone máu. Hành tây, tỏi: Vừa có thể hạ mức mỡ trong máu, chữa trị được bệnh ở hệ thống mạch vành vừa hạ thấp được huyết áp.

Cà bát, cà trắng, cà pháo và cà chua: Có tác dụng làm mềm hóa huyết quản, hạ thấp huyết áp nhờ hàm lượng cao vitamin C và P.

Táo: Chứa nhiều kali (một chất có tác dụng hạ huyết áp), hạn chế hấp thu muối natri (một trong những yếu tố gây tăng huyết áp).

Nấm hương: chứa nhiều kali, ít natri và chứa chất có tác dụng khống chế lượng cholesterol trong máu và trong gan, ngăn chặn quá trình xơ cứng động mạch, hạ huyết áp

Khoai lang: Đây là một trong các loại thực phẩm có nhiều chất kali. Một gói khoai lang có thể chứa 694 mg kali, chất xơ, beta carotene và một lượng tinh bột có thể cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể trong ngày.

Khoai tây: Đây là loại thực phẩm lành mạnh, một nguồn kali sẵn có giúp giảm huyết áp, trong khi hàm lượng natri thấp, giúp giảm phù. Chúng ta cần một tỉ lệ kali/natri là 5-1 để kiểm soát tăng huyết áp và duy trì một sự cân bằng trong cơ thể. Có rất nhiều thực phẩm được chế biến từ khoai tây. Khoai tây cũng rất giàu magiê, giúp giảm căng thẳng và cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể.

Cà chua: Bột cà chua hay cà chua xay nhuyễn là nguồn cung cấp kali rất lớn. Một phần tư chén bột cà chua cung cấp 664 mg khoáng chất quan trọng này, trong khi một nửa cốc cà chua nghiền lại chỉ chứa 549 mg, nước ép cà chua thì chỉ có hơn 400 mg. Vì vậy, để nhận được nhiều hơn lượng kali cho cơ thể với chế độ ăn uống từ cà chua, hãy sử dụng nước xốt cà chua thay thế cho các cách nấu khác.

Củ cải đường: Củ cải đường khi nấu chín có vị hơi đắng nhưng lại xứng đáng có một vị trí nhất định trên bàn ăn vì nó đóng góp tới 664 mg kali trong nửa chén rau. Củ cải đường là chất chống ôxy hóa, một nguồn cung cấp tuyệt vời folate dù sống hay đã nấu chín.

Rau cải cúc: có chứa những chất kiềm mật có tác dụng hạ huyết áp, bổ não, những chất xơ thô tốt cho tiêu hóa, thông tiện và giảm cholesterol.

Rau diếp: chứa lượng kali cao gấp 27 lần lượng natri, tỷ lệ này rất có lợi cho sự cân bằng nước trong cơ thể và sự đào thải cặn bã, tăng cường bài tiết nước tiểu, giúp hạ huyết áp.

Măng tây: Trong măng tây có chứa nhiều kali giúp làm hạ huyết áp và axít amin như amides cùng một ít natri có công dụng chữa phù nề. Các nguyên tố này trong quá trình tiêu hóa cũng giúp chống mệt mỏi. Là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng rất cao, măng tây chứa nhiều vitamin A, vitamin B tổng hợp, vitamin C, kali, phốt- pho, kẽm, xen-luy-lô thô, axít folic, giúp giảm cân và phòng ngừa bệnh tim.

Sữa chua: Một cốc sữa chua không chất béo chứa 579 mg kali, trong khi sữa chua chứa nhiều chất béo sẽ có ít hơn hàm lượng này một chút. Các sản phẩm sữa chua chứa nhiều men vi sinh, có thể hỗ trợ tiêu hóa và giữ cho đường ruột luôn được khỏe mạnh.

Ngao: Mỗi 100 g ngao chứa khoảng 534 mg kali và có nồng độ vitamin B12 cao nhất trong bất kỳ loại thực phẩm nào.

Mận khô: Thực phẩm này vừa giàu kali và canxi nên rất tốt cho sức khỏe khi sử dụng đều đặn. Ăn nhiều mận khô sẽ giúp cho xương chắc khỏe, tránh được các nguy cơ loãng xương song lượng canxi có trong thức ăn cũng giúp làm giảm huyết áp.

Nước cà rốt: Mỗi cốc nước ép cà rốt có chứa 500 mg kali. Do đó, sử dụng cách ép là phương pháp hiệu quả nhất để nhận được tối đa kali trong cà rốt. Bên cạnh lợi ích về kali, cà rốt và các loại trái cây, rau quả màu vàng rất tốt cho mắt nhờ sự có mặt của chất carotene.

Chuối: Là thực phẩm giàu kali, một quả chuối trung bình chứa 400 mg khoáng chất có lợi cho tim. Chuối cũng là một loại đồ ăn có thể lấp đầy dạ dày trống rỗng khi đói, giúp thúc đẩy sự trao đổi chất trong cơ thể

Cá: Kali có rất nhiều trong cá và hải sản nên hãy thường xuyên bổ sung chúng vào chế độ ăn. Các loại cá bơn hay cá ngừ chứa đến 500 mg kali trong 100 g. Mặt khác, việc thường xuyên ăn cá làm tăng tuổi thọ, nhờ một phần lớn các chất béo lành mạnh trong cá tươi làm giảm 35% nguy cơ tử vong do mắc bệnh tim. Đây là một nghiên cứu đã được Trường Đại học Harvard (Mỹ) kiểm chứng.

Sữa: Trong sữa chứa rất nhiều kali. Mỗi cốc sữa chứa 382 mg kali, dù là loại có chất béo hay không béo.

Nước cam: Một cốc nước cam cung cấp 355 mg kali. Đây là một trong những thực phẩm bổ sung sức khỏe nên dùng thường xuyên vào các bữa ăn sáng.

 


Ý kiến của bạn