Lần đầu tiên tôi quyết định viết, có lẽ vì muốn lưu giữ những kỷ niệm đẹp cho riêng mình, cũng có lẽ vì sự thôi thúc nào đó trong sâu thẳm lòng mình. Những cung đường chúng tôi đi qua, những con người chúng tôi gặp mặt, những câu chuyện mắt thấy tai nghe đều là những trải nghiệm đặc biệt. 5 anh em chúng tôi bắt đầu hành trình vào sáng sớm một ngày cuối tuần khi những đám mây còn cuốn quanh che mờ các đỉnh núi, từ TP. Hà Giang theo chân đoàn bác sĩ tình nguyện của BV Mắt Hà Giang đến khám và mổ miễn phí cho đồng bào huyện Đồng Văn và Mèo Vạc.
Điểm dừng chân đầu tiên: Trạm Y tế xã Lao Và Chải
2 nhân viên y tế trực trạm vồn vã đón tiếp và đưa chúng tôi đi tham quan cơ sở là một tòa nhà 2 tầng khang trang, với các phòng làm việc, buồng đỡ đẻ, tủ thuốc, tủ hồ sơ, góc vui chơi cho trẻ em khá gọn gàng. Có thể chủ quan mà nhận thấy sắp xếp, trang bị của trạm còn khá hơn nhiều cơ sở tương đương của các tỉnh miền xuôi. Mỗi hộ dân nơi này được theo dõi việc KCB thông qua một cuốn sổ sức khỏe hộ gia đình lưu tại trạm.
Lúc chúng tôi đến trạm chỉ có 1 bệnh nhi đang nằm lưu theo dõi từ hôm trước. Vì nhà xa, trên tít đỉnh núi nên bố mẹ cháu cũng ở lại trạm luôn. Hỏi han thì được biết cháu bé đến khám vì sốt, ho nhẹ và khó thở. Rồi trong lúc mẹ cháu xốc nách chuyển đổi tư thế chuẩn bị cho cháu bú, một khoảng bụng của cháu vô tình lộ ra, và theo phản xạ nghề nghiệp, tôi reo lên: sởi rồi. Các anh em trong đoàn cùng quay lại hội chẩn tại chỗ, chẩn đoán sởi được xác định vì ban nổi khá điển hình, chỉ có triệu chứng viêm long là chưa rõ ràng. Chỉ định phương án điều trị rồi, chúng tôi còn nhờ chị y sĩ của trạm thông dịch giúp một số điều căn dặn người mẹ trẻ để chăm sóc con.
Rời trạm mà niềm vui vẫn còn lâng lâng trong tôi. Vui vì sau bao năm không theo đuổi lâm sàng mà những gì mình đã học vẫn không hề bị mai một, lại vui vì đã làm được một việc thiết thực giúp đồng bào.
Điểm dừng chân thứ 2: Trạm Y tế xã Lũng Cú
Xe đến điểm cực Bắc Tổ quốc đúng lúc trời mưa như trút, vì vậy chúng tôi quyết định ghé thăm trạm y tế xã nơi đây. Chúng tôi dễ dàng nhận thấy đây là thiết kế, xây dựng, trang bị có hệ thống cho tất cả 196 trạm y tế xã của tỉnh.
Mặc dù trời mưa nhưng bà con đang tập trung tại trạm rất đông. Thì ra hôm nay Học viện Quân y phối hợp với Ban Quân y - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang mang cả thiết bị chụp Xquang đến trạm để khám sàng lọc phát hiện lao cho đồng bào. Trò chuyện với đồng chí Trạm trưởng là cử nhân điều dưỡng, được biết hoạt động phối hợp quân dân y như thế này diễn ra khá thường xuyên. Anh em nhân viên y tế của trạm cũng rất phấn khởi được đón tiếp các đoàn của BCH Quân sự tỉnh hay đoàn bác sĩ tình nguyện của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trực thuộc Sở Y tế đến khám và phát thuốc cho bà con. Chả thế mà chỉ có 2 anh em trực tại trạm nhưng sẵn sàng thức khuya đến 2 - 3 giờ sáng để kê dọn, sắp xếp khu vực bàn khám.
Ghé thăm BVĐK huyện Mèo Vạc
Chúng tôi đến bệnh viện (BV) đã là 17 giờ 30. Đón tiếp chúng tôi là BS. Mạnh, Giám đốc BV và kíp trực. Khu vực phòng khám bố trí khá ngăn nắp, đúng quy trình. Quy trình khám bệnh theo Quyết định 1313 của Bộ trưởng Bộ Y tế được in to, rõ ràng ở Khoa Khám bệnh. Biển chỉ dẫn ở đây chỉ là những tờ giấy A4 in chữ dán trên tường nhưng rõ ràng, dễ hiểu. 100% các buồng bệnh của Khoa Hồi sức cấp cứu được trang bị điều hòa 2 chiều để đảm bảo phục vụ người bệnh trong điều kiện thời tiết mùa đông vô cùng khắc nghiệt của vùng cao.
Với điều kiện kinh tế quá khó khăn, việc cải tạo cơ sở vật chất BV thật là bài toán nan giải cho người quản lý BV. Thăm khu xử lý nước thải của BV, hệ thống này đã được lắp đặt nhưng chưa hoàn thành vì đang làm dở, khi có Nghị quyết 11 thì công trình phải tạm dừng. Với việc huy động tối đa nguồn lực, BV cũng đã hoàn thành khu bếp ăn để phục vụ bà con đồng bào dân tộc. Tại đây, hàng tuần BV tổ chức bữa ăn miễn phí phục vụ bệnh nhân. Anh Mạnh cũng chia sẻ về đời sống khó khăn của cán bộ nhân viên y tế BV. Gần đây, BV mới được xếp vào khu vực các huyện nghèo miền núi đặc biệt khó khăn khu vực 3C nhưng phụ cấp thì chưa ai được lĩnh. Những nhân viên không phải dân bản địa thì đều phải đi thuê nhà ở vì tỉnh đang đầu tư xây dựng nhà công vụ nhưng ưu tiên cho ngành giáo dục trước. Tiền thuê nhà và giá sinh hoạt ở đây đều cao hơn so với vùng thấp.

Trẻ suy dinh dưỡng được điều trị tại Bệnh viện huyện Mèo Vạc.
Nhân viên y tế khó khăn, người dân lại càng khó khăn hơn. Chỉ ăn ngô là chính với món mèn mén dẫn đến hậu quả nhiều bà con dân tộc bị thiếu vi chất, đặc biệt là vitamin A nên bệnh khô mắt, mù lòa khá phổ biến. Chúng tôi được tận mắt chứng kiến một trường hợp bệnh nhi bị suy dinh dưỡng thể Marasmus rất nặng đang nằm điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu của BV, cháu đã hơn 3 tuổi mà chỉ nặng có 7kg, đang bị viêm phổi nặng. Gặp trường hợp này, anh em chúng tôi ngay lập tức bàn cách huy động sự hỗ trợ để cứu cháu. Qua mạng lưới các nhà hảo tâm, BS. Hà - Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Giang đã huy động được 3 triệu đồng chuyển BV để hỗ trợ cho cháu, tiếp đó là góp ý về phương án điều trị dinh dưỡng cho cháu. BS. Mạnh cũng là người đã từng đích thân cho máu đến 6 lần/năm để cứu sống người bệnh, cũng là do tập tục của đồng bào dân tộc là không bao giờ hiến máu để cứu người nhà. Sự gian khổ, sự hy sinh cho nghề lớn lao như vậy mà được anh kể lại thật nhẹ nhàng, giản đơn như cái lẽ thường tình, đương nhiên trong cuộc sống. Phải chăng bài học về y đức, về trách nhiệm nghề nghiệp đâu cần đao to búa lớn gì, nó vẫn đang hiển hiện hàng ngày, hàng giờ tại vùng cao đầy khó khăn như Hà Giang.
Bữa tối đầm ấm tại nhà riêng của tân bác sĩ người dân tộc Lô Lô
Đó là BS. Bình, người vừa tốt nghiệp khóa đào tạo BS chuyên tu tại ĐH Y Thái Nguyên. Đến nơi thấy cả gia đình, không, đúng hơn là cả khu phố đang tưng bừng chia vui cùng em. Chúng tôi cảm nhận được niềm tự hào ngời lên trong ánh mắt của những người Lô Lô vì em là BS đầu tiên của gia đình mình, khu phố mình và cả dân tộc mình nữa. Có lẽ vì niềm vui quá lớn, cũng có lẽ vì em hiểu trách nhiệm lớn lao đang chờ đợi mình phía trước nên em tâm sự với chúng tôi là 5 ngày nay từ lúc nhận bằng tốt nghiệp em đã thức trắng không ngủ. Chúc cho em bước đến với con đường nghề nghiệp nhiều thành công!
Trong bữa cơm ấm cúng, chúng tôi được nghe kể câu chuyện tình thật đẹp của bố mẹ BS. Bình. Mẹ em là người Kinh, quê Thái Bình. Ngày ấy bà là cô dân công chiến dịch Điện Biên Phủ hỏa tuyến, nơi khói lửa chiến trường bà đã gặp và phải lòng anh lính đẹp trai, chất phác người dân tộc Lô Lô, chính là bố BS. Bình sau này. Ngày hòa bình, bà đã quyết chí rời xa quê hương theo ông về Hà Giang định cư, lập nghiệp, gắn bó với mảnh đất này và trở thành một phần của cộng đồng dân tộc Lô Lô.
Buổi sáng trên vùng cao Mèo Vạc
Vừa bước chân vào quán ăn sáng đã có cụ bà hồ hởi: “Chào BS. Hà, bác mổ mắt cho tôi, giờ sáng lắm”. Một bà cụ đã nhận ra BS. Vũ Mạnh Hà, Chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ Hà Giang, Phó Giám đốc BV Mắt Hà Giang. BS. Hà hỏi han tình hình sức khỏe và tận tình tư vấn thêm cho bà cụ. Anh chia sẻ, trong hơn chục năm theo chuyên khoa mắt, anh đã khám, mổ cho hàng nghìn trường hợp, vì thế thực sự bác sĩ chẳng thể nào nhớ hết người bệnh nhưng anh đi đến đâu trong tỉnh Hà Giang cũng được người bệnh nhận ra, chào hỏi, cảm ơn. Theo anh, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của người bác sĩ. Với chúng tôi, đó không chỉ là niềm vui mà còn là niềm tự hào thực sự của những người làm nghề y, trong khoảnh khắc này, nó đang lan tỏa tới tất cả chúng tôi, những anh em bác sĩ trong đoàn.
Chuyện BS. Mạnh được điều động nhận nhiệm vụ tại BVĐK Mèo Vạc khiến gia đình anh bỗng chia thành một chốn mấy nơi: anh lên Mèo Vạc công tác, vợ và con gái nhỏ vẫn ở lại Bắc Quang vì chị cũng còn công việc không thể bỏ hay chuyển ngay được, còn cô con gái lớn học giỏi đã thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh Hà Nam nên bắt buộc phải gửi về quê ở cùng ông bà nội cho tiện việc học hành.
Hai câu chuyện mắt thấy tai nghe chỉ trong thời điểm một bữa sáng mà như vẽ lên đầy đủ 2 mảng màu đối lập trong bức tranh cuộc sống của người làm nghề y: đầy niềm vui và tự hào với thành công trong chuyên môn, trong sự nghiệp cứu người, đổi lại là cả sự hy sinh của cá nhân và gia đình với biết bao khó khăn, toan tính trong cuộc sống đời thường mà chẳng được mấy ai biết đến để chia sẻ, cảm thông.
Phiên chợ vùng cao
Nói như anh Mạnh thì đó là cách nhanh nhất để thích nghi với cuộc sống nơi đây. Chợ cũng chỉ họp một tuần một lần vào ngày chủ nhật.
Trên đường đến chợ, ngang qua sân vận động huyện, anh em chúng tôi đã thấy nhộn nhịp với hàng trăm lồng chim được phủ nhiễu đỏ. Hỏi ra mới biết hôm nay là ngày hội chọi chim. Thoạt nghe thấy rất lạ tai, nhưng đồng bào ở đây nuôi chim họa mi là để tham gia những hội chọi thế này. Và không ngờ, chim họa mi trông hiền lành làm vậy mà lúc thi đấu cũng thật dữ dội, quyết liệt đến một mất một còn.
Rời hội chọi chim, chúng tôi thẳng tiến đến chợ. Phiên chợ thật tấp nập, đông đúc, ai cũng xúng xính những bộ váy áo lấp lánh, nhiều màu vui mắt. Chợ được phân chia thành nhiều khu vực: khu ẩm thực, khu bán lương thực - thực phẩm, khu mua bán gà, lợn, bò, dê, chó... Thật không uổng phí công sức đến tận nơi để khám phá nét văn hóa mà nếu chỉ du lịch qua màn ảnh nhỏ chúng ta chẳng thể nào được biết.
Sự ghi nhận dành cho ngành y tế
Có thể nói, thầy thuốc làm công tác y tế tại Hà Giang được đánh giá rất cao. Tỷ lệ các cá nhân là lãnh đạo ngành y tế đã bước sang hàng ngũ lãnh đạo chính quyền gần như cao nhất toàn quốc, đơn cử như: BSCKII. Trần Đức Quý - nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Giang mới nhậm chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh. BS. Quý cũng là vị bác sĩ có tuổi đời trẻ nhất toàn quốc khi được tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân. BS. Quý đã có thời gian 3 năm làm bác sĩ điều trị, 7 năm làm Giám đốc BV huyện Yên Minh, là bác sĩ phẫu thuật và rất có uy tín trong phẫu thuật nội soi, được bà con dân tộc Hà Giang quý mến. Việc câng cao chất lượng khám, chữa bệnh được BS. Quý rất quan tâm. Hà Giang là tỉnh thứ hai thành lập Hội đồng Quản lý chất lượng của Sở Y tế. Sở chỉ đạo sát sao các BV triển khai hội đồng quản lý chất lượng, tổ quản lý chất lượng và mời Bộ Y tế lên hướng dẫn việc triển khai Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng và lập kế hoạch cho quản lý chất lượng. Điều đó thể hiện sự quan tâm và nhãn quan, tầm nhìn của một vị lãnh đạo trẻ. Ngoài BS. Quý, khi ghé thăm Yên Minh, chúng tôi được trò chuyện, gặp mặt BS. Khu, hiện là Chủ tịch UBND huyện Yên Minh. BS. Khu nguyên là Giám đốc BV huyện Yên Minh, người đã có nhiều đóng góp đưa BV huyện Yên Minh trở thành BV khu vực hạng 2 của tỉnh với sự phát triển kỹ thuật ngang tầm với nhiều BV tỉnh ở miền xuôi.Đây phải chăng là sự ghi nhận của ngành, của địa phương đối với nghề y. Hy vọng nó đánh dấu bước tiến quan trọng đến tương lai đầy hứa hẹn cho ngành y tế tỉnh Hà Giang.
Để kết cho ký sự này có lẽ là hình ảnh anh chị em ngành y tế Hà Giang, khoác vai nhau hát vang đầy say sưa, đầy tự hào “Đây Hà Giang quê chúng tôi”. Không lời khẳng định nào mạnh hơn thế, họ đã đều coi mảnh đất này là quê hương, đồng bào ở đây là ruột thịt, cam kết tiếp tục hy sinh, cống hiến cho ngành, cho nghề dù còn vô vàn khó khăn, gian khổ.
Rời Hà Giang trong lưu luyến, chúng tôi cũng thấy mình được tiếp thêm niềm tin, sự kiên trì để theo đuổi đến tận cùng con đường mình đã chọn, cái nghề hành thiện tích đức cho đời.
Bài, ảnh: VƯƠNG-HÀ-TRỌNG-THANH
Hà Giang, ngày cuối tháng 7/2014