Hà Giang thực hiện nhiều giải pháp nâng cao sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số

15-11-2023 16:31 | Xã hội

SKĐS - Thực hiện Chương trình MTQG 1719 trong lĩnh vực y tế, ngành y tế Hà Giang đã chủ động tham mưu, thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào sinh sống ở vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn.

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số

Với đặc thù là tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với dân số trên 89,2 vạn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 87,7%. Điều kiện kinh tế - xã hội của Hà Giang còn nhiều khó khăn do tỷ lệ hộ nghèo cao (hộ nghèo chiếm tỷ lệ 37,08%, hộ cận nghèo 12,87%).

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt các Chương trình MTQG, ngành y tế được giao thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trạm, trung tâm y tế; tăng cường chất lượng dịch vụ mạng lưới y tế cơ sở; đẩy mạnh hệ thống theo dõi, khám chữa bệnh trực tuyến; cải thiện sức khoẻ, phụ nữ và trẻ em...

Ngành y tế tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai các Chương trình MTQG đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức để người dân cùng tham gia vào các hoạt động y tế, chăm sóc sức khỏe.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng triển khai đầu tư nhiều dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số…

Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Sở Y tế tỉnh Hà Giang phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh thống nhất các mục tiêu, nội dung và nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 của các huyện, thành phố. Phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát lại danh mục đầu tư các trạm, trung tâm y tế. Đồng thời hướng dẫn triển khai thực hiện đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý tại huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì.

Hà Giang thực hiện nhiều giải pháp nâng cao sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 1.

Khám mắt cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Văn (Hà Giang). Ảnh: Văn Hào

Tạo điều kiện cho đồng bào được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao

Để tạo thuận lợi cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở các khu vực vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, ngành y tế Hà Giang xác định tập trung củng cố và nâng cao chất lượng mạng lưới y tế tuyến cơ sở, thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao sức khỏe cho đồng bào.

Thực hiện Dự án 7 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với TTYT các huyện vùng cao Quản Bạ, Hoàng Su Phì và Xín Mần tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức, kỹ năng truyền thông truyền thông chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cho cán bộ các ban, ngành, đoàn thể và cán bộ y tế tuyến xã.

Các lớp tập huấn tập trung phổ biến nội dung về chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ mang thai và sau sinh, chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh; một số hình thức truyền thông giáo dục sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại cộng đồng.

Hà Giang cũng là 1 trong 5 tỉnh triển khai các hoạt động phòng bệnh Thalassemia, một căn bệnh thiếu máu mạn tính do tan máu, di truyền từ bố mẹ sang con gây ra nhiều tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn tới chất lượng dân số, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Hà Giang thực hiện nhiều giải pháp nâng cao sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 2.

Lấy máu xét nghiệm sàng lọc tan máu bẩm sinh cho các em học sinh dân tộc thiểu số.

Thực hiện các giải pháp can thiệp hiệu quả để phòng bệnh cho đồng bào, hướng tới mục tiêu giảm số ca phù thai, giảm số trẻ sinh ra bị bệnh, từng bước nâng cao chất lượng điều trị tại các cơ sở y tế, kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân mắc, Sở Y tế tỉnh vừa phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức lớp tập huấn nâng cao nhận thức về bệnh tan máu bẩm sinh cho cán bộ, nhân viên TTYT các huyện, thành phố.

Chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số nhanh là một nội dung thuộc Dự án 7 thuộc Chương trình MTQG 1719. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, giai đoạn 2021-2025, mỗi năm có 60% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần tại các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Hiện toàn tỉnh Hà Giang có gần 77.000 người cao tuổi, chiếm 8,62% dân số, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở vùng nông thôn, đời sống còn khó khăn. Triển khai công tác này, tỉnh Hà Giang có nhiều hoạt động nhằm chăm lo mọi mặt đời sống để người cao tuổi sống vui, khỏe, có ích.

Đến nay, 100% các trạm y tế và phòng khám đa khoa khu vực đã triển khai thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám sức khỏe định kỳ, lập sổ quản lý theo dõi sức khỏe người cao tuổi; thực hiện khám, chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi không có điều kiện đến cơ sở y tế.

Tỉnh Hà Giang cũng vừa phối hợp với huyện Bắc Mê tổ chức lễ phát động hưởng ứng Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Hoạt động này giúp người cao tuổi là đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ và cách phòng tránh một số bệnh hay gặp ở người cao tuổi như: tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, xương khớp...; chú ý phát hiện sớm dấu hiệu mắc bệnh để đi khám và điều trị kịp thời.

Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 tạo "cú hích' phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bình ĐịnhChương trình mục tiêu quốc gia 1719 tạo 'cú hích" phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bình Định

SKĐS - Việc thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 chính là 'cú hích' quan trọng giúp cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào DTTS và nhân dân tỉnh Bình Định nói chung và huyện An Lão nói riêng.

Xem thêm video đang được quan tâm

Những điều có thể bạn chưa biết về nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam


Thu Vân
Ý kiến của bạn