Hà Nội

Hà Giang: Thúc đẩy phát triển cây dược liệu gắn liền phát triển kinh tế xã hội

13-12-2022 14:12 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Phát triển vùng trồng dược liệu là hướng đi phát triển kinh tế phù hợp, góp phần làm thay đổi bộ mặt nhiều khu vực vùng núi của tỉnh Hà Giang thời gian qua.

Việc phát triển cây dược liệu trong thời gian qua được xem là hướng hiệu quả của các tỉnh thành miền núi phía Bắc, đây cũng được xác định là mục tiêu quan trọng góp phần xoá đói, giảm nghèo cho nhân dân, đặc biệt là các dân tộc vùng cao, biên giới. 

Ngày 17/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu của Chương trình không chỉ phát triển cây dược liệu mà còn bảo tồn, xây dựng các phương thức canh tác nông - lâm kết hợp bền vững. Việc thực hiện thành công Chương trình sẽ góp phần quan trọng cải thiện môi trường, tăng thu nhập chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ổn định dân cư, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Hà Giang: Thúc đẩy phát triển cây dược liệu gắn liền phát triển kinh tế xã hội - Ảnh 1.

Vùng trồng dược liệu là hướng đi đúng đắn của tỉnh Hà Giang. Ảnh: Dương Tú

Một trong những địa phương đã gặt hái được nhiều thành công gắn liền với phát triển cây dược liệu là Hà Giang. Với điều kiện khí hậu của tỉnh vùng cao núi đá, độ cao trung bình 700m so với mực nước biển; nhiệt độ trung bình hàng năm 20 – 230C, độ ẩm trung bình 80%, Hà Giang hiện có trên 1.560 loài dược liệu, thuộc 824 chi, 202 họ; chiếm hơn 39% số loại dược liệu của cả nước; 51 loài cây thuốc quý, hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam; 97 loài nằm trong diện bảo tồn cấp Quốc gia. Toàn tỉnh Hà Giang có trên 10.800 ha dược liệu, phân bố ở hầu hết các huyện, thành phố. 

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đến nay chưa bị tác động của ô nhiễm và các chất thải công nghiệp, có thể thấy đây là tiềm năng chưa được khai thác. Cùng với địa bàn phân bổ rộng, lợi thế về khai thác sản phẩm cao và thị trường tiêu thụ trong những năm gần đây rất sôi nổi với nhiều chủng loại khác nhau như: Nghệ, củ Bình vôi, cây hoa 1 lá, Thảo quả, Hương thảo... 

Hà Giang: Thúc đẩy phát triển cây dược liệu gắn liền phát triển kinh tế xã hội - Ảnh 2.

Sâm Ngọc Linh được nhân giống tại huyện Hoàng Su Phì. Ảnh: Dương Tú

Với địa hình độ cao hơn 1500m so với mặt nước biển, diện tích rừng hơn 35.000 ha, rừng tự nhiên hơn 28.000 ha, Huyện Hoàng Su Phì là khu vực được đánh giá có nhiều lơi thể trong việc phát triển vùng trồng dược liệu trọng điểm của tỉnh. 

Hiện huyện đang tập trung rà soát quy hoạch, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các HTX, tổ hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp với điều kiện của địa phương. Đồng thời, chú trọng tư vấn, chọn lọc giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu.

Cùng với đó, Hoàng Su Phì đang tập trung thu hút đầu tư vào trồng và chế biến, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho người dân; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giá trị kinh tế từ cây dược liệu của địa phương; điều tra, đánh giá đúng thực trạng sử dụng tài nguyên rừng và đất rừng để có chính sách cụ thể phát triển vùng dược liệu, cây thuốc Nam...

Trong cuộc họp với Bộ Y tế ngày 12/5/2022, lãnh đạo UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết, hiện huyện đã hoàn thành khảo sát tiền khả thi trong việc xây dựng vùng trồng dược liệu quý tại các xã trọng điểm như Hồ Thầu, Nậm ty,...; Phối hợp với các sở ngành trong việc rà soát đất rừng và một số khu vực để liên kết với các doanh nghiệp trong việc phát triển vùng trồng chè; nâng cấp hệ thống vùng trồng tại một số đơn vị,...

Hà Giang: Thúc đẩy phát triển cây dược liệu gắn liền phát triển kinh tế xã hội - Ảnh 3.

Lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì làm việc với Bộ Y tế về đề án phát triển vùng trồng dược liệu trên địa bàn. Ảnh: Dương Tú

Trong thời gian tới, huyện Hoàng Su Phì cho biết sẽ đẩy mạnh khuyến khích người dân tiếp tục chăm sóc, phát triển trồng cây dược liệu trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn định hướng phát triển trồng dược liệu, kết hợp tìm đầu ra cho cây dược liệu. 

Xác định việc xây dựng vùng trồng dược liệu theo chuỗi giá trị sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống nhân dân, huyện Hoàng Su Phí cũng đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp lớn trong ngành dược liệu, kết hợp đầu tư từ các khâu trồng, chế biến và tiêu thụ dược liệu.

Với những định hướng đúng, chiến lược phát triển lâu dài, cây dược liệu trên địa bàn sẽ là một trong những cây trồng mới được đưa vào cơ cấu mùa vụ, điều đó cũng phù hợp với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng của tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân địa phương, góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương.

Xem thêm video được quan tâm:

"Vẽ Bệnh, Moi Tiền" Loạt Phòng Khám Bị Xử Lý I SKĐS






Minh Ngọc
Ý kiến của bạn