Mất cân bằng giới tính tác động tiêu cực đến công tác dân số
Tỷ số giới tính khi sinh của thành phố Hà Giang năm 2020 rơi vào nhóm mất cân bằng cao với 120 trẻ trai/100 trẻ gái (mức cân bằng tự nhiên là 103-107 trẻ trai/100 trẻ gái).
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ảnh hưởng lớn tới chất lượng dân số, cũng như công tác an sinh xã hội. Về lâu dài dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ ở độ tuổi kết hôn và sinh đẻ, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện thành phố có 14.553 hộ, 55.448 khẩu. Trong 9 tháng qua, có 381 trẻ được sinh, trong đó số trẻ em gái 179, bé trai 202, chiếm tỷ số 112 trẻ trai/100 trẻ gái.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân
Để kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, công tác tuyên truyền được xác định là giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao nhận thức của người dân về những hệ luỵ của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đối với sự phát triển bền vững của mỗi gia đình và xã hội.
Các hoạt động tuyên truyền được Trung tâm DS-KHHGĐ thành phố triển khai dưới nhiều hình thức: Tổ chức 2 lớp tuyên truyền, bồi dưỡng cho cán bộ dân số 8 xã, phường và cộng tác viên dân số thôn, bản, tổ nhân dân về kỹ năng tư vấn, tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh; Thực hiện truyền thông nội dung "Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh" năm 2021 lồng ghép với các nội dung DS-KHHGĐ, dưới hình thức gặp mặt đối tượng tại hộ được 1.142 lần với 2.368 đối tượng được tuyên truyền, nhằm thay đổi tư tưởng trọng nam khinh nữ.
Đồng thời Trung tâm cũng đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng và thay đổi hành vi đối với việc giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh thông qua đội ngũ cán bộ dân số cơ sở...
Bà Dương Thị Vân, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ thành phố Hà Giang cho biết: Ngoài hình thức truyền thông trực tiếp, Trung tâm còn triển khai rà soát, bổ sung, xây dựng các mô hình hỗ trợ, nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em gái, tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc sinh hoạt câu lạc bộ và các mô hình như "5 không 3 sạch". Từ đó, thúc đẩy hơn nữa vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội, đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vị thế và quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội…
Thời gian tới, Trung tâm DS-KHHGĐ thành phố tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục về DS-KHHGĐ; Triển khai thực hiện các đề án nâng cao chất lượng dân số, xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái, gia đình chỉ sinh 1 hoặc 2 con; Tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, sử dụng các biện pháp tránh thai, kỹ năng nuôi con khỏe mạnh; Nâng cao quyền phụ nữ, khả năng kiểm soát của nữ giới đối với việc sinh sản.
Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, rất cần sự chung tay của toàn xã hội trong tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của người dân và chính những người thân trong gia đình.
Xem thêm video đang được quan tâm
Vaccine Covid-19 sẽ tiêm mỗi năm một lần như cúm?