Sáng 30/6, theo đoàn cán bộ Sở y tế tỉnh, chúng tôi đã có mặt tại Trạm y tế xã Phương Độ, mới 8 giờ sáng nhưng tại đây đã diễn ra nhiều hoạt động như một ngày hội, rất đông sự có mặt của các bậc phụ huynh đưa trẻ nhỏ đến tập trung tại đây, cùng với băng rôn, biểu ngữ và hệ thống loa đài phát thanh ra rả, tuyên truyền về các về các hoạt động của Ngày vi chất dinh dưỡng (Ngày VCDD)… Chia sẻ với chúng tôi, y sĩ Nguyễn Thị Thanh Hồng, trạm trưởng trạm y tế xã cho biết: tại đây đang diễn ra các hoạt động bổ sung vitamin A cho trẻ trong độ tuổi 6 – 60 tháng, đo chiều cao cho trẻ và tuyên truyền gián tiếp qua hệ thống phát thanh, phát tờ rơi và tiến hành trực tiếp tư vấn cho người dân về vai trò của vitamin A với trẻ nhỏ, đa dạng hóa bữa ăn từ những thực phẩm săn có ở địa phương và bổ sung các thực phẩm có bổ sung VCDD…
Bổ sung vitamin A cho trẻ trong độ tuổi tại xã Phương Độ, TP Hà Giang.
Cũng theo y sĩ Hồng, hôm nay có khoảng trên 300 cháu thuộc thôn vùng thấp được bổ sung vitamin A, do là ngày Chủ nhật, không đi nhà trẻ nên các cháu được đưa đến đây khá đầy đủ. Ngay mai, ngày kia sẽ tổ chức cho các thôn vùng cao, sau đó tiến hành rà soát, thiếu trường hợp nào chúng tôi sẽ gọi điện hay cùng với công tác viên thôn bản đến tận nhà cho trẻ cho bổ sung vitamin A. Những năm trước tại Phương Độ, số trẻ trong độ tuổi được bổ sung vitamin A luôn đạt mức 98 -99%, chỉ có những trường hợp trẻ ốm có chống chỉ định với vitamin A, hay trường hợp trẻ không có mặt tại địa phương là chúng tôi sẽ lưu ý… Về tỷ lệ SDDTE, chi Hồng cho biết: so với khoảng 5 năm trước, tỷ lệ này ở Phương Độ đã giảm rất nhiều ở cả 2 chỉ số cân năng và chiều cao theo tuổi, hiện tương ứng ở mức 5,56% và 10,45%. Nhìn chung ý thức người dân ở đây đã có chuyển biến rõ rệt, họ tham gia tương đối đầy đủ các buổi sinh hoạt, lớp thực hành dinh dưỡng, chỉ có khó khăn ở 2 – 3 thôn vùng cao, do đường xá đị lại khó khăn, lại xa trạm y tế và có những đoạn dốc dựng đứng nên chúng tôi khá vất vả để triển khai các hoạt động dinh dưỡng…
Đo chiều cao cho trẻ trong Ngày VCDD 2016 tại xã Phương Độ, TP Hà Giang.
Trong đám đông, một bà cụ khoảng gần 70 tuổi đang cõng một đứa trẻ, tay cầm quyển số màu xanh đang đứng xếp hàng chờ đến lượt cho cháu được bổ sung vitamin A, chúng tôi tiếp cận, bà cụ cho biết: từ sáng sớm, chị cộng tác viên thôn bản đến thông báo, nhưng bố mẹ cháu bận nên tôi (bà nội) đưa cháu đến, ngoài việc bổ sung vitamin A tôi cũng muốn các các thầy thuốc kiểm tra lại quyển sổ theo dõi lịch tiêm chủng của cháu xem cháu đã tiêm đúng lịch chưa và còn phải tiêm thuốc gì nữa không. Còn chị Nguyễn Thị Hà, thôn Chôn Tha, tay bồng đứa trẻ, cho biết: cháu mới 3 tháng tuổi và vẫn đang bú sữa mẹ hoàn toàn, hơn hai tháng trước tôi đã được bổ sung vitamin A nhưng hôm nay vẫn đến đây để khám dinh dưỡng cho cháu và nghe tư vấn về cách chăm sóc trẻ nhỏ,…
Tư vấn và phát tờ rơi trong Ngày VCDD 2016 tại xã Phương Độ, TP Hà Giang.
Nhìn chung các ý kiến của các bậc phụ huynh khi đưa con đến đây họ đều ý thức được vai trò của vitamin A và VCDD nói chung là cần thiết cho trẻ để tăng trưởng, phát triển trí tuệ, tầm vóc, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tuy vậy, tại Hà Giang không phải xã nào, vùng nào cũng triển khai các hoạt động Ngày VCDD hay Tuần lễ dinh dưỡng phát triển được thuận lợi như tại xã Phương Độ nói riêng và các xã vùng thấp nói chung, do có nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan.
Chia sẻ về vấn đề này với chúng tôi, ông Đàm Văn Huynh, Phó giám đốc Sở y tế tỉnh cho biết: không được như các vùng đồng bằng, như Hà Nội các hoạt động triển khai Ngày VCDD chỉ diễn ra 2 ngày là mồng 1 và 2, còn trên này chúng tôi phải chuẩn bị trước hàng tháng trời và tổ chức thành từng cụm cho các cháu bổ sung vitamin A từ vài ngày trước đó. Do đường xá đi lại rất khó khăn, có những thôn chỉ cách trạm y tế vài km những không có đường giao thông, đi đến nơi phải mất nửa ngày trời. Các đồng bào vùng cao thì kinh tế đa phần còn nghèo, vào nhà tài sản của họ không có gì đáng giá, thay vì sử dụng lương thực chính là gạo, họ lại có thói quen (đây là thói quen) ăn ngô, chứ chưa nói gi đến việc đa dạng hóa bữa ăn… và như vậy thử hỏi tại sao tỷ lệ SDDTE những vùng này không ở mức cao.
Để từng bước tháo gỡ những khó khăn và mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng chống thiếu VCDD và giảm tỷ lệ SDDTE tại Hà Giang, cũng theo ông Huynh: như mọi năm, chúng tôi đã tăng cường chặt chẽ các hoạt động triển khai về công tác dinh dưỡng theo đúng sự chỉ đạo của Bộ Y tế mà cụ thể là Viện Dinh dưỡng quốc gia, đồng thời phối hợp với nhiều ban ngành tại các địa phương để tăng cường hơn nữa công tác giáo dục truyền thông cả trực tiếp và gián tiếp, chú trọng nhiều hơn đến các vùng cao. Tuy nhiên, năm nay chúng tôi còn gặp khó khăn do đến thời điểm này kinh phí trung ương để duy trì các hoạt động vẫn chưa có…