Cùng đó, tổ chức khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân, đào tạo quản lý bệnh mãn tính cho tuyến huyện, xã; xây dựng module phần mềm hỗ trợ quản lý sức khỏe cá nhân, hộ dân được tích hợp trên phần mềm quản lý y tế xã, phường liên thông. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn nhà thầu tiến hành in hồ sơ sức khỏe cá nhân theo mẫu quy định của Bộ Y tế; đã in 175.000 hồ sơ và phân bổ cho các huyện, thành phố triển khai thực hiện mô hình BSGĐ.
Theo đánh giá ban đầu về mô hình BSGĐ, người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu được đáp ứng và giải quyết ngay tại cơ sở; được phát hiện bệnh sớm nhằm tránh tình trạng bệnh nặng mới đi khám; góp phần giảm chi phí khám bệnh, thời gian đi lại, chờ đợi và giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến trên.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện mô hình BSGĐ trên địa bàn Hà Giang còn bộc lộ những vướng mắc, hạn chế cần sớm được giải quyết, vì là mô hình mới nên chưa được quan tâm đúng mức; việc cấp Chứng chỉ hành nghề BSGĐ cũng gặp khó khăn. Phí dịch vụ khám, chữa bệnh loại hình này còn mang tính tự phát, chưa được cơ quan quản lý Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán và chính người dân cũng chưa hiểu rõ về mô hình...
BSCKII. Lương Viết Thuần, Giám đốc Sở Y tế Hà Giang cho biết, ngành sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, huyện, thành phố dành nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho các trạm y tế xã; đào tạo nhân lực theo nguyên lý y học gia đình; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe để nâng cao nhận thức của người dân về mô hình BSGĐ.