4h46 phút, ngày 22.8, anh Đặng Văn Thuận 27 tuổi, thường trú tại thôn Vằng Luông, xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) đã được người nhà đưa đến BVĐK huyện Vị Xuyên trong tình trạng mắt nhìn mờ, sụp mi, há miệng khó, xuất tiết đờm rãi, không nói và không nuốt được, tím tái, da lạnh, thở yếu. Kết quả khám ban đầu cho thấy người bệnh mạch nhanh (107 lần/phút), huyết áp tăng (140/90mmHg), đồng tử giãn tối đa mất hết phản xạ, liệt tứ chi đồng đều, di động lồng ngực yếu, nghe phổi thông khí hai bên kém có ran ứ đọng.
Qua khai thác, được biết 6 tiếng trước khi vào viện, anh Thuận đã bị rắn cạp nia cắn vào ngón trỏ của bàn tay trái. Sau khi bị rắn cắn, anh đã tự hút máu bằng miệng rồi nhổ bỏ, nhưng khoảng 30 phút sau, anh bắt đầu có những biểu hiện khác thường. Tuy nhiên, thay vì đưa đến bệnh viện để xử trí thì người nhà lại đi tìm thầy lang lấy thuốc để đắp vào chỗ bị rắn cắn và uống, chỉ đến khi xuất hiện những dấu hiệu nguy kịch như trên người nhà mới đưa anh đến bệnh viện huyện để cấp cứu.
Anh Đặng Văn Thuận, những ngày đầu được cấp cứu và điều trị tại BVĐK huyện Vị Xuyên
Nhận định đây là ca bệnh khó và ít gặp vì anh Thuận bị rắn cạp nia cắn nhưng lại không được xử trí kịp thời, đến viện trong tình trạng rất nặng với những dấu hiệu như trên, mặt khác anh lại có tiền sử động kinh, hiện đang uống thuốc điều trị ngoại trú và đã từng mổ xử trí thông liên thất - hở van 3 lá. Ngay lập tức Ban Giám đốc và các bác sỹ khoa Hồi sức cấp cứu của BVĐK huyện Vị Xuyên đã tiến hành hội chẩn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với điều kiện của bệnh viện, đồng thời liên hệ với BVĐK tỉnh và Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai để hỗ trợ huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, tuy nhiên loại huyết thanh này hiện ở nước ta vẫn chưa có vì thế phương án tối ưu nhất được lựa chọn là điều trị bằng thở máy kéo dài. Để tránh khỏi các biến chứng như viêm phổi, viêm loét giác mạc, loét do tì đè và rối loạn điện giải đặc biệt là hạ natri máu, người bệnh đã được mở khí quản sớm, dùng kháng sinh toàn thân và nuôi dưỡng… Bên cạnh đó, công tác chăm sóc điều dưỡng rất được chú trọng, người bệnh được chăm sóc mắt, lăn trở để chống loét, vỗ rung lồng ngực, tập vận động chân tay…
Một kết quả rất đáng mừng, sau hơn hai mươi ngày được cấp cứu và điều trị tích cực tại BVĐK huyện Vị Xuyên, anh Thuận đã tự thở và đi lại được, các chỉ số sinh tồn ổn định, ngày 13.9 anh đã được xuất viện.
Sau hơn hai mươi ngày điều trị anh Thuận đã được xuất viện
Có thể thấy rằng, với tinh thần và trách nhiệm hết lòng vì người bệnh cũng như luôn ứng dụng những tiến bộ KHKT mới trong cấp cứu, điều trị và chăm sóc người bệnh trong thời gian qua mà gần đây nhất là ca mổ thành công cho 2 bé song sinh dính liền đã được Bộ trưởng Bộ Y tế, UBND tỉnh, UBND huyện Vị Xuyên động viên, khen ngợi. Đây là nguồn cổ vũ, động viên tập thể, cán bộ BVĐK huyện Vị Xuyên (Hà Giang) tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được để ngày càng thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân trên địa bàn.
Qua đây muốn cảnh báo tới cộng đồng, nếu phát hiện người bị rắn độc cắn phải cần phải tiến hành sơ cứu ngay bằng cách:
* Buộc garô trên vết cắn khoảng từ 3-5cm, sau đó tẩy nọc độc bằng cách rửa sạch vết rắn cắn, rạch nhẹ vết cắn hình chữ thập đến khi máu chảy (không nên rạch quá sâu để tránh rạch vào dây thần kinh, mạch máu hay dây chằng), nặn máu độc ra ngoài cho tới khi máu tươi chảy ra là được.
* Hút máu tại chỗ rắn cắn để đưa bớt độc tố ra khỏi cơ thể nạn nhân, hút đến khi thấy máu đỏ tươi chảy ra thì dừng lại. Sau đó rửa lại vết cắn rồi nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
* Lưu ý, không để nạn nhân tự đi lại, vì vận động sẽ làm tăng tốc độ lan tỏa của nọc độc. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nam để đắp hoặc uống, bởi không những không khỏi mà bệnh còn nặng nên, rất có thể nguy hiểm đến tính mạng của người bị rắn cắn.