Cháo ấu tẩu - Món ngon đặc sản của đồng bào Hà Giang
Ai đến Hà Giang cũng ít nhất một lần nghe đến món cháo ấu tẩu, một món ăn độc đáo được dân địa phương và nhiều du khách rất ưa thích.
Cách chế biến cháo ấu tẩu của đồng bào Hà Giang có bí quyết riêng. Theo các chủ quán cháo ấu tẩu lâu năm tại địa phương, về cơ bản, nguyên liệu là củ ấu tẩu được sơ chế, ngâm kỹ trong nước vo gạo một đêm, rửa sạch và hầm cho tới khi mềm, bở…
Sau nhiều công đoạn sẽ đem nguyên liệu đó nấu với gạo nương và hầm kỹ với xương, móng giò lợn đen… Cuối cùng cho thành phẩm là một món cháo có màu nâu đậm, khi ăn miếng đầu tiên có vị đắng nhẹ nhưng sau đó lại có vị ngọt, bùi, béo và đặc biệt rất thơm.
Người Hà Giang thường chọn cháo ấu tẩu là món ăn khuya bổ dưỡng. Nhiều người cho rằng, ngoài tác dụng giải cảm, bồi bổ xương cốt, xua tan mệt mỏi, ăn cháo ấu tẩu còn có tác dụng giúp ngủ ngon, do đó cháo ấu tẩu thường chỉ bán vào ban đêm.
Chế biến không đúng sẽ gây ngộ độc nặng
Như đã nói ở trên, món ăn này được làm từ nguyên liệu đặc biệt là củ ấu tẩu - một loại củ có chứa độc tính. Nếu không biết cách chế biến có thể gây ngộ độc nặng, nên người dân địa phương còn hay gọi là món "cháo độc dược".
Theo các tài liệu dược học, củ ấu tẩu (còn có tên gọi là gấu tàu, ấu tàu, thảo ô...), được thu hoạch từ cây ô đầu. Tại Việt Nam, cây mọc hoang ở tỉnh vùng núi cao. Cây ô đầu được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A, nhưng cũng là một vị thuốc quý đứng thứ 4 trong "tứ đại danh dược" (sâm, nhung, quế, phụ) sau khi được bào chế cẩn thận. Rễ củ được mô tả có hình nón, có màu đen, mọc thành chuỗi, có củ cái, củ con. Dưới thân cây, rễ cái phình thành củ giống như củ đậu, gọi là củ mẹ. Cạnh cổ rễ cái, mọc ra những củ con.
Theo Đông y, củ ấu tẩu thường được dùng làm rượu thuốc để xoa bóp chữa các chứng đau, tê, nhức, mỏi. Tuy nhiên, trong thành phần của nó chứa aconitin, là một chất rất độc. Thường chỉ dùng làm thuốc uống khi đã qua chế biến cẩn thận và được dùng với liều nhỏ, có sự chỉ định và theo dõi thận trọng của thầy thuốc.
Thành phần hóa học của ấu tẩu chủ yếu là aconitin, có độc tính cao, thuộc loại thuốc độc bảng A. Ngộ độc aconitin của ô đầu chủ yếu do uống quá liều thuốc có củ ấu tẩu, uống nhầm thuốc dùng xoa bóp ngoài da hoặc ăn phải rễ cây này. Ngộ độc củ ấu tẩu còn do ăn cháo khi chế biến không đúng cách.
Trên thực tế đã nhiều trường hợp bị ngộ độc do ăn cháo ấu tẩu chế biến không đúng cách và uống nhầm rượu ngâm ấu tẩu dùng để xoa bóp. Như trường hợp bệnh nhân Vũ Thị M. trú tại huyện Yên Bình, Yên Bái đã từng phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, vã mồ hôi, chân tay lạnh, người vật vã, mạch khó bắt, huyết áp tụt, da tái nhợt, tê lưỡi, nôn, hoa mắt chóng mặt…
Nguyên nhân do bệnh nhân tự tìm hiểu trên mạng thấy củ ấu tẩu có nhiều tác dụng nên đã tự tiến hành sơ chế và nấu cháo ấu tẩu để ăn. Tuy nhiên, do chế biến không đúng cách nên sau ăn khoảng 20 phút bắt đầu cảm thấy tê lưỡi, nóng mặt, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, đau đầu dữ dội, đau bụng, tức ngực, khó thở… Rất may được người nhà đưa đi cấp cứu kịp thời.
Hay như trường hợp 2 bệnh nhân Đoàn Đình L. và Trần Ngọc T. (cùng trú tại xã Tràng Đà, TP. Tuyên Quang) bị ngộ độc rượu ngâm củ ấu tẩu phải nhập viện trong tình trạng lơ mơ, vã mồ hôi, chân tay lạnh, vật vã, mạch khó bắt, huyết áp tụt, da tái nhợt, tê lưỡi, nôn, hoa mắt chóng mặt, có cơn ngừng thở kéo dài…
Tại cơ sở y tế, các bác sĩ đã phải tiến hành các biện pháp cấp cứu nhanh chóng, đặt nội khí quản, thở máy, rửa dạ dày, dùng thuốc chống loạn nhịp, sốc điện cấp cứu, bù dịch, dùng thuốc vận mạch... 2 bệnh nhân mới ổn định.
Xem thêm video đang được quan tâm:
WHO cảnh báo 4 nhóm thực phẩm dễ gây ngộ độc Botulinum.