Nguyên nhân gây hạ canxi máu
Hạ canxi máu do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân phổ biến là:
Lượng canxi cung cấp cho cơ thể không đủ: Nguyên nhân này thường gặp ở những đối tượng cơ thể có nhu cầu canxi cao như phụ nữ đang mang thai và cho con bú, trẻ em đang phát triển nhanh. Nếu cung cấp không đủ lượng canxi hàng ngày sẽ dẫn đến tình trạng hạ canxi máu.
Do suy tuyến cận giáp: Tuyến cận giáp có vai trò điều hòa số lượng canxi trong cơ thể. Khi mức hormone tuyến cận giáp thấp sẽ dẫn đến mức canxi trong cơ thể thấp. Suy tuyến cận giáp có thể được di truyền, cũng có thể do kết quả của phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp hoặc ung thư phần đầu và cổ.
Mắc hội chứng kém hấp thu do rối loạn tiêu hóa kéo dài: Làm giảm bài tiết parathyroid hormone gây hạ canxi máu, tăng photpho máu và thường gây nên cơn tetani mãn tính.
Ngoài ra, hạ canxi máu còn do các nguyên nhân khác như: Do sự thiếu hụt vitamin D; Hạ protein trong máu; Thiếu magie; Viêm tụy cấp; Do các bệnh lý ở thận như bệnh lý ống thận, suy thận... hoặc do uống các loại thuốc gây hạ canxi máu như thuốc chống động kinh, thuốc cản quang, dùng liều cao calcitonin…
Tình trạng tăng lắng canxi ngoài lòng mạch, tăng lắng phản ứng chelat lòng mạch, nhiễm trùng huyết, tăng phospho máu, tăng tiết calcitonin... cũng có thể là nguyên nhân khiến canxi trong máu bị tụt.
Biểu hiện của bệnh hạ canxi máu
Hạ canxi ở giai đoạn đoạn đầu có thể sẽ không có bất kỳ triệu chứng hoặc dấu hiệu đặc biệt nào. Tuy nhiên, một số người khi bị hạ canxi sẽ có các triệu chứng như:
- Cứng cơ bắp.
- Co thắt cơ bắp.
- Dị cảm hoặc cảm giác ghim và kim châm ở dưới chi.
- Thay đổi tâm trạng như lo âu, trầm cảm hoặc khó chịu trong người.
- Gặp những vấn đề về trí nhớ.
- Huyết áp thấp.
- Khó nói hoặc khó nuốt.
- Mệt mỏi.
- Phù gai thị hoặc sưng đĩa quang.
- Gây ngứa và tê ở môi, lưỡi, ngón tay, bàn chân.
Các dấu hiệu hạ canxi nặng hơn có thể kể đến như:
- Co giật.
- Rối loạn nhịp tim.
- Suy tim sung huyết.
- Co thắt thanh quản.
Một số triệu chứng lâu dài của tình trạng hạ canxi máu bao gồm:
- Da khô.
- Móng tay dễ gãy.
- Đục thủy tinh thể.
- Eczema.
- Bệnh Parkinson.
Hạ canxi máu có nguy hiểm không?
Hạ canxi máu kéo dài mà không được điều trị thì có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển và sức khỏe người bệnh.
Cả người lớn và trẻ em đều có thể bị các biến chứng của tình trạng hạ canxi máu như:
- Không thể lớn.
- Chức năng vận động và não bộ bị tổn thương.
- Loãng xương.
- Suy dinh dưỡng.
- Kém phát triển.
- Dễ xảy ra cơn tetani do hoạt động thần kinh quá mức.
Đó là lý do vì sao việc điều trị sớm tình trạng hạ canxi là vô cùng cần thiết đối với cả người lớn và trẻ em.
Phòng ngừa bệnh hạ canxi máu
Để phòng ngừa bệnh hạ canxi, bạn cần thực hiện tốt một số điều sau đây:
- Áp dụng một chế độ ăn uống nhiều canxi và vitamin D: Trong mỗi bữa ăn của gia đình, bạn có thể bổ sung thêm một số thực phẩm có chứa nhiều vitamin D và canxi như sữa, các chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua, các loại hải sản như tôm, cá ngừ, cá hồi, các loại hạt…
- Một số trường hợp có thể bổ sung vitamin D hoặc canxi nếu có chỉ định của bác sĩ. Lưu ý không nên lạm dụng để dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
- Thường xuyên tắm nắng trước 8 giờ sáng và sau 5 giờ chiều để cơ thể được hấp thụ vitamin D một cách tốt nhất mà không làm ảnh hưởng đến sức khỏe làn da của bạn.
- Nên tăng cường vận động để cải thiện sức khỏe xương, chẳng hạn như bơi lội, đi xe đạp, tập yoga và thậm chí chỉ cần đi bộ 30 phút mỗi ngày bạn cũng có thể nhận được những lợi ích sức khỏe rất tốt.
- Loại bỏ thuốc lá và một số chất kích thích vì những người hút thuốc có xu hướng đào thải canxi ra bên ngoài nhiều hơn so với những người không hút thuốc.