Hà Nội

Hạ canxi máu: Nguyên nhân, biểu hiện, điều trị và phòng bệnh

03-04-2024 15:05 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hạ canxi máu (hay còn gọi là tụt canxi) là căn bệnh thường gặp hiện nay. Với biểu hiện co rút, đau cơ, rối loạn nhịp tim, tê bàn tay, chân… nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

1. Nguyên nhân hạ canxi máu

Hạ canxi máu là tình trạng mức canxi trong máu thấp hơn mức bình thường. Nồng độ canxi huyết thanh toàn phần nhỏ hơn mức 8,5 mg/dL, trong điều kiện protein huyết tương bình thường, canxi ion hóa dưới mức 4,5 mg/dL.

Hạ canxi máu xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bệnh có thể đến từ chế độ sinh hoạt, ăn uống hay xuất hiện từ biến chứng của một số bệnh khác.

Một số nguyên nhân cơ bản của canxi máu như:

  • Lượng canxi cung cấp cho cơ thể không đủ: Nguyên nhân này thường gặp ở những đối tượng cơ thể có nhu cầu canxi cao như phụ nữ đang mang thai và cho con bú, trẻ em đang phát triển nhanh. Nếu cung cấp không đủ lượng canxi hàng ngày sẽ dẫn đến tình trạng hạ canxi máu.
  • Thiếu Vitamin D: Lượng vitamin D cung cấp cho cơ thể không đủ cũng là một trong số những nguyên nhân thường gặp dẫn đến hạ canxi máu. Ngoài ra, việc không tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời có thể gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa vitamin D cho cơ thể, từ đó dẫn đến lượng canxi trong máu cũng bị ảnh hưởng.
  • Bệnh lý về thận: Các bệnh lý như suy thận cũng có thể dẫn đến hạ canxi máu, nguyên nhân do thận giảm bài tiết, các tế bào thận bị tổn thương làm giảm khả năng tổng hợp 1,25OH2D3. Ngoài ra, hội chứng Fanconi khiến lượng canxi qua thận giảm.
  • Dùng các loại thuốc có tác dụng phụ gây ức chế hấp thu canxi: Trong quá trình điều trị bệnh phải dùng thuốc hoặc trong đời sống dùng thực phẩm chức năng trong thành phần một số loại thuốc có tác dụng phụ gây ức chế hấp thu canxi. Nếu dùng nhiều và thời gian dài sẽ gây hạ canxi máu ở mức cao.
Hạ canxi máu: Nguyên nhân, biểu hiện, điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Co giật, đôi khi xuất hiện tình trạng động kinh là tình trạng hay gặp ở bệnh nhân hạ canxi máu.

Ngoài ra, tình trạng hạ canxi máu còn liên quan đến hormone PTH của tuyến cận giáp. Đây là hormon có vai trò điều hòa nồng độ canxi trong máu, vậy nên, bất kỳ sự thay đổi nào từ PTH cũng có thể gây ảnh hưởng đến canxi trong máu. Mặc khác, các bệnh lý như viêm tụy cũng là nguyên nhân gây bệnh. Để xác định được chính xác nguyên nhân tình trạng hạ canxi, người bệnh nên được chẩn đoán bởi bác sĩ chuyên khoa tại các cơ sơ y tế uy tín.

2. Biểu hiện hạ canxi máu

Biểu hiện thường gặp của bệnh hạ canxi máu là:

2.1. Đối với hạ canxi máu cấp tính

Hạ canxi máu cấp tính thường gây nên các biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng khi nồng độ canxi huyết tương < 1,9 mmol/l. Đây có thể xem là chuyển biến nặng của bệnh hạ canxi máu, mọi người cần chú ý một số biểu hiện sơ bộ của hạ canxi máu cấp tính:

  • Tê quanh miệng, đầu ngón tay, đầu ngón chân.
  • Co giật, đôi khi xuất hiện tình trạng động kinh.
  • Cơ toàn thân đau nhức, cơ mặt bị co giật.
  • Co cứng cơ ở lưng và 2 chân.
  • Khó thở, suy tim cấp.
  • Co thắt thanh quản, phế quản.
  • Chuột rút, đau cơ.
  • Nuốt khó.
  • Lú lẫn, tâm thần.

2.2 Với hạ canxi máu mạn tính

Hạ canxi máu mạn tính có thể là hậu quả của giảm tiết hormon tuyến cận giáp, thiếu vitamin D, suy giảm phản ứng với hormone tuyến cận giáp hoặc vitamin D. Dưới đây là một số biểu hiện cơ bản của hạ canxi máu mạn tính:

  • Tóc khô.
  • Da khô.
  • Móng tay, chân giòn dễ gãy.
  • Thiểu sản men răng, răng dễ hư, dễ gãy.
  • Mắc các bệnh về cơ tim, suy tim sung huyết: mệt mỏi, nhịp tim không đều, đau ngực, thở nhanh,...
  • Sa sút trí tuệ.

3. Hạ canxi máu có lây không?

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hiện tượng hạ canxi máu như chế độ ăn uống, sinh hoạt hay do mắc một số bệnh lý thiếu hụt vitamin D, bệnh lý tuyến cận giáp… Hạ canxi máu không phải là bệnh lây nhiễm nên không thể lây.

4. Phòng ngừa hạ canxi máu

Thông qua các nguyên nhân có thể gây ra bệnh hạ canxi máu để phòng tránh cần chú ý đến các nguyên tắc sau:

  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh nguy hiểm có thể gặp phải.
  • Ăn uống thực phẩm giàu canxi bao gồm sữa chua, sữa, ngũ cốc, phomai và các loại rau xanh có màu đậm. Đây là cách tốt nhất, hiệu quả và dễ dàng nhất để đảm bảo lượng canxi cho cơ thể.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ dùng thêm một số sản phẩm bổ sung canxi và vitamin D.
  • Tập thể dục thường xuyên như đi bộ, bơi lội và một số môn thể thao khác sẽ giúp chắc khỏe xương, cải thiện sức khỏe bản thân.
  • Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá gây mất lượng canxi qua nước tiểu.
  • Bổ sung vitamin D qua phơi nắng: Buổi sáng phơi nắng trước 9h và buổi chiều sau 15h sẽ giúp tạo ra vitamin D nếu cơ thể đang thiếu. Tuy nhiên, nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn đang mắc ung thư da hoặc có nguy cơ ung thư da.

Bệnh hạ canxi máu có các cách phòng tránh rất đơn giản, áp dụng dễ dàng trong cuộc sống hàng ngày. Áp dụng các cách phòng tránh trên có thể vừa giúp ngừa bệnh hạ canxi máu vừa nâng cao sức khỏe bản thân mình.

5. Điều trị hạ canxi máu

Đối với bệnh thiếu canxi thường rất dễ điều trị, chủ yếu liên quan đến chế độ ăn uống. Tuy vậy, không nên tự điều trị bằng cách bổ sung nhiều canxi mà cần thực hiện theo khuyến cáo, chỉ định của bác sĩ.

Bổ sung canxi thường được đề nghị bao gồm:

  • Canxi cacbonat, ít tốn kém nhất và có nhiều canxi nguyên tố nhất.
  • Canxi citrate, dễ hấp thu nhất.
  • Canxi photphat, cũng dễ hấp thu và không gây táo bón.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ kết hợp các phương pháp khác để điều trị nguyên nhân hạ canxi máu. Nếu người bệnh đang dùng một loại thuốc gây hạ canxi máu, bác sĩ thay đổi hoặc điều chỉnh liều lượng để đưa nồng độ canxi trở lại bình thường.

Tại nhà, người bệnh hạ canxi máu cần chú ý sau:

Hạ canxi máu: Nguyên nhân, biểu hiện, điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Người hạ canxi máu nên tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu canxi.

Người hạ canxi máu nên tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu canxi, magie và vitamin D. Sau đây là một số thực phẩm giàu canxi mà bạn cần thể bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày để hỗ trợ điều trị chứng hạ canxi:

- Sữa và sản phẩm từ sữa: Sữa bò, phô mai, kem, sữa chua, sữa đậu nành,…

- Các loại cá béo và hải sản: Cá hồi, cá mòi, tôm, cua,…

- Rau xanh: Cải xoăn, cải bó xôi, bắp cải brussels, bông cải xanh,…

- Các thực phẩm khác: Đậu hũ, nước cam ép, bột mì được bổ sung canxi và một số loại nước khoáng có chứa canxi.

- Canxi, vitamin D và magie giữ vai trò trong quá trình tổng hợp và hấp thu canxi cho xương. Do đó, cần tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu canxi, vitamin D và magie như sữa ít béo và không béo, cá mòi, cá hồi, đậu phụ, cải xoăn, bông cải xanh, ớt đỏ, dâu tây,…

Ngược lại, người thiếu canxi không nên ăn các thực phẩm giàu phytate, oxalate, caffeine và muối cùng thời điểm bổ sung dưỡng chất giàu canxi. Bởi 4 hợp chất trên hạn chế khả năng hấp thu hoặc tăng bài tiết canxi của cơ thể. Ngoài các thực phẩm cần tránh trên, mỗi người cần bỏ thói quen xấu như hút thuốc, uống nhiều cà phê,… Bởi chúng có tác dụng lợi tiểu sẽ đẩy canxi ra ngoài theo đường bài tiết trước khi cơ thể hấp thụ.

Thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày phòng hạ canxi máu cho mẹ và béThực phẩm trong bữa ăn hàng ngày phòng hạ canxi máu cho mẹ và bé

SKĐS - Hạ canxi máu là tình trạng nồng độ canxi trong máu thấp hơn mức độ cho phép. Trong trường hợp cấp tính nếu không được sơ cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến hậu quả xấu cho sức khoẻ. Đặc biệt, phụ nữ mang thai và trẻ em là đối tượng dễ bị hạ canxi máu.


BS Nguyễn Văn Bàng
Ý kiến của bạn