Gừng được làm gia vị trong nhiều món ăn, chủ yếu được sử dụng ở hai dạng - tươi hoặc khô, nhưng loại nào tốt hơn cho khả năng miễn dịch và quá trình trao đổi chất nói chung của cơ thể.
1. Gừng tươi
Gừng tươi là dạng tự nhiên của rễ cây gừng (củ gừng), được sử dụng rộng rãi như một loại gia vị với đặc tính dược liệu của nó. Củ gừng có lớp vỏ mỏng, màu nâu nhạt với phần bên trong màu vàng nhạt, có hương vị cay nồng, ngọt nhẹ, khiến nó trở thành một gia vị phổ biến trong cả các món ăn mặn và ngọt.

Gừng thường được sử dụng tươi hoặc khô (dạng bột).
Giá trị dinh dưỡng của gừng tươi
Gừng tươi ít calo và giàu hợp chất hoạt tính sinh học như gingerol, có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm mạnh mẽ. Nó cũng chứa một lượng nhỏ vitamin và khoáng chất, chẳng hạn như vitamin C, magiê và kali.
Lợi ích của gừng tươi
- Chống buồn nôn: Gừng tươi được biết đến với đặc tính chống buồn nôn, làm giảm say tàu xe, ốm nghén khi mang thai và buồn nôn do nhiều tình trạng khác nhau gây ra. Nhai một miếng gừng tươi nhỏ hoặc pha trà gừng cũng mang lại hiệu quả.
- Giàu chất chống oxy hóa: Gừng giàu chất chống oxy hóa, giúp chống lại stress oxy hóa và có khả năng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.
- Tốt cho tiêu hóa: Gừng tươi hỗ trợ tiêu hóa bằng cách kích thích sản xuất nước bọt và mật, giúp phân hủy thức ăn và ngăn ngừa khó chịu ở đường tiêu hóa.
- Bài thuốc tự nhiên chữa cảm lạnh: Gừng tươi cũng thường được dùng như một bài thuốc chữa cảm lạnh và cúm (làm giảm các triệu chứng) và tăng cường hệ miễn dịch.
- Giảm viêm: Gừng tươi chứa các hợp chất chống viêm mạnh như gingerol, có thể giúp giảm viêm và giảm đau, đặc biệt là trong các tình trạng như viêm khớp.

Gừng tươi dùng làm gia vị trong món ăn.
Công dụng của gừng tươi
Gừng tươi được sử dụng rộng rãi trong nấu ăn, đặc biệt là trong các món ăn châu Á, Ấn Độ và Trung Đông; có thể được sử dụng trong cà ri, xào, súp, nước xốt ướp, cocktail, món tráng miệng...
Do đặc tính dược liệu của gừng, nên gừng tươi còn được sử dụng để điều trị buồn nôn, cải thiện tiêu hóa, giảm viêm và tăng cường khả năng miễn dịch…
2. Gừng khô
Gừng khô được làm từ củ gừng tươi, sấy hoặc phơi khô, rồi nghiền thành bột mịn. Quá trình sấy khô loại bỏ độ ẩm, giúp gừng khô có hương vị đậm đà hơn và thời hạn sử dụng lâu hơn so với gừng tươi.
Giá trị dinh dưỡng
Gừng khô cũng giống với gừng tươi về giá trị dinh dưỡng: Giàu chất chống oxy hóa, có đặc tính chống viêm và có thể được sử dụng để hỗ trợ tiêu hóa, giảm đau và tăng cường khả năng miễn dịch.
Lợi ích của gừng khô
- Cải thiện tiêu hóa: Gừng khô được biết đến với khả năng cải thiện tiêu hóa như làm giảm chứng khó tiêu, giảm đầy hơi và làm dịu cơn khó chịu ở đường tiêu hóa.
- Đặc tính chống viêm: Gừng khô đã được chứng minh là chứa các hợp chất có đặc tính chống viêm, có khả năng hỗ trợ kiểm soát tình trạng viêm, làm dịu cơn đau cơ và khớp.
- Tốt cho hệ hô hấp: Gừng khô có thể giúp làm dịu các vấn đề về hô hấp, thường được sử dụng để làm giảm ho, cảm lạnh và đau họng.
Công dụng của gừng khô
Gừng khô cũng thường được sử dụng như một loại gia vị trong nấu ăn, nướng bánh. Gừng khô cũng được sử dụng theo truyền thống cho mục đích y học, nhờ vào đặc tính chống viêm, giúp tiêu hóa và chống buồn nôn.
Có thể thêm gừng khô vào trà, dùng như một chất bổ sung hoặc được sử dụng trong các bài thuốc tại nhà để chữa cảm lạnh và các vấn đề về tiêu hóa.

Gừng khô được sử dụng trong các bài thuốc tại nhà để chữa cảm lạnh và các vấn đề về tiêu hóa.
3. Loại gừng nào tốt hơn cho sức khỏe?
Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, quá trình sấy khô gừng tươi làm tăng hàm lượng chất chống oxy hóa bằng cách loại bỏ nước. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào chứng minh rằng do có độ ẩm nên gừng tươi hoàn toàn không có chất chống oxy hóa, nhưng người ta cho rằng mức độ chất chống oxy hóa của gừng giảm khi dùng để nấu ăn.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu năm 2013 được công bố trên PubMed Central, gừng tươi có thể giúp bảo vệ hệ hô hấp, trong khi gừng khô không tạo ra hiệu ứng tương tự.
Theo y học Ayurveda (Ấn Độ), gừng khô giúp cân bằng vata (liên quan đến khí và không gian), trong khi gừng tươi có xu hướng làm tăng vata, có thể gây ra đầy hơi, chướng bụng và các vấn đề về tiêu hóa. Đó là lý do tại sao đối với bệnh cúm theo mùa, cảm lạnh và ho, nên chọn nước gừng khô hoặc trà gừng thay vì gừng tươi.
Tóm lại, gừng khô và gừng tươi có những lợi ích riêng và dùng chúng theo nhu cầu và sở thích. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi dùng gừng thường xuyên.
4. Tác dụng phụ của gừng
Trong khi gừng thường được dùng để làm giảm buồn nôn, nhưng việc tiêu thụ quá nhiều gừng có thể dẫn đến khó chịu ở dạ dày, ợ nóng, tiêu chảy hoặc đầy hơi ở một số người.
Gừng có đặc tính làm loãng máu tự nhiên do khả năng ức chế kết tập tiểu cầu. Điều này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, đặc biệt là đối với những người dùng thuốc làm loãng máu như warfarin hoặc aspirin, người bị rối loạn chảy máu hoặc những người đang phẫu thuật...
Gừng có thể làm tăng sản xuất axit trong dạ dày, dẫn đến ợ nóng hoặc khó tiêu, đặc biệt là ở những người dễ mắc các tình trạng này.
Mặc dù hiếm gặp, một số người có thể bị dị ứng với gừng, bao gồm phát ban trên da hoặc khó thở.
Gừng có thể tương tác với một số loại thuốc nhất định, chẳng hạn như thuốc làm loãng máu, thuốc tiểu đường và thuốc huyết áp, có khả năng ảnh hưởng đến hiệu quả của chúng hoặc dẫn đến tác dụng phụ.