Củ gừng cho ta nhiều vị thuốc quý: sinh khương (gừng tươi), can khương (gừng khô), bào khương (vỏ củ gừng). Các chất trong gừng có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau và giảm ho, chống viêm, chống co thắt, chống nôn, chống loét và tăng kiện vận trong đường tiêu hóa, ức chế thần kinh trung ương... và có hoạt tính miễn dịch.
Một số cách dùng gừng tươi làm thuốc:
Tán hàn, giải biểu: gừng tươi 12g, tô diệp 8g, phòng phong 12g. Sắc uống. Có thể kết hợp thuốc hạ nhiệt giảm đau Tây y (paracetamol, decolgen, efferalgan, tiffy...). Trị các chứng ngoại cảm phong hàn, đau đầu ngạt mũi.
Ấm tỳ, cầm nôn, chỉ tả:
Bài 1: tiểu bán hạ thang: gừng tươi 12g,bán hạ 12g. Sắc uống. Chữa chứng dạ dày lạnh, nôn oẹ.
Bài 2: gừng nướng 60g, giã nát, rang, bọc bằng vải đắp lên rốn (phủ trên huyệt đan điền), đặt trong 1 - 2 giờ. Chữa tiêu chảy vì tỳ hàn, phân loãng không thối, sôi bụng đau thắt.
Tiêu nước, dịu ho: nước gừng tươi 160g, trà du 160g, mật ong 160g. Tất cả trộn đều. Ngày uống 2 lần (sáng và tối); mỗi lần 1 thìa canh, uống với nước. Trị chứng viêm phế quản mạn tính, tức ngực, hen, ho lâu không dứt, miệng không khát, nôn ra dãi nhớt màu trắng và tim hồi hộp.
Món ăn - bài thuốc có gừng tươi:
Mạch nha nước gừng: gừng tươi 30g, mạch nha 30g. Nấu lấy nước cho uống. Dùng cho trường hợp viêm khí phế quản do cảm lạnh.
Cháo gừng: gừng tươi 30g, gạo tẻ 150g. Gạo nấu cháo, gừng thái lát cho vào khi cháo, thêm đường trắng liều lượng thích hợp, khuấy đều, cho ăn nóng. Dùng cho trẻ em viêm khí phế quản do cảm lạnh, nôn ói đau bụng.
Ngũ thầm thang: gừng tươi 20g, kinh giới 20 - 30g, tử tô diệp 20 - 30g, trà 30g. Sắc lấy nước, thêm đường đỏ khuấy đều, cho uống. Dùng cho trường hợp ngoại cảm phong hàn (cảm cúm).
Nước gừng mật ong trộn bột hạnh nhân, đào nhân: Đào nhân 30g, hạnh nhân 15g. Nghiền nát đào, hạnh nhân, trộn với nước gừng mật ong liều lượng thích hợp cho ăn. Dùng cho trường hợp hen suyễn mạn tính.
Nước gừng cải củ: cải củ 250g (thái lát), gừng tươi 15 - 20g (thái lát), thêm ít đường đỏ. Sắc lấy nước cho uống. Dùng cho trường hợp viêm khí phế quản, viêm họng nhiều đờm.
Kiêng kỵ: Người phổi nhiệt, ho khan, dạ dày nhiệt, nôn oẹ không dùng.
TS. Nguyễn Đức Quang