Không thể so sánh “ai hơn ai” trong thế giới nhạc cụ, nhưng nếu nói đến “bạn đồng hành” gần gũi và thân thiết nhất đối với con người thì có lẽ đó chính là guitar. Dù là độc tấu nhưng với việc người chơi đàn sử dụng hết “công suất” của tay, vừa tạo ra giai điệu chính, vừa đập gõ trên thân đàn để giả lập tiếng trống khiến phần trình diễn dù là chuyên hay không chuyên cũng đều trở nên vô cùng sống động, khán giả như đang được thưởng thức một bản hòa tấu của nhiều nhạc cụ. Ðây chính là nét khác biệt của guitar.
Người chơi đàn guitar không chỉ sử dụng hết “công suất” của tay để tạo ra giai điệu chính mà còn đập gõ trên thùng đàn để giả lập tiếng trống.
“Bạn đồng hành” theo năm tháng
Nếu chỉ nhắc đến riêng guitar, người “ngoại đạo” đã choáng ngợp trước một thế giới nhạc cụ vô cùng phong phú. Xét về cấu tạo, đàn guitar được chia thành guitar điện, guitar Hawaii, guitar phím lõm, guitar bass, guitar hai cần, guitar 4 dây, 7 dây, 12 dây... Trên thế giới, có rất nhiều loại đàn guitar, mỗi loại có một đặc trưng riêng và phù hợp với những phong cách nhạc khác nhau. Trong đó, guitar cổ điển thường là đàn gỗ, có 6 dây, đôi khi được thiết kế thành 12 dây.
Khi cuộc chiến tại Việt Nam bùng nổ giai đoạn 1945-1954, cây đàn guitar với những ưu điểm có một không hai của nó đã trở thành người bạn đường thân thiết của các nhạc sĩ. Nhiều tác giả đồng thời là người đệm guitar rất giỏi như Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Phạm Duy, Văn Ký, Hoàng Vân, Trọng Bằng, Văn Chung, Tô Vũ, Nguyễn Văn Tí... Thời đó, đàn guitar hầu như là nhạc cụ chính mà các nhạc sĩ dùng để sáng tác.
Thập niên 1980 cũng có thể nói là giai đoạn chín mùi về tài năng và đỉnh cao về nghệ thuật của Phùng Tuấn Vũ - nghệ sĩ guitar hàng đầu Việt Nam và là người góp phần đào tạo hàng loạt tên tuổi mới của guitar Việt Nam sau nàỵ. Trong khi đó, ở Hà Nội cũng xuất hiện những tài năng mới đầy triển vọng như Đặng Ngọc Long, Phan Đình Tân, Phạm Văn Phương, Nguyễn Lan Anh... Trong số những cái tên vừa kể, Đặng Ngọc Long được đi tu nghiệp về guitar ở Đông Đức. Anh chính là nghệ sĩ guitar đầu tiên của Việt Nam được theo học tại một quốc gia có nền nghệ thuật guitar phát triển.
Từ đó đến nay, dù trải qua không ít thăng trầm, đặc biệt là làn gió kinh tế thị trường có lúc làm mai một nhạc guitar cổ điển, nhưng sau tất cả, “người bạn” này vẫn hiện diện như một phần không thể thiếu trong đời sống của người yêu nhạc.
Sự nối tiếp mạnh mẽ
Nếu như làng guitar cổ điển Việt Nam từng ghi nhận những “cây đại thụ” lớn, kỳ cựu và nổi tiếng như Nguyễn Quang Bình, Vũ Bảo Lâm, Hải Thoại, Phạm Văn Phúc, Nguyễn Quang Tôn, Nguyễn Tỵ... thì thế hệ nối tiếp cũng rất đáng ngưỡng mộ. Họ là những người trẻ với niềm đam mê tột cùng dành cho guitar. Có thể kể đến những cái tên tiêu biểu như Lê Thu hay Quang Vinh. Họ là những nghệ sĩ say nghề từ thuở thơ ấu, dùng cả cuộc đời mình để chinh phục những mốc son của trình diễn đàn guitar cổ điển. Cả hai đã đạt nhiều giải thưởng cả trong nước và quốc tế.
Đêm nhạc Guitar cổ điển Thì ký ức - Lê Thu và Quang Vinh đã khiến bao trái tim âm nhạc thổn thức.
Không những đoạt nhiều giải thưởng trong nước, Lê Thu còn sở hữu 3 giải thưởng danh giá trong các cuộc tranh tài quốc tế dành cho các nghệ sĩ trình diễn đàn guitar cổ điển. Năm 2010, cô đoạt giải Nghệ sĩ xuất sắc khu vực châu Á tại Liên hoan Guitar Quốc tế tổ chức ở Kolkata, Ấn Độ. Lần gần đây nhất, tháng 7/2011, cô đứng thứ ba trong cuộc thi Guitar Quốc tế tổ chức tại Romania.
Quang Vinh là con trai của nghệ sĩ guitar Hải Thoại - một người thầy guitar của làng âm nhạc Việt Nam. Năm 1994, Quang Vinh tốt nghiệp Đại học Âm nhạc hệ chính quy tại Nhạc viện Hà Nội với số điểm tuyệt đối và được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Năm 1997, anh thành lập lại CLB Guitar cổ điển và tổ chức sinh hoạt thường xuyên. Năm 2004, Quang Vinh thành công rực rỡ trên sân khấu Nhà hát Lớn, trong buổi biểu diễn guitar tại khán phòng lớn đầu tiên của Việt Nam. Năm 2005, anh trở lại làm giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và trình diễn thành công trong buổi Recital, khẳng định tài năng của mình và mong muốn được cống hiến cho khán giả những đêm nhạc đỉnh cao, đầy cảm xúc.
Năm 2014, 2 nghệ sĩ trẻ tài năng đã có dịp đưa khán giả tới không gian âm nhạc đặc biệt mang tên “Thì ký ức”. Sự kết hợp của họ là một cơ hội hiếm hoi cho những ai muốn một lần thưởng thức guitar đẳng cấp và hiểu thêm về những đỉnh cao mà người chơi guitar có thể đạt được. Nếu người ta tìm đến những bản guitar “nhạc nhẹ” theo phong cách jazz, pop… như một món ăn tinh thần hàng ngày thì nghe guitar cổ điển lại giống như bước vào một nhà hàng sang trọng để thưởng thức sự tinh hoa. Điều thú vị ở Lê Thu và Quang Vinh chính là ngoài việc biểu diễn những tác phẩm thính phòng nổi bật như Alhambra (F.Tarrega), Serenata Espanola (J. Malats) hay Sonatia (F.M Torroba)..., họ còn mang đến một số tác phẩm nhạc cách mạng và tác phẩm chèo cổ.
Bên cạnh sức lan tỏa của các nghệ sĩ guitar chuyên nghiệp, hoạt động của các câu lạc bộ guitar cổ điển ở Việt Nam lúc nào cũng sôi nổi, đặc biệt là những nghệ sĩ trẻ. Họ không chỉ chơi guitar với niềm đam mê mà còn trải nghiệm nhiều phong cách mới, trong đó có fingerstyle (FS). Đây là một khái niệm còn khá mới mẻ tại Việt Nam và hầu như những người muốn chơi loại nhạc này đều phải tự tập vì không có lớp dạy.
Fingerstyle guitar là kỹ thuật chơi đàn guitar bằng cách gảy các dây trực tiếp bằng các ngón tay, móng tay hoặc picks gắn vào ngón tay, trái ngược với flatpicking (gảy những note riêng lẻ bằng pick) hay rải một chuỗi các hợp âm (đệm hát). Một nghệ sĩ trẻ cho biết, việc chơi fingerstyle đòi hỏi tốc độ và sự khéo léo nên những người đã có “vốn liếng” nhất định về guitar thì sẽ đơn giản hơn những người mới bắt đầu chập chững làm quen với cây đàn. Fingerstyle có nhiều kỹ thuật, trong đó có một số kỹ thuật cơ bản như: Tapping, harmonic và slap harmonic. Các nghệ sĩ guitar khi chơi đàn thường dùng một ngón bấm, một ngón đẩy, riêng với fingerstyle thì dùng một ngón để đánh ra tiếng, kỹ thuật này gọi là tapping. Harmonic gọi là âm bồi. Bồi âm cơ bản được người chơi dùng hai tay để tạo ra tiếng động giống như tiếng chuông. Slap harmonic thì dùng một ngón tay (có thể là ngón giữa) gõ vào khe 12 của phần đàn. Kỹ thuật slap harmonic sẽ tạo ra 3 hiệu ứng: Tiếng gõ, tiếng bồi âm là tiếng trống và tiếng snare (dùng ngón tay dọc vào dây đàn). Ngoài ra, người chơi còn gõ vào thùng đàn, tại mỗi vị trí của thùng đàn lại tạo ra những âm thanh khác nhau và mọi người có thể tùy ý sáng tạo để tạo ra âm thanh phù hợp với bản nhạc...
Đáng ngạc nhiên, một nhạc cụ có cấu trúc khá đơn giản như guitar lại là một thế giới âm thanh và kỹ thuật phong phú hơn bất cứ loại nhạc cụ nào. Có lẽ vì thế mà những màn độc tấu guitar thường mang đến cho người nghe sự cảm nhận rất khác biệt. Có thể nói, với guitar, sự mai một dường như là không thể!
Hưng Vũ