Được biết, nơi đây mới được phong là Di tích cấp quốc gia đặc biệt, trong lòng đoàn người hành hương, ai cũng háo hức.
Các năm trước, nhiều xe ôtô con khi vừa đi ra khỏi trung tâm Hà Nội là lập tức bị một đội ngũ cò mồi phóng xe máy theo đeo bám và gần như là ép khách tới tận chùa Hương. Cò mồi buộc khách phải sử dụng dịch vụ của nhà mình hoặc đối tác của mình. Buộc khách phải gửi xe, đi đò... và ăn chặn cả tiền “bo” cho người lái đò. Vừa qua, lực lượng cảnh sát hình sự đã mật phục xử lý hàng chục cò mồi đeo bám khách. Thông tin này lan rộng nên năm nay, ai cũng thấy dễ chịu bởi không còn tình trạng những cò mồi đi đò, hàng quán... phóng xe máy theo đeo bám khách từ trung tâm Hà Nội về tận chùa Hương như trước.
Vé xe trông giữ có dấu đỏ với giá 40.000 đồng.
Tuy nhiên, vẫn còn có khá nhiều điểm “trừ” khiến cho nhiều du khách cảm thấy không hài lòng. Đầu tiên là việc gửi xe. Khi xe vừa tới cổng chào, lập tức có một barie hạ xuống và một bảo vệ đeo băng đỏ, bảng tên đàng hoàng đứng ra thu tiền... gửi xe, phát vé có dấu đỏ với giá là 40.000 đồng. Khi chúng tôi hỏi vé này là gửi xe ở đâu, thì bảo vệ chỉ vào một bãi xe ngay đầu cổng chào. Vì còn khá xa (tầm 1, 2km) mới đến được bến đò suối Yến nên đoàn xe chúng tôi phải đi vào sâu hơn.
Cầm tấm vé đỏ chót có dòng chữ Phòng Tài chính - Kế hoạch Huyện Mỹ Đức, có in giá, ký hiệu đàng hoàng, ai cũng nghĩ rằng sẽ không phải trả thêm tiền gửi xe. Theo hướng dẫn trên những điểm đỗ xe có in đằng sau tấm vé thì các bãi xe đã chật kín, đoàn xe lại phải gửi vào các bãi tư nhân khác xung quanh đó với giá chung là 50.000 đồng/lượt.
Nhân viên trông xe ở đây cũng nói luôn, nếu anh có gửi ở các bãi trên sơ đồ thì cũng vẫn phải trả thêm tiền tương tự, chứ không có chuyện chỉ cần đưa “Vé trông giữ” mua ở cổng kia là xong đâu. Hóa ra đây là câu chuyện “luật bất thành văn” đã diễn ra từ những năm trước. Còn nhớ mùa lễ hội 2018, rất nhiều khách đi chùa Hương đã kêu ca về vấn đề này, nhưng không hiểu sao tình trạng này vẫn kéo dài một cách vô lý.
Nhiều người thắc mắc, tại sao không để khi khách đỗ xe vào bãi rồi mới thu tiền mà lại “thu đồng loạt” theo kiểu “thu nhầm còn hơn bỏ sót”. Như vậy, tất cả các xe ô tô vào Chùa Hương đều đã bị thu 2 lần tiền (1 lần 40.000 đồng ở cổng, và 1 lần là trả trực tiếp tại bãi xe). Dù ban tổ chức cho rằng họ nhất quyết “không thu 2 lần” mà đó là do có thể nhân viên bãi xe làm sai, vậy câu hỏi đặt ra là tại sao không để khách tự lựa chọn bãi đỗ xe nào thuận tiện với mình và chỉ thu tiền sau khi khách đã đỗ xe yên vị?
Với số lượng mỗi ngày hàng ngàn lượt xe ôtô, vậy số tiền nhiều hàng chục, hàng trăm tỉ đồng nhân lên cả một mùa lễ hội sẽ là con số bao nhiêu? Tiền lại chảy vào túi tư nhân khi khách vào bãi xe (có trên sơ đồ) của Nhà nước và vẫn phải trả phí thêm.
Đó là chưa kể du khách còn phải trả khá nhiều khoản chi phí khác như: vé thăm quan danh lam thắng cảnh 80.000 đồng/người, vé đi đò 2 lượt 50.000 đồng/người. Ngoài ra ai đi cáp treo còn phải trả thêm 180.000 đồng/người/2 lượt lên xuống.
Bên cạnh những điểm trên, vẫn còn nhiều tình trạng nhức nhối khác khiến du khách khó chịu. Đó là tình trạng lái đò luôn cò kè đòi tiền “bo”, “mừng tuổi” ngay từ đầu với giá lên tới vài trăm nghìn đồng/chuyến, trung bình gần 100.000 đồng/người. Đây là luật bất thành văn nhưng có khi còn hiệu lực mạnh hơn các quy định khác ở đây. Bởi từ xưa đến nay, chưa có du khách nào được đi đò mà chỉ phải trả đúng tiền vé, sẽ không có lái đò nào chịu chở.
Rồi cả đoạn đường dài trải khắp từ bến đò lên tận đỉnh động Hương tích là vô số hàng quán, với những loa đài ầm ĩ mời chào, thậm chí dúi cả hàng vào tay khách. Họ bật nhạc đủ các thể loại, rao loa to ra rả khiến du khách đau đầu nhức óc.
Đề nghị chính quyền huyện Mỹ Đức và Ban quản lý di tích Chùa Hương sớm có những biện pháp chấn chỉnh triệt để, để danh thắng chùa Hương luôn xứng với kì vọng và là một trong những điểm du lịch tâm linh đầy bình an, thư thái.