Người quảng cáo hoặc nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo sẽ phải chấm dứt việc gửi thư điện tử, tin nhắn quảng cáo ngay sau khi có yêu cầu từ chối của người nhận (ảnh: B.D). |
Đồng thời, các hành vi này phải chấm dứt ngay sau khi người nhận có yêu cầu từ chối. Như vậy, quy định mới này "rắn" hơn nhiều so quy định cũ. Thay vì cho phép trong vòng 24 giờ, kể từ khi nhận được yêu cầu từ chối, người quảng cáo hoặc nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo phải chấm dứt việc gửi đến người nhận các thư điện tử quảng cáo hay tin nhắn quảng cáo đã bị người nhận từ chối trước đó, thì Nghị định mới yêu cầu việc chấm dứt phải được thực hiện ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối.
Ngoài ra, ngay khi nhận được yêu cầu từ chối, người quảng cáo hoặc nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo phải gửi ngay thông tin xác nhận đã nhận được yêu cầu từ chối và phải chấm dứt việc gửi loại thư điện tử, tin nhắn quảng cáo đã bị từ chối đến người nhận đó.
Về số lượng thư điện tử, tin nhắn quảng cáo, thay vì được gửi tối đa 5 thư điện tử, tin nhắn quảng cáo theo như quy định cũ, thì trong quy định mới, Chính phủ giới hạn không cho phép gửi quá 1 thư điện tử quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một địa chỉ thư điện tử trong vòng 24 giờ trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận.
Đồng thời, cũng không được phép gửi quá 1 tin nhắn quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ và chỉ được phép gửi trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày trừ trường hợp đã có thoả thuận khác với người nhận.
So với quy định cũ, lần này, Nghị định mới bổ sung thêm quy định khi gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo, nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo phải gửi đồng thời một bản sao nội dung tới hệ thống kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Cũng tại Nghị định lần này, cơ quan điều hành đề rõ mức phạt tiền từ 60 đến 80 triệu đồng đối với hành vi không hoàn lại cước theo yêu cầu của nhà cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn hoặc không thông báo cho người sử dụng về việc hoàn cước.
Mức phạt này cũng áp dụng với tình trạng cung cấp các phần mềm hoặc trang thông tin điện tử có thu cước mà không có chức năng cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý hoặc không đồng ý với mức cước tương ứng.
Hành vi giả mạo tên hoặc giả mạo địa chỉ điện tử của tổ chức, cá nhân khác khi gửi thư điện tử, tin nhắn cũng phải nhận mức phạt tương tự.
Nghị định 77 của Chính phủ có hiệu lực kể từ 1/1/2013, ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90 ngày 13/8/2008 về chống thư rác.