Gửi người hát Cachiusa

04-11-2017 08:33 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ngày ấy cách đây đã ba chục năm, tôi là chàng Thượng sĩ trai tơ ngấp nghé ba mươi tuổi, được Quân đội cho đi thi và đỗ vào Đại học báo chí ở Trường Tuyên huấn Trung ương 1, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Từ trường chúng tôi sang Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội và Đại học Sư phạm Hà Nội 1 chỉ một quãng đường đi dạo...

Cũng như bao bạn bè cùng thế hệ, tôi say mê văn học Nga, âm nhạc Nga, phim Liên Xô... và mơ ước được sang học tập hoặc tham quan, công tác ở đất nước mà nhiều thầy giáo, bạn bè và người thân của tôi đã được đặt chân đến. Nhiều người trong số đó đã thành đạt, nổi danh cũng nhờ đất nước ấy.

Có lẽ, đó cũng là một trong những lý do khiến tôi chọn tiếng Nga để theo học suốt 5 năm đại học (1983-1988). Và cũng nhờ tình yêu đối với tiếng Nga mà tôi đã bị “sét đánh” ngay từ buổi đầu gặp em, một cựu hoa khôi của Trường cấp 3 chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định, được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội vì vừa đoạt giải trong một kỳ thi cấp quốc gia về tiếng Nga.

Em không chỉ xinh đẹp, học giỏi, nói tiếng Nga rất “siêu” mà còn hát rất hay. Ngày ấy, em và chị Liên - vợ của thầy giáo, thi sĩ Trần Hòa Bình - là át chủ bài của các chương trình liên hoan văn nghệ được tổ chức khá thường xuyên ở 2 trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 và Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội. Em hát tốt cả “nhạc đỏ” lẫn nhạc nhẹ. Đặc biệt, mỗi khi em bước ra sân khấu trong bộ trang phục truyền thống của thiếu nữ Nga, lướt một vòng như trôi chẳng kém gì vũ công của Đoàn nghệ thuật Bạch Dương trứ danh và cất lên cao vút một giai điệu cổ điển Nga thì cả hội trường hoặc là nín thở im phăng phắc, hoặc là vỡ òa những tràng pháo tay ngỡ như tốc cả mái ngói...

Và tất nhiên, em đã trở thành cảm hứng trữ tình cho những bài thơ của tôi ngày ấy. Nhiều bài trong số đó tôi đã nắn nót chép lại trên những trang giấy trắng, cho vào phong bì định gửi tặng em. Nhưng rồi sự ngại ngùng, nhút nhát, mặc cảm... của một anh bộ đội nhà quê, đi tán gái bằng chiếc xe đạp Thống Nhất nam cóc ghẻ, đã khiến những bức thư ấy nằm mãi trong sổ tay tôi từ bấy đến bây giờ. Bạn đọc trẻ hôm nay có thể không tin, hoặc sẽ ngạc nhiên, hoặc sẽ chê cười... nhưng tình yêu của thế hệ chúng tôi thời ấy nhiều khi như thế đấy!

Mùa thu năm 1987, Đoàn trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội và Đại học Sư phạm Hà Nội 1 phối hợp tổ chức cuộc thi sáng tác thơ - văn mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Đối tượng dự thi chỉ dành cho sinh viên của hai trường này. Thể lệ cuộc thi được dán trên các thân cây xà cừ suốt từ cổng trường vào đến sân trường. Đang những ngày tháng mà tâm trí lúc nào cũng nghĩ về em, tôi chợt nảy ra ý định sẽ viết một bài thơ tham dự cuộc thi nhưng ký tên em. Cảm giác “tự sướng” về một cách tỏ tình độc đáo của mình khiến trong tôi rạo rực cảm hứng thi ca. Hình ảnh em lộng lẫy bước ra sân khấu trong bộ trang phục truyền thống của thiếu nữ Nga, và bài hát Cachiusa cất lên thiết tha, rộn ràng, giục giã... hiện về trong tôi thổn thức: Trên đất nước Lê Nin/ Những tháng năm nhức nhói/ Vang lên từ lửa khói/ Bài hát Cachiusa.../ Bao cô gái nước Nga/ Đã hát bài ca ấy/ Bài ca không biên giới/ Đến đất nước Bác Hồ...

Cứ thế, chữ gọi chữ, câu gọi câu, chỉ trong một buổi tối tôi đã làm xong bài thơ Gửi người hát Cachiusa, ký tên em và sáng hôm sau mang sang bỏ vào hộp thư treo trước cổng Trường đại học Sư phạm Hà Nội 1...

Hơn một tháng sau thì có kết quả cuộc thi. Bài thơ Gửi người hát Cachiusa “của em” đoạt giải Nhất với số phiếu tuyệt đối của Ban chung khảo. Tất nhiên là tôi vui mừng khôn xiết, nhưng khi những cảm xúc bồng bột lắng xuống, lại thấy lo lo... Nhỡ chuyện này vỡ lở thì sao? Nếu nhà trường bên đó có công văn sang bên này thì tôi sẽ bị xử lý như thế nào? Hồi đó kỷ luật học đường ở các trường đại học nghiêm khắc lắm. Lại nữa: Nếu em tuyên bố đó là “thơ mạo danh” thì Ban tổ chức sẽ xử lý vụ việc như thế nào? Kết quả một cuộc thi văn chương hết sức nghiêm túc và ý nghĩa sẽ ra sao?...

Nỗi lo lắng cứ lớn dần khiến tôi mất ăn mất ngủ. Lễ tổng kết cuộc thi và trao giải thưởng được kết hợp với Lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Mười Nga do 2 trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội và Đại học Sư phạm Hà Nội 1 đồng tổ chức. Bữa đó tôi không dám mò sang, nhưng tâm trí hóng cả về bên ấy. Hôm sau tôi được biết, trong bài tổng kết cuộc thi do thầy giáo, nhà thơ Trần Hòa Bình - thành viên Ban chung khảo - trình bày, có một đoạn khá dài bình về bài thơ Gửi người hát Cachiusa “của em”. Và đến phần trao giải, em đã tự tin bước lên khán đài trong lộng lẫy bộ trang phục truyền thống của thiếu nữ Nga, giữa bao ánh mắt cảm mến hân hoan của thầy cô, bè bạn và những tràng vỗ tay nồng nhiệt...

Hai hôm sau, em bất ngờ xuất hiện trước cửa phòng tôi. Em đặt lên bàn tôi một chiếc hộp được bao gói xinh xắn, tựa như một món quà sinh nhật: “Đây là giải thưởng bài thơ Gửi người hát Cachiusa. Vì sự thành công trọn vẹn của cuộc thi mà hôm qua em phải lên nhận hộ tác giả...”.

Lời em nhẹ nhàng nhưng nét mặt không chút đùa cợt khiến tôi hoang mang. Ơ, nhưng mà việc này tôi chưa hé với ai, sao em biết được? Thế tức là lâu nay em vẫn để ý đến tôi, đã biết rõ tình cảm của tôi dành cho em? Trong túc tôi đang lẫn lộn những lo lắng, bối rối, khấp khởi, hồi hộp... thì em hỏi tiếp: “Tại sao anh lại làm như thế?”. Như một cậu học trò không thuộc bài, tôi ấp úng:

- Tại vì... tại vì anh yêu nước Nga...

Tròn ba mươi năm đã trôi qua. Vì rất nhiều lý do khách quan và chủ quan mà cuộc sống đã đưa đẩy tôi và em mỗi người mỗi ngả. Câu chuyện bài thơ Gửi người hát Cachiusa vẫn được tôi chôn chặt trong lòng. Mới đây, gặp lại anh bạn vốn là một “chuyên gia tình ái” thời đại học, trong câu chuyện lại nhắc về em. Tôi đã kể cho anh bạn nghe “sự tích” bài thơ, cùng cái lần em sang phòng tôi với câu hỏi “Tại sao anh lại làm như thế?” và câu trả lời của tôi. Anh bạn nghe xong, phán:

- Thế tức là tại vì anh yêu nước Nga chứ không phải vì yêu em. Trả lời như thế, nàng cho cậu đi tàu suốt là phải!

Lần này thì tôi quyết không tin lời của anh bạn “chuyên gia tình ái”. Bởi vì, với một người con gái thông minh và tinh tế như em, sẽ không bao giờ em phân tích rạch ròi tỷ lệ phần trăm trong một bài thơ hòa hợp giữa tình yêu tôi dành cho em và tình yêu với nước Nga vĩ đại!

Gửi người hát Cachiusa


Trên đất nước Lê Nin

Những tháng năm nhức nhói

Vang lên từ lửa khói

Bài hát Cachiusa...


Bao cô gái nước Nga

Đã hát bài ca ấy

Bài ca không biên giới

Đến đất nước Bác Hồ


Và bao cô gái Việt

Hát hồn nhiên say sưa

Lời yêu thương bỏng cháy

Lời thủy chung đợi chờ...


Bởi khuôn mặt kẻ thù

Góc trời nào cũng thế

Bạn cùng tôi san sẻ

Những vui buồn, gian lao...


Nên rất gần bên nhau

Những người yêu của lính

Nên nỗi niềm sâu kín

Hóa câu hát chuyền môi


Đi qua tuổi hai mươi

Bài ca không năm tháng

Qua bao nhiêu kẻ thù

Vẫn tình yêu đằm thắm.


Như dòng sông vô tận...

Như cây súng - nhành hoa...

Như cuộc đời chiến sĩ...

Muôn đời Cachiusa...

MAI NAM THẮNG
Ý kiến của bạn