Gửi một phần thân thể nơi chiến trường rồi về quê cùng vợ nuôi lớn 8 người con theo nghiệp 'trồng người'

19-11-2022 17:40 | Xã hội
google news

SKĐS - Vượt khó, vượt khổ, vợ chồng thương binh đã làm được điều khó tin khi chăm lo cho 9 người con trưởng thành với 8 người phục vụ trong ngành giáo dục.

Men theo con đường nhỏ ven sông Gianh, giữa vùng quê trùng trùng núi đá, chúng tôi gặp và trò chuyện cùng vợ chồng ông Nguyễn Hải Thiện (SN 1947) và bà Nguyễn Thị Thường (SN 1954).

Họ là những con người bình thường nhưng đã làm được điều phi thường.

Gửi một phần thân thể nơi chiến trường rồi về quê cùng vợ nuôi lớn 8 người con làm nhiệm vụ "trồng người" - Ảnh 1.

Nơi ông bà Thiện nuôi 9 người con trưởng thành với 8 người làm nghề giáo nằm ven sông Gianh với những dãy núi, đồi trập trùng.

Ở huyện miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình) và những vùng lân cận chắc hẳn ai cũng biết về gia đình cựu chiến binh Nguyễn Hải Thiện với "thành tích" nuôi 9 người con trưởng thành, với 8 người phục vụ trong ngành giáo dục.

Đã hơn cái tuổi "xưa nay hiếm", hai ông bà nay vẫn giữ được sự minh mẫn và cần cù của người nông dân vùng đất khó. Dưới nắng chiều nhẹ, ông cho gà ăn, bà cuốc đám đất trước nhà trồng rau.

Đón khách bằng sự đôn hậu của những con người chân quê, đãi khách bằng những thức quà quê tự trồng, sản xuất được rồi ông bà kể lại những ký ức khó quên.

Năm 1966, ông Thiện theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Sau những ngày tháng cùng đồng đội "vào sinh, ra tử", không may vào năm 1969, ông bị thương và mất đi một nửa cái tay trái. Sau khi điều trị, ông được điều chuyển về làm công tác chính sách ở Tỉnh đội Quảng Bình.

Rồi ông được biệt phái về Huyện đội Tuyên Hóa, sau đó là Phòng Thương binh - Xã hội của huyện nhà. Năm 1983, ông Thiện về hưu với chế độ thương binh 3/4.

Gửi một phần thân thể nơi chiến trường rồi về quê cùng vợ nuôi lớn 8 người con làm nhiệm vụ "trồng người" - Ảnh 2.

Vợ chồng thương binh 3/4 Nguyễn Hải Thiện đón khách bằng sự đôn hậu của những con người chân quê.

Ông bà có 10 người con, một người đã mất từ nhỏ, 9 chị em gái còn lại nay đã trở thành "người có ích" như ông bà từng mong muốn. Nhớ về những ngày gian khó để lo toan cho cuộc sống và chăm lo việc ăn, học của 9 người con ông bà lại rưng rưng.

"Nay quê hương và cuộc sống đã phát triển chứ xưa thì khổ cực vô cùng. Vì làng mình nằm ở vùng miền núi hẻo lánh chỉ núi đá với đồi cao. Thời đó, gia tài chỉ có bàn tay chai với ruộng nương mà con cái lại đông nên làm không đủ ăn. Có bo bo hoặc cơm độn khoai, sắn là nghĩ sướng lắm rồi", ông Thiện kể.

Ngày ông công tác xa, bà Thường ở nhà tần tảo với mảnh ruộng, đám nương để lo cái ăn cho con nhỏ. Thương con, khẩu phần ăn ở đơn vị không nhiều ông cũng để dành phần lớn hạt bo bo để đưa về cho con những lúc cắt phép.

Rồi ngày ông rời quân ngũ, cũng là lúc những đứa con bắt đầu độ tuổi đến lớp, không chỉ chuyện ăn mà còn phải lo chuyện học hành cho các con.

Trong cái khó, cái khổ ông bà Thiện luôn nhắc nhở các con phải cố gắng học lấy kiến thức để ít nhất mai sau cũng trở thành người có ích. "Con đông, nhà thì nghèo, nhưng vợ chồng quyết tâm dẫu khó khăn đến mấy cũng phải cho con học hành", bà Thường nói.

Gửi một phần thân thể nơi chiến trường rồi về quê cùng vợ nuôi lớn 8 người con làm nhiệm vụ "trồng người" - Ảnh 3.

Các con trưởng thành và có gia đình nhỏ đầm ấm, những đứa cháu cũng ngoan ngoãn và cố gắng để gìn giữ truyền thống học tập.

Thương ba mẹ vất vả, những người con của ông bà luôn chăm ngoan và có thành tích tốt trong học tập.

Chị bảo em, em nhìn thành tích tốt của chị cứ thế mà cùng nhau cố gắng học tập thật giỏi. Trong căn nhà tranh vách đất chật chội, dưới ánh đèn dầu leo lắt, ông bà không khỏi vui mừng khi các con cùng ê a những bài văn, hướng dẫn nhau giải những bài toán.

Vì nhà nằm gần bờ sông Gianh, muốn đi học ở vùng trung tâm xã các con phải chèo thuyền, đi bè vượt sông. Rồi những mùa lũ kéo về, ngồi trên nóc nhà nhìn dòng nước cuốn đi chút ít tài sản mà gia đình có. Nhìn vào cái nghèo, cái khó hiển hiện, những người con càng quyết học lấy "con chữ" và dùng những kiến thức đó mai sau thoát nghèo và cống hiến cho xã hội.

"Chúng nó cũng ham học lắm, học hết cấp nhỏ, cấp to rồi lại muốn đi học đại học, trung cấp. Đứa trước vào đại học thì đứa sau cũng muốn phấn đấu như chị", bà Thiện cho biết.

Gửi một phần thân thể nơi chiến trường rồi về quê cùng vợ nuôi lớn 8 người con làm nhiệm vụ "trồng người" - Ảnh 4.

Một trong những người con của ông bà Thiện là cô Nguyễn Thị Trúc, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Để có tiền nuôi các con ăn học, ông bà làm đủ thứ việc, đủ thứ nghề, từ trồng lúa, nuôi heo, bán trầu, đãi vàng... Nhiều khi thèm một bữa cơm có chút thịt, chút cá hay giữa trời căm rét muốn có chiếc áo lại nghĩ về học phí và sinh hoạt phí cho các con, ông bà đành phải "nhịn".

Chắc hẳn những ngôn từ chẳng thể lột tả hết những khó khăn mà ông bà đã phải vượt qua để chăm lo cho 9 người con nên người. Nhưng niềm vui và tự hào thì thể hiện rõ trên khuôn mặt và từng lời kể của vợ chồng ông Thiện: "9 đứa con đứa nào cũng học hành nên người. Một đứa làm kế toán, tám đứa còn lại làm giáo viên.

Trong 8 đứa làm giáo viên thì có đứa còn đang giảng dạy, có đứa làm hiệu phó, làm trưởng phòng giáo dục. Vợ chồng nghe con báo tin đậu trường này, được nhận làm chỗ kia mà mừng vui rơi nước mắt".

Một trong những người con của ông bà Thiện là cô Nguyễn Thị Trúc, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Nhìn lại những khó khăn đã qua, cô luôn biết ơn những hy sinh cao cả của ba mẹ và dành những yêu thương lớn lao nhất cho công ơn sinh thành và dưỡng dục.

Gửi một phần thân thể nơi chiến trường rồi về quê cùng vợ nuôi lớn 8 người con làm nhiệm vụ "trồng người" - Ảnh 5.

Đón chào ngày lễ Hiến chương Nhà giáo Việt Nam, cô Trúc nhận được nhiều tình cảm từ học sinh.

"Thương yêu ba mẹ là điều không thể nói hết bằng lời. Bây giờ cũng làm mẹ của 2 đứa con, tôi lại thấy cảm phục ba mẹ vì đã cực khổ nuôi 9 chị em chúng tôi nên người", cô Trúc tâm sự.

Khôn lớn, thành đạt, những người con của ông bà đã xây dựng cho mình hạnh phúc riêng, san sẻ những buồn vui, khó khăn cùng ba mẹ. Tuổi già, ông bà nay không còn lam lũ mà vui thú điền viên đợi con cháu cùng quây quần.

Cô giáo vượt qua nghịch cảnh, 28 năm lên lớp yêu trẻCô giáo vượt qua nghịch cảnh, 28 năm lên lớp yêu trẻ

SKĐS - Vượt qua nghịch cảnh đằng đẵng nuôi chồng và con trai bị bệnh tâm thần, cô giáo Lữ Thị Thúy vẫn ngày ngày miệt mài làm tốt công việc chăm lo cho trẻ mầm non.


Hùng Trần
Ý kiến của bạn