Là một chuyên gia phẫu thuật tài ba, GS.TS. Trịnh Hồng Sơn (Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Việt Ðức, Giám đốc Trung tâm Ðiều phối tạng Quốc gia) không chỉ được giới chuyên môn đánh giá là người có “đôi bàn tay vàng”, mà còn được người bệnh ngợi ca là một hình mẫu của “thầy thuốc như mẹ hiền”.
Trao phúc cho người bệnh
Khi anh Trần Nguyễn An Khương, một “dân phượt” đạp xe xuyên Việt với thông điệp hiến tạng đến Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia để đăng ký hiến tạng, chúng tôi đã đến gặp anh. Lát sau, GS.TS. Trịnh Hồng Sơn cũng đến, khiến chúng tôi đều ngạc nhiên vì ông luôn ngập đầu trong công việc, mỗi phút của ông được tính bằng sức khỏe của người bệnh. Hóa ra biết anh Khương rất có tâm với việc hiến tạng đến Trung tâm, GS. Trịnh Hồng Sơn đã nhờ người thay, để trực tiếp chào đón anh Khương. Ông rủ rỉ trò chuyện, tâm tình như một người thân trong gia đình. Biết anh Khương có hoàn cảnh không dư dả, trước khi chia tay, GS. Trịnh Hồng Sơn bất ngờ rút ra một số tiền tặng anh làm lộ phí trở về. Trước sự ồ lên ngạc nhiên của chúng tôi, ông cẩn thận ra “điều kiện”: Báo chí không được viết về việc này!
Chuyện GS.TS. Trịnh Hồng Sơn giúp đỡ người bệnh cũng không hề hiếm. Còn việc ông từ chối nhận cảm ơn của bệnh nhân đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Từng tận mắt chứng kiến cách ứng xử chân tình và nhân văn của ông với nhiều người, nên tôi không ngạc nhiên khi gặp nhà văn Như Bình, Trưởng ban Văn nghệ Công an (báo CAND), thấy chị hồ hởi kể: “Anh rể em vừa được GS. Trịnh Hồng Sơn mổ xong chị ạ! Ca phẫu thuật thành công mà em muốn gặp anh ấy để cảm ơn cũng không được. Ngoài chi phí theo quy định, không mất một đồng nào cả! Phúc nhà em lớn thật!”
GS.TS. Trịnh Hồng Sơn.
Đã rất nhiều người bệnh và gia đình họ được nhận cái “phúc” mà GS.TS. Trịnh Hồng Sơn trao cho, như gia đình nhà văn Như Bình. Đó là trường hợp mẹ của một giám đốc công ty luật. Khi bệnh nhân nhập viện vì khối u khổng lồ, các bác sĩ của BV Hữu Nghị đã mời GS.TS. Trịnh Hồng Sơn sang để hội chẩn. Sau khi khám bệnh, GS. Sơn cho biết, khả năng sống của bệnh nhân chỉ 5%. Ông cũng nói thật là ông ngần ngại chuyện mổ khi biết con trai bệnh nhân là luật sư, nên lo sẽ bị kiện tụng. Bởi không phải ai cũng hiểu được chuyên môn của ngành y, nên khi chẳng may mất người thân, dễ đổ lỗi cho bác sĩ. Đặc biệt, ông lo không phải cho bản thân mình, mà là lo cho người bệnh. Bởi bệnh nhân của ông đều là các ca bệnh khó, nên nếu ông bị phân tâm vì những việc phi chuyên môn, sẽ thiệt thòi cho người bệnh.
Thế nhưng, khi bệnh nhân bị vỡ khối u, GS.TS. Trịnh Hồng Sơn vẫn có mặt theo đề nghị của gia đình. Do ca mổ phức tạp, ông phải trực tiếp đứng bên bàn mổ suốt gần 10 tiếng đồng hồ. Trước đó, vì ông đã mổ 2 ca tại BV Việt Đức, nên khi kết thúc ca phẫu thuật, ông đã mệt thỉu đi sau gần trọn một ngày căng thẳng, không được nghỉ ngơi, ăn uống. Nhưng khi gia đình bệnh nhân xin gặp để bày tỏ lòng cảm ơn, ông kiên quyết từ chối.
Các dịp lễ Tết, ông cũng luôn về quê, để tránh sự hàm ơn của người bệnh. Với GS.TS. Trịnh Hồng Sơn, chữa bệnh cho mọi người là công việc ông làm từ cái tâm và ông thấy không cần phải nhận lại sự cảm ơn.
Tâm huyết với nghề
Với công việc, GS.TS. Trịnh Hồng Sơn là một người vô cùng tâm huyết. Ông đặc biệt say mê trong lĩnh vực phẫu thuật ung thư tiêu hóa, như ung thư gan, tụy, dạ dày và đặc biệt là ghép gan. Thành công trong ghép gan từ người cho chết não đã “cải tử hoàn sinh” cho nhiều bệnh nhân. “Cây đại thụ” về phẫu thuật tiêu hóa - GS.TS. Ðỗ Ðức Vân - từng nhận xét: “Bác sĩ Trịnh Hồng Sơn là một trong những người thuộc thế hệ thứ 3 đã có đóng góp đáng trân trọng trong việc kế thừa và phát triển các thành tựu trong phẫu thuật gan mà cố GS. Tôn Thất Tùng đã bắt đầu tại Việt Nam”.
Cùng với thành công trong phân loại biến đổi giải phẫu đường mật, tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch gan,... GS.TS. Trịnh Hồng Sơn cũng thành công trong cắt khối tá tụy, đem lại sự sống cho hàng trăm bệnh nhân. Ông chính là người đưa kỹ thuật Frey lấy sỏi tuyến tụy về Việt Nam và triển khai kỹ thuật mở ống mật chủ trong lòng tụy giải quyết tắc mật, cứu sống rất nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo này.
Mỗi ngày mổ 4-5 ca, nhiều khi đông bệnh nhân, ông phải thức thâu đêm suốt sáng, đã trở thành chuyện bình thường. Cái ý nghĩ giản dị rằng nếu mình cố gắng thì người bệnh có thêm cơ hội sống chính là động lực thôi thúc ông trong những lúc mệt mỏi nhất.
Quá trình phát triển của lĩnh vực ghép tạng ở BV Việt Đức có vai trò không nhỏ của GS.TS. Trịnh Hồng Sơn. Mỗi lần nói về lĩnh vực hiến tạng, ông lại say mê như người... lên đồng. Ông thường mang theo cả tập mẫu đăng ký và tranh thủ vận động đăng ký hiến tạng với bất cứ ai! Ban đầu chúng tôi cũng ngại ngần vì sợ “xúi quẩy”, nhưng rồi đã có nhiều nhà báo đăng ký hiến tạng theo sự vận động của ông.
Đặc biệt, trong kỳ tích ghép tạng của y học Việt Nam vào tháng 9/2015, khi lần đầu tiên, các bác sĩ BV Việt Đức đã ghép tạng thành công từ khối tạng được vận chuyển từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội, dấu ấn của GS.TS. Trịnh Hồng Sơn để lại khá đậm nét.
Đó là một ngày vô cùng căng thẳng với hành trình đi về gần 4.000km, ông cùng ê-kíp đã phải vừa tính toán từng kỹ thuật lấy tạng, rồi lo bảo quản tạng dọc đường, lại chỉ đạo việc chuẩn bị ghép tạng. Sau khi nhận được thông báo BV Chợ Rẫy có người hiến tạng, GS.TS. Trịnh Hồng Sơn cùng PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết lập tức rà soát, lựa chọn người có các chỉ số phù hợp, rồi tập trung chuẩn bị thủ tục cho người được ghép tạng. PGS.TS. Trịnh Hồng Sơng cùng ê-kíp phẫu thuật của BV Việt Đức cấp tốc bay vào TP.HCM để phẫu thuật, tiếp nhận tạng.
Khi phẫu thuật bóc tách tạng của người hiến, GS. Trịnh Hồng Sơn đã phải ngâm đôi bàn tay trong đá lạnh buốt để nhiệt độ đảm bảo làm ngưng quá trình chuyển hóa của tế bào tạng. Ngay khi tạng được đưa vào dung dịch bảo quản đặc biệt, ông lại chỉ huy cả ê-kíp lập tức lên xe ra sân bay Tân Sân Nhất, kịp đưa tạng về Hà Nội ghép trong thời gian cho phép.
Trên xe, ông mới kịp thay bộ đồ phòng mổ và cũng gần nửa đêm, ông và các bác sĩ mới kịp ăn bữa chiều chỉ là mấy chiếc bánh mì.
Suốt hành trình ra Hà Nội, PGS. Trịnh Hồng Sơn phải “canh” khối tạng từng phút, để bơm dung dịch hỗ trợ. 23h30 mới đưa được tạng về BV, ông lại cùng ê-kíp bắt tay vào ca ghép kéo dài suốt 6,5 tiếng liền. Sau một ngày dài vất vả và căng thẳng, lại thêm một đêm trắng để mang lại sự sống cho bệnh nhân, nhưng buông dao mổ, chẳng kịp nghỉ ngơi, ông lại phải lên đường đi công tác tỉnh xa.
Ngày 2 bệnh nhân ghép tạng ra viện, GS. Trịnh Hồng Sơn mừng như người thân của ông vậy. Tôi thật sự xúc động khi trước cuộc họp báo, thấy ông cứ băn khoăn vì mái tóc của bệnh nhân Nguyễn Văn Hải có gì đó chưa ổn. Rồi ông vuốt nhẹ mái tóc, lại lấy lược ra chải, chăm chút như người cha với đứa con nhỏ của mình. Tôi cảm nhận được ân tình của người thầy thuốc trong cử chỉ mà dường như không ai để ý giữa cảnh ồn ào của niềm vui ngày bệnh nhân ra viện.
Vì những bệnh nhân vùng sâu, vùng cao
Không mấy ai biết rằng, gần 10 năm trước, GS.TS. Trịnh Hồng Sơn từng lăn lộn dọc tuyến biên giới phía Bắc, thậm chí, có mặt ở Cao Bằng từ năm 2000, để hỗ trợ hàng trăm ca mổ, góp sức thay đổi chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) ở các BV miền núi, mong muốn người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn và giảm tải cho BV tuyến trên.
Thời điểm đó, các BV tuyến dưới chưa làm được gì, từ phẫu thuật cắt ruột thừa, mổ đẻ đều phải chuyển về tuyến trên. Là người phụ trách công việc chuyển giao công nghệ cho tuyến dưới của BV Việt Đức, GS.TS. Trịnh Hồng Sơn rất trăn trở. Sau khi tìm hiểu và nghiên cứu, ông cho rằng lúc này, phải làm sao để đạt hiệu quả cao nhất trong thời gian ngắn nhất. Ông gặp lãnh đạo các BV ở miền Bắc để khảo sát xem nhu cầu từng BV cần gì và đánh giá thực trạng của các BV. Nhận thấy các BV tuyến dưới, nhất là ở các địa phương miền núi đều thiếu và yếu ở tất cả các lĩnh vực, ông bàn bạc với lãnh đạo BV Việt Đức tập trung nâng cao chất lượng cho các BV khó khăn nhất trước. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ những vấn đề cấp thiết như trình độ, nhân sự để đủ điều kiện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật. Ông cũng khảo sát số lượng bệnh nhân cần điều trị bằng kỹ thuật chuyển giao ở các BV tuyến dưới, để BV nào đông bệnh nhân thì sẽ cử cán bộ về trước.
GS.TS. Trịnh Hồng Sơn cũng họp với lãnh đạo các BV tuyến dưới và các cán bộ được cử đi luân phiên, để thống nhất kỹ thuật chuyển giao rồi mới ký kết hợp đồng chuyển giao. Điều khác biệt ở BV Việt Đức là, trong khi nhiều BV đưa các bác sĩ trẻ, nên chưa nhiều kinh nghiệm về tuyến dưới hỗ trợ, thì GS. Trịnh Hồng Sơn lại bàn với lãnh đạo Ban Giám đốc BV Việt Đức phải lựa chọn các bác sĩ giỏi về tuyến dưới để việc chuyển giao hiệu quả.
Quy định các cán bộ về tuyến dưới hỗ trợ phải đủ 3 tháng, nhưng ông cho rằng, nếu bác sĩ tuyến trên về, mà không có bác sĩ tuyến dưới tiếp nhận kỹ thuật, hoặc có bác sĩ nhưng không có bệnh nhân, thì rất lãng phí. Ông mạnh dạn đề xuất chỉ khi có bác sĩ tuyến dưới tiếp nhận công nghệ, hoặc BV tuyến dưới có bệnh nhân, thì bác sĩ tuyến trên mới về chuyển giao. Sự linh hoạt này giúp cho việc chuyển giao hiệu quả, mà BV Việt Đức cũng không bị ùn ứ bệnh nhân do thiếu bác sĩ.
GS. Trịnh Hồng Sơn hiểu sâu sắc thực trạng ở BV các tỉnh miền núi là thiếu cả trang thiết bị lẫn nhân lực có trình độ, vì thế, muốn nâng cao chất lượng KCB, phải chuyển giao toàn bộ quy trình. Ông trực tiếp khám để phát hiện ra các bệnh nhân rồi lại trực tiếp phẫu thuật để chuyển giao kỹ thuật cho các tỉnh. Bằng phương pháp “cầm tay chỉ việc”, GS. Trịnh Hồng Sơn đã giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian đào tạo lại cho các bác sĩ tuyến dưới, giúp họ hiểu được các chuyên ngành không thể hoạt động độc lập, mà phải liên kết chặt chẽ khi KCB, từ ngoại khoa đến nội khoa, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh,...
GS.TS. Trịnh Hồng Sơn còn có vị trí đặc biệt trong phát triển lĩnh vực giải phẫu bệnh ở các tỉnh miền núi. Ông tâm sự, khi về chuyển giao kỹ thuật ở các BV miền núi, ông ngạc nhiên vì hầu hết các BV đều chưa có hoạt động giải phẫu bệnh, mà đây là chuyên ngành rất quan trọng, có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác, tiên lượng được tình trạng bệnh, thậm chí xác định được bệnh nhân bị u lành hay u ác, để có hướng điều trị hiệu quả. Biết rõ rằng đây là vấn đề mấu chốt trong việc nâng cao chất lượng KCB ở tuyến dưới, ông đã tập trung hỗ trợ phát triển lĩnh vực này cho các BV tỉnh, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đến nhân lực.
Đúng như dự kiến, chỉ sau một thời gian ngắn, hoạt động giải phẫu bệnh ở BV đa khoa ở 12 tỉnh miền núi đã thay đổi mạnh mẽ, làm cơ sở để nâng cao chất lượng KCB. Thay vì phải mang về tận Hà Nội như trước, nhiều xét nghiệm đã được thực hiện tại chỗ, giảm thời gian chẩn đoán, điều trị, góp phần cứu sống nhiều người bệnh. Đặc biệt, nhờ quy trình chuẩn của giải phẫu bệnh mà số liệu ở các BV địa phương đủ điều kiện tin cậy để tiến hành các đề tài nghiên cứu khoa học. Việc các tỉnh Hòa Bình, Điện Biên và Tuyên Quang đã có nhiều người được đào tạo tiến sĩ y khoa dựa trên nền tảng này, có công rất lớn của GS.TS. Trịnh Hồng Sơn trong việc phát triển lĩnh vực giải phẫu bệnh.
Với tâm niệm giúp cho người dân nghèo được chữa bệnh kịp thời, nên GS.TS. Trịnh Hồng Sơn luôn có mặt ở các huyện vùng biên xa xôi, kẻo lánh, để tiếp nhận bệnh nhân, hỗ trợ các bác sĩ tuyến dưới. Dĩ nhiên, ở các tỉnh vùng biên, từ đường xá đến điện nước, trang thiết bị, điều kiện sinh hoạt đều hết sức khó khăn, nhưng đã không cản được nhiệt tình của người thầy thuốc đầy tâm huyết. Có thời gian, nhiều tháng ròng GS.TS. Trịnh Hồng Sơn phải xa gia đình, đơn độc nơi rừng xanh núi thẳm, nhưng mỗi khi về Hà Nội, ông lại cắm cúi làm việc ở BV, để đáp ứng nỗi chờ mong khắc khoải của bao bệnh nhân.
Với việc chuyển giao kỹ thuật vừa khoa học, vừa sáng tạo, GS.TS. Trịnh Hồng Sơn và các đồng nghiệp đã mang lại những hiệu quả to lớn cho công tác KCB ở tuyến dưới. Chỉ riêng công trình chuyển giao kỹ thuật ở 9 bệnh ngoại khoa tiêu hóa thường gặp đã tiết kiệm được hơn 4 tỷ đồng. Đặc biệt, sau gần 10 năm được chuyển giao, lĩnh vực ngoại khoa ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã phát triển vượt bậc.
Ông Nguyễn Công Huấn, Giám đốc Sở Y tế Lai Châu, cho biết, từ khi được GS.TS. Trịnh Hồng Sơn và các bác sĩ của BV Việt Đức chuyển giao công nghệ, trang thiết bị, kỹ thuật ngoại khoa ở địa phương hoàn toàn thay đổi, đặc biệt, các bác sĩ đã thành thạo các kỹ thuật ngoại tiêu hóa. Nhờ đó, nhiều người bệnh được cấp cứu tại chỗ. Từ chỗ yếu mọi mặt, nay Lai Châu lại trở thành có thế mạnh về ngoại, hồi sức cấp cứu, tỷ lệ chuyển tuyến chung còn khoảng 50%. Với một tỉnh vùng biên xa xôi, giao thông còn khó khăn, điều kiện kinh tế cũng như dân trí chưa cao như Lai Châu, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, khi nhiều người bệnh được cứu sống kịp thời, mà vụ tai nạn ở cầu Chu Va là minh chứng rõ nhất.
GS.TS. Trịnh Hồng Sơn có thể tự hào khi giờ đây, sau những tháng ngày tận tụy của ông, ở các BV miền núi, nhiều kỹ thuật từng phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên 100% nay đã làm được tại chỗ, hoặc chỉ chuyển với tỷ lệ nhỏ. Các BV cũng đã làm được 100% hoạt động giải phẫu bệnh, giúp cho việc điều trị chính xác, nhanh chóng. Người bệnh không phải về tận Hà Nội mới được KCB bằng các kỹ thuật cao, nên giảm được sự phiền hà cũng như chi phí đi lại và điều trị bệnh.