Theo GS.TS Trần Văn Thuấn- Giám đốc Bệnh viện K, song hành với sự phát triển về khoa học công nghệ tại Việt Nam, việc ứng dụng những tiến bộ mới, trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao trong chẩn đoán và điều trị đã giúp người bệnh được phát hiện sớm, tăng tỷ lệ chữa trị khỏi và kéo dài thời gian sống thêm. Ung thư sẽ không hẳn là “án tử” đối với người dân Việt Nam.
Giám đốc Bệnh viện K cho biết, mới đây, cụm công trình khoa học “Dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ung thư vú” của nhóm tác giả Bệnh viện K đã chỉ ra việc ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử FISH – phương pháp lai tại chỗ gắn huỳnh quang trong chẩn đoán và liệu pháp điều trị đích bằng kháng thể đơn dòng Trastuzumab đã cải thiện ngoạn mục về tỷ lệ sống thêm cho người bệnh ung thư vú có độ ác tính cao “thụ thể HER2 dương tính”.
Theo GS. TS Trần Văn Thuấn, từ lúc trang thiết bị y tế hết sức tối giản là các type radium được chuyển về điều trị từ Cộng hòa Pháp thì nay Bệnh viện K đã có 9 hệ thống xạ trị gia tốc đơn và đa mức năng lượng cùng hệ thống xạ phẫu Gama knife hiện đại nhất trên Thế giới, đặc biệt là hệ thống gia tốc VERSA HD, cho phép triển khai được các kỹ thuật mới tiên tiến như xạ trị định vị thân (SBRT), xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh (IGRT), giúp nâng cao hiệu quả điều trị và giảm thiểu tối đa tới sức khỏe người bệnh.
Bên cạnh việc ứng dụng phẫu thuật nội soi đã trở thành thường quy, mới đây Bệnh viện K đã mạnh dạn đầu tư hệ thống phẫu thuật Robort Davici XR mới nhất từ Hoa Kỳ với kinh phí trên 80 tỷ đồng. Bệnh viện K là Bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam trang bị hệ thống Robot này và đưa vào hoạt động với sự tham gia của đội ngũ y bác sỹ đã được đào tạo và trang bị đầy đủ kiến thức cũng như kỹ năng. Hệ thống này cho phép phẫu thuật tới các “vùng sâu, vùng xa” mà bình thường bàn tay của các phẫu thuật viên khó với tới được, ít làm tổn thương vùng xung quanh và người bệnh nhanh phục hồi sau mổ.
Trong các phương pháp ngoại khoa điều trị ung thư, phẫu thuật nội soi Robot là kỹ thuật cao nhất có tích hợp trí tuệ nhân tạo và cách mạng 4.0
Robot Da Vinci chỉ định cho những bệnh nhân ung thư đầu cổ, hạ họng thanh quản, ung thư phổi, ung thư thực quản, dạ dày, đại trực tràng, ung thư gan mật tụy, các ung thư phụ khoa , ung thư tiền liệt tuyến, ung thư bàng quang …
GS.TS Trần Văn Thuấn cũng thông tin, ngoài bệnh viện K, hiện nay các bệnh viện, trung tâm ung bướu trên toàn quốc hiện đã được trang bị những thiết bị tối tân như hệ thống PET/CT cho khả năng xác định tổn thương chính xác, chẩn đoán sớm và đúng giai đoạn bệnh; hệ thống can thiệp mạch số hóa xóa nền DSA hỗ trợ chẩn đoán và can thiệp bệnh lý vùng não, lồng ngực và tim mạch; hệ thống xạ phẫu Gamma Knife đối với các tổn thương não ở vị trí khó tiếp cận bằng phẫu thuật, giúp rút ngắn thời gian điều trị.
ứng dụng các liệu pháp miễn dịch, phương pháp điều trị nhắm trúng đích cho các bệnh ung thư vú, phổi, dạ dày…; ứng dụng các kỹ thuật xạ trị hiện đại như xạ trị điều biến thể tích hình cung (VMAT), xạ trị điều biến liều (IMRT), cho ung thư cổ tử cung, gan, phổi...
“Đặc biệt, những dịch vụ kỹ thuật này đều nằm trong danh mục được cơ quan BHXH chi trả cho người bệnh có thẻ BHYT”- GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết.
Theo Gs.Ts Trần Văn Thuấn, người dân Việt Nam giờ đã có thể hoàn toàn tin tưởng lựa chọn các cơ sở y tế trong nước để khám và điều trị, đặc biệt trong lĩnh vực ung bướu với chất lượng ngang tầm khu vực và thế giới.
Tại Việt Nam, năm 2018 có 164.671 ca mới mắc ung thư, 114.871 trường hợp tử vong do bệnh ung thư. Hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư. Phần lớn người bị bệnh ung thư ở Việt Nam đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém.