Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, BS Nguyễn Thành Danh báo cáo, tình hình Bình Dương trong 1 tuần trở lại đây rất phức tạp.
Công tác truy vết gặp khó khăn do thiếu nhân lực vì vậy rất cần sự hỗ trợ chuyên môn và giúp đỡ của các chuyên gia từ Bộ Y tế.
Dự báo trong những ngày tới số ca mắc COVID-19 của Bình Dương tiếp tục tăng. Bình Dương đề nghị tăng cường 100-120 thầy thuốc từ các địa phương đến hỗ trợ cho tỉnh.
GS.TS Trần Văn Thuấn và đoàn công tác nghe báo cáo của đơn vị điều trị bệnh nhân COVID-19
Video: BS Trần Tuấn Thanh, Phó giám đốc TTYT TX Bến Cát, tỉnh Bình Dương, phụ trách cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ trả lời phỏng vấn PV Báo SK&ĐS
TS Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết: Số ca mắc COVID-19 của tỉnh đang tăng nhanh, hàng ngày. Tỉnh Bình Dương đã thực Chỉ thị 16, tuy nhiên công bằng nhìn nhận chưa thực hiện chưa tốt. Chúng tôi cũng đang rất lo lắng nếu dịch "tấn công" vào khu công nghiệp.
Chuẩn bị cho các tình huống xấu, Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ để có 5.000 giường nhưng muốn nâng số giường lên sẽ rất khó khăn. Hiện tại, tỉnh có 50 giường ICU đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ nhằm đạt 100 giường
TS Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế, Bộ Y tế cho biết: Trong những ngày gần đây, Bình Dương liên tục phát hiện các ca mắc khi đến khám tại các cơ sở y tế và cộng đồng, số ca mắc tại hai khu vực này đang gia tăng liên tục.
Do đó, trong cộng đồng đang tồn tại các điểm dịch âm ỉ, dự báo nếu không quyết liệt sẽ bùng phát dịch trên diện rộng trong một vài tuần tới. Đề nghị ngành y tế Bình Dương phải tham mưu với lãnh đạo tỉnh phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.
GS. TS Trần Văn Thuấn, kiểm tra công tác chuẩn bị, thu dung điều trị bệnh nhân nặng cơ sở 2 của tỉnh Bình Dương
Thời gian 12 ngày tới là cực kỳ quan trọng, đây là thời gian “vàng” nếu thực hiện quyết liệt Chỉ thị 16 sẽ giúp Bình Dương làm chậm lại các chuỗi lây nhiễm, nhất là các chuỗi, ổ dịch chưa phát hiện được.
Với các biện pháp quyết liệt như: Thực hiện nghiêm Chỉ thị 16; Kiểm soát chặt ổ dịch tại khu phong tỏa; Đẩy mạnh điều tra, truy vết, xử lý ổ dịch; Tăng cường xét nghiệm, tổ chức lấy mẫu với mục tiêu cần phải phát hiện được toàn bộ F0, nếu không kiểm soát được toàn bộ F0 dịch bệnh sẽ kéo dài trên địa bàn tỉnh.
Bình Dương đã cho phép thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà; đẩy mạnh công tác thu dung điều trị. Phòng, chống dịch cho các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp. Khu nhà trọ cũng rất đáng lo vì có nhiều nhà xen kẽ với nhà dân.
GS.TS Trần Văn Thuấn làm việc với tổ công tác của Bộ Y tế và Sở Y tế Bình Dương
Góp ý về công tác truy vết, ông Đỗ Đức Duy, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, Bình Dương cần tăng tốc trong công tác truy vết, đề nghị địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị trên địa bàn cùng với ngành y tế truy vết đến những người liên quan với các ca bệnh.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục QLKCB nhận định số ca F0 tăng nhanh trong thời gian tới cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu. Đề nghị làm test nhanh Bình Dương đã sẵn sàng 4.000 giường. Về cơ sở điều trị bệnh nhân nặng chưa đạt 100 giường, tỉnh phải khẩn trương bổ sung sớm dự phòng cho các tình huống xấu.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, Bình Dương phải làm thật tốt chống dịch theo đúng phương châm 4 tại chỗ, chỉ đạo chống dịch cần phải thống nhất, cụ thể.
Theo chương trình, chiều nay 13/7/2021, Thứ trưởng Bộ Y tế sẽ làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương về công tác chống dịch trên địa bàn.
Báo Sức khỏe&Đời sống, tiếp tục phản ánh buổi làm việc này.