Hà Nội

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế: Chúng tôi cảm kích tinh thần tình nguyện của thầy thuốc vào tâm dịch

03-08-2021 14:54 | Y tế

SKĐS - Những ngày này, thầy thuốc của nhiều địa phương tình nguyện vào các tỉnh phía Nam chống dịch COVID-19. Khi Tổ quốc cần, hình ảnh áo blouse trắng miệt mài trên khắp nẻo đường, từ phòng hồi sức tích cực đến những nẻo đường truy lấy mẫu xét nghiệm... nơi đâu cũng có bóng dáng nhân viên y tế.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã trả lời phỏng vấn báo chí về tăng cường lực lượng chống dịch tại các tỉnh phía Nam.

PV: Thưa thứ trưởng, các tỉnh phía Nam đang cần lực lượng y tế từ các tỉnh, thành phố trong cả nước tới chi viện. Xin Thứ trưởng cho biết việc tăng cường lực lượng đã được thực hiện như thế nào?

GS.TS Trần Văn Thuấn: Ngày 3/8 Văn phòng Chính phủ đã  ban hành Văn bản hỏa tốc số 5258/VPCP-KGVX gửi Bộ trưởng Bộ Y tế  và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc tăng cường nhân lực y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19.  

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Y tế chủ động, khẩn trương hơn nữa trong việc chỉ đạo tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực điều trị, hồi sức cấp cứu trên phạm vi cả nước; căn cứ yêu cầu và khả năng đáp ứng chung trên bình diện toàn quốc, triển khai ngay phương án điều động, chi viện kịp thời cho các địa phương đang có nhiều ca lây nhiễm, bệnh nặng.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan y tế địa phương nâng cao năng lực, tham gia lực lượng chi viện theo sự điều động của Bộ trưởng Y tế.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP. HCM đã kêu gọi các đồng nghiệp, bao gồm giảng viên, sinh viên các trường đại học khối sức khỏe, các thầy thuốc về hưu, các y bác sĩ công tác trong các cơ sở y tế tư nhân tham gia chống dịch, tiêm chủng, điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

Những lời kêu gọi này nhận được sự hưởng ứng rất lớn của đội ngũ thầy thuốc trên mọi miền của Tổ quốc, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc, trong đó có nhiều tỉnh mới trải qua dịch như YênBái, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang… Riêng tại TP. HCM đã có 3.000 người đăng ký tham gia chống dịch.

Các bệnh viện tuyến trung ương đã điều động nhân sự đến TP. HCM và các tỉnh đang là điểm nóng của dịch bệnh tại miền Nam. Bệnh viện Bạch Mai đã cử hơn 200 thầy thuốc tới TPHCM để vận hành trung tâm hồi sức tích cực 500 giường tại BV Dã chiến số 16. Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế cũng điều động số lượng nhân sự lớn lên tới hàng trăm người tới vận hành trung tâm hồi sức tích cực do các BV này phụ trách tại TP. HCM.

Các y, bác sĩ là những chuyên gia hàng đầu của Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện E, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện K, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện 71 trung ương, Bệnh viện 74 trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương... đã, đang là lực lượng nòng cốt phối hợp với lực lượng y tế các tỉnh, thành phố ở miền Nam điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng với mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế: Chúng tôi cảm kích tinh thần tình nguyện của thầy thuốc xung phong vào tâm dịch - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn động viên thầy thuốc BV Đại học Y Hà Nội tăng cường cho tỉnh Bình Dương.

Tổng số lượng tất cả các nguồn nhân lực chi viện cho TP. HCM và các tỉnh, thành phía Nam lên đến 10 nghìn người. Tôi đã gặp và thật sự cảm động khi được biết nhiều đồng nghiệp của chúng tôi chống dịch liên miên. Dịp Tết Tân Sửu vừa qua, có những thầy thuốc không được đón Xuân ở nhà cùng người thân. 

Chúng tôi thực sự cảm kích trước tinh thần tình nguyện của các y bác sĩ, họ thể hiện trách nhiệm cao cả của người thầy thuốc trong tình hình dịch bệnh, sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng vì sức khỏe của cộng đồng.

PV: Thưa ông, với tình hình dịch bệnh ở phía Nam đặc biệt là TP HCM đang hết sức phức tạp như hiện nay, việc tăng cường các lực lượng y tế vào hỗ trợ có ý nghĩa như thế nào trong công tác phòng chống dịch cũng như điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại đây?

GS.TS Trần Văn Thuấn: Đội ngũ nhân viên y tế tại các địa phương có dịch, đặc biệt tại TP. HCM đã phải làm việc liên tục với cường độ cao trong nhiều ngày. Điều này khiến chất lượng công việc có thể giảm sút.

Do vậy rất cần lực lượng thay thế, "đảo quân" để thầy thuốc được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động và tiếp tục lên tuyến đầu. Chúng ta biết rằng cuộc chiến chống dịch sẽ còn phải kéo dài thêm trong khoảng thời gian nữa, do vậy, việc phân bổ thời gian hợp lý và khoa học để đội ngũ thầy thuốc có thể  "chiến đấu" lâu dài và đảm bảo chất lượng công việc là rất cần.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế: Chúng tôi cảm kích tinh thần tình nguyện của thầy thuốc xung phong vào tâm dịch - Ảnh 2.

GS.TS Trần Văn Thuấn thăm, động viên thầy thuốc tăng cường cho tỉnh Đồng Nai

Bên cạnh đó, việc mở ra các trung tâm hồi sức tích cực để điều trị các bệnh nhân nặng, bệnh nhân nguy kịch cũng đòi hỏi lượng nhân sự y tế rất lớn. Vào thời khắc khó khăn của dịch bệnh, chúng ta cần rất nhiều những thầy thuốc tình nguyện vào tâm dịch, cống hiến sức lực, tâm huyết, kinh nghiệm, lòng yêu đời – yêu người, cho công cuộc chống dịch chưa từng có trong tiền lệ.

PV: Được biết, hiện Bộ Y tế đã cử các lãnh đạo bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Đại Học Y… trực tiếp chỉ đạo thực hiện gấp rút triển khai các trung tâm hồi sức tích cực lớn, để đảm bảo việc điều trị cho người bệnh COVID-19 tại các tỉnh thành phía Nam. Vậy Thứ trưởng có thể cho biết, công việc này đang được triển khai đến đâu?

GS.TS Trần Văn Thuấn: Bộ Y tế đã chỉ định và thành lập 12 Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia quy mô từ 200-3.000 giường bệnh Hồi sức tích cực đặt tại các bệnh viện gồm: Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2), Bệnh viện Việt Đức (cơ sở 2), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2), Bệnh viện ĐH Y Dược TP. HCM, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 TP. HCM (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP. HCM), Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103.

Tại TP. Hồ Chí Minh, điểm nóng nhất của đợt dịch hiện nay, Bộ Y tế cùng TP. HCM đã xây dựng Bệnh viện Hồi sức COVID-19 quy mô 1000 giường và giao cho BV Chợ Rẫy quản lý. Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Y tế đã cùng Bí thư Thành ủy TP. HCM khảo sát việc thiết lập 4 trung tâm hồi sức, mỗi trung tâm 500 giường do Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện ĐH Y Dược TP. HCM phụ trách.                                                                                                           

Các bệnh viện trung ương đưa nhân sự giỏi, trang thiết bị hiện đại và quy trình vận hành chuẩn của mình tới áp vào các trung tâm hồi sức này; Bộ Y tế xuất cấp các trang thiết bị, vật tư y tế; chính quyền và ngành y tế địa phương hỗ trợ nhân lực, hậu cần và phối hợp điều phối bệnh nhân.

Đây là những trung tâm hồi sức tích cực điều trị các bệnh nhân nặng và nguy kịch với mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19. Trong tuần qua Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã hồi phục ngoạn mục cho hơn 100 bệnh nhân; cho xuất viện 20 bệnh nhân từng là những bệnh nhân nặng.

Điều này cho thấy các trung tâm hồi sức tích cực có vai trò rất quan trọng trong điều trị. Từ chiều tối qua, Trung tâm hồi sức tích cực của BV ĐH Y Dược TP. HCM đã bắt đầu nhận bệnh nhân. Trung tâm HSTC của Bạch Mai sẽ tiếp nhận bệnh nhân trong chiều nay (3/8). Hai Trung tâm của BV Việt Đức và BV Trung ương Huế đang được hoàn thiện theo hình thức cuốn chiếu, sẽ tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân đầu tiên trong ba ngày tới.

Có thể nói Bộ Y tế, toàn bộ ngành y tế và chính quyền các cấp ở TP. HCM đang hoạt động hết công suất để đưa 4 trung tâm HSTC vào hoạt động và chúng tôi tin rằng những trung tâm này sẽ cứu được rất nhiều bệnh nhân COVID-19.

PV: Cảm ơn Thứ trưởng Trần Văn Thuấn!

.....


Anh Văn
Ý kiến của bạn