GS.TS. Tạ Thành Văn: Cần có chính sách đặc thù cho đào tạo bác sĩ nội trú

26-02-2024 06:57 | Xã hội
google news

SKĐS - "Trong thời gian đào tạo, Bác sĩ nội trú cần có sự hỗ trợ về tài chính ít nhất phải đủ để trả tiền học phí và trang trải cho cuộc sống. Gói tài chính này do các cơ sở thực hành chi trả", GS.TS. Tạ Thành Văn nêu ý kiến.

Năm 2024 đánh dấu mốc đào tạo 50 năm Bác sĩ nội trú (1974 - 2024) Trường Đại học Y Hà Nội, nhân dịp này, phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội về chương trình đào tạo Bác sĩ nội trú hiện nay.

- Là Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội, ông có thể chia sẻ rõ hơn về chương trình đào tạo Bác sĩ nội trú (BSNT) hiện nay. Nhà trường có gặp khó khăn gì trong quá trình đào tạo?

GS.TS. Tạ Thành Văn: Năm nay, ngành Y tế Việt Nam tổ chức kỷ niệm 50 năm đào tạo BSNT, một dấu mốc quan trọng đối với loại hình đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao cho nước nhà. Khóa đầu tiên của BSNT diễn ra tại Trường Đại học Y Hà Nội và sau đó được lan rộng ra một số trường đại học Y Dược khác.

Từ đó đến nay đã được 50 năm. Tổng số BSNT đã được đào tạo tại Trường Đại học Y Hà Nội là 3.498 (chiếm 41,5% số BSNT được đào tạo trong tất cả các cơ sở đào tạo ở Việt Nam).

GS.TS. Tạ Thành Văn: Cần có chính sách đặc thù cho đào tạo bác sĩ nội trú- Ảnh 1.

GS.TS. Tạ Thành Văn trao đổi với Sức khỏe và Đời sống về đổi mới mô hình đào tạo BSNT.

Việc đào tạo BSNT ở Việt Nam nói chung và ở Trường Đại học Y Hà Nội nói riêng gặp một số khó khăn, đó là: Chương trình đào tạo chưa đổi mới kịp với nhu cầu và đòi hỏi về chất lượng, tính chuyên nghiệp của các cơ sở khám chữa bệnh ở Việt Nam; Việc mở rộng đào tạo BSNT là cần thiết song thiếu hụt các cơ sở thực hành đáp ứng được yêu cầu chất lượng đào tạo; Chế độ cho các BSNT trong quá trình đào tạo còn quá nhiều bất cập, các BSNT vẫn phải đóng học phí, không có lương hay phụ cấp trong 3 năm đào tạo.

BSNT của một số chuyên ngành có chút ít phụ cấp song không phải là chính sách mang tính hệ thống. 9 năm đào tạo Y liên tục, phải chi trả học phí và tự chu cấp thì quả là một sự đầu tư quá lớn, đôi khi vượt quá khả năng với nhiều người dân Việt Nam (các BSNT ở các nước đều có trợ cấp, đủ chi trả cho việc học hành và cuộc sống).

- Chương trình đào tạo BSNT của nước ta có khác gì so với các nước trên thế giới, thưa ông?

GS.TS. Tạ Thành Văn: Hiện nay, BSNT ở Việt Nam chưa bắt buộc. Sau tốt nghiệp 6 năm thì phải trải qua một kỳ thi tuyển đầu vào khóa học BSNT. Ai đỗ thì sẽ học thêm 3 năm, dưới sự quản lý của nhà trường, phối hợp với cơ sở thực hành. Khung chương trình đào tạo BSNT cố định cho tất cả các chuyên ngành (chương trình chi tiết thì khác nhau giữa các chuyên ngành).

Ở các nước, đào tạo BSNT là bắt buộc. Cuộc thi đầu vào của BSNT ở nhiều nước là kỳ thi toàn quốc. Trong quá trình đào tạo các học viên BSNT được hưởng phụ cấp do các cơ sở thực hành chi trả. Thời gian và khung chương trình đào tạo BSNT khác biệt giữa các chuyên ngành.

GS.TS. Tạ Thành Văn: Cần có chính sách đặc thù cho đào tạo bác sĩ nội trú- Ảnh 2.

GS.TS. Tạ Thành Văn (thứ ba, từ phải sang) trong một buổi giao ban và giảng dạy chuyên môn cho BSNT, cán bộ Khoa xét nghiệm Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

- Như vậy theo ông, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đất nước về BSNT - những nhân tài y khoa, thời gian tới, mô hình đào tạo BSNT cần phải đổi mới như thế nào?

GS.TS. Tạ Thành Văn: Tôi không muốn gọi BSNT là nhân tài y khoa. Cụm từ phù hợp hơn là nhân lực y tế chất lượng cao. Để đạt được mục tiêu này thì cần đổi mới chương trình đào tạo (theo chuẩn năng lực), đổi mới cách thức đào tạo và mô hình quản lý.

Trường Đại học Y Hà Nội đang trong quá trình đổi mới loại hình đào tạo này theo mô hình của Trường Harvard (Hoa Kỳ). Hiện đang triển khai thí điểm đối với chương trình đào tạo BSNT Ngoại và Nội. Trong đó phải xây dựng chuẩn đầu ra, chuẩn đầu vào và chuẩn năng lực; Đổi mới phương pháp dạy và học, phương pháp lượng giá và cách thức quản lý. Sau khi thành công thì sẽ nhân rộng sự đổi mới này đối với 39 chuyên ngành đào tạo BSNT khác của trường.

- Hiện nay, các chính sách tuyển dụng, đãi ngộ còn nhiều bất cập, BSNT vẫn rất thiệt thòi về lương khởi điểm, chỉ được hưởng mức lương tương tự các ngành học có thời gian đào tạo 4 năm, số năm công tác cũng thiệt thòi hơn do thời gian nội trú tại bệnh viện không được tính là thời gian công tác… Là Chủ tịch Hội đồng của một ngôi trường với bề dày kinh nghiệm đào tạo BSNT, ông có kiến nghị gì?

GS.TS. Tạ Thành Văn: Chúng ta cần có chính sách đặc thù cho loại hình đào tạo này. BSNT các chuyên ngành khác nhau sẽ có thời gian đào tạo khác nhau với các khung chương trình khác nhau phù hợp với nhu cầu của từng chuyên ngành.

Trong thời gian đào tạo, BSNT cần có sự hỗ trợ về tài chính ít nhất phải đủ để trả tiền học phí và trang trải cho cuộc sống. Gói tài chính này do các cơ sở thực hành chi trả (các BSNT đều đã là bác sĩ, trong thời gian học họ làm việc như một nhân viên thực sự). Thêm vào đó, việc ưu tiên tuyển dụng sau tốt nghiệp, bậc lương... cũng là những vấn đề mà các nhà quản lý cần phải tính đến.

GS.TS. Tạ Thành Văn: Cần có chính sách đặc thù cho đào tạo bác sĩ nội trú- Ảnh 3.

GS.TS. Tạ Thành Văn tại một buổi lễ trao bằng tốt nghiệp.

- Đối với sinh viên, việc lựa chọn chuyên ngành BSNT là một quyết định quan trọng của các tân bác sĩ đối với sự nghiệp của mình. Theo ông, các bạn sinh viên khi dự thi kỳ thi tuyển BSNT nên xem xét những yếu tố nào để quyết định lựa chọn chuyên ngành mà mình muốn gắn bó?

GS.TS. Tạ Thành Văn: Có hai vấn đề nhắc nhở đến các em sinh viên khi lựa chọn chuyên ngành để học BSNT, đó là:

Thứ nhất, cần xem xét xem mình có phù hợp với chuyên ngành đó không? ví dụ như thuận tay trái, vụng về thì thật cân nhắc khi lựa chọn những chuyên ngành thuộc hệ ngoại. Rồi còn nhiều yếu tố khác nữa như thể lực, sở trường (nếu đam mê nghiên cứu, tìm tòi thì nên chọn các chuyên ngành y học cơ sở)... rồi sau khi tốt nghiệp mình dự định sẽ làm việc ở đâu...

Thứ hai là mình có thực sự đam mê, yêu thích chuyên ngành đó không? vì nếu không đam mê thì thật khó có thể thành công trong công việc.

Cũng cần lưu ý rằng, trong Y học, chuyên ngành nào cũng hay, cũng như cơ thể chúng ta, cơ quan nào cũng quan trọng và không thể thiếu. Không thể nói cơ quan này, bộ phận này của cơ thể quan trọng hơn cái khác. Một khi đã đam mê và dành tâm huyết cho nó thì chắc chắn bạn sẽ thành công.

- Xin trân trọng cảm ơn GS.TS. Tạ Thành Văn!


Đỗ Vi (thực hiện)
Ý kiến của bạn